Độc đáo lễ nghi dâng hương cho Vua ngày Tết
- Văn hóa - Giải trí
- 14:09 - 05/02/2019
Tương truyền về nghi lễ cúng tết thời Lê
Lam Sơn- Lam Kinh là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi khởi nguồn và căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại. Đây còn là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Hậu Lê và Hoàng hậu. Tồn tại trong không gian văn hoá Việt Mường, mang dấu ấn đậm nhất là hệ thống đền, nhà thờ họ, thờ cúng những vị tướng có công lập nên vương triều Lê.
Theo những dòng tư liệu (Phòng tư liệu khoa học lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1966) ghi lại về nghi lễ cúng tết thời Lê do tác giả Lê Thành Hữu (nguyên phó chủ tịch Hội đồng họ Lê Thanh Hóa) dịch còn lưu giữ: “Sáng mùng 1 tết theo lệnh vua, các công thần, quan văn, quan võ vào cung làm lễ. Trước đó ngày 30, tại Điện Kính thiên đã bày biện, trang hoàng, cắm cờ tán vàng 2 bên vua ngồi, chuẩn bị đại nhạc…theo nghi thức. Khoảng 5h sáng ngày 1 tết, đoàn rước bắt đầu khởi hành, đoàn nhạc đi trước, đội nghi vệ cầm tán vàng che, khiêng kiệu đến để rước vua đi. Khi đoàn rước đến Điện kính thiên (chỗ bàn thờ cúng tết), các quan văn võ đứng ở hai bên, nhạc tấu lên, Hoàng Thượng làm lễ cúng bái tổ tiên xong, các quan dâng lễ kính chúc sức khỏe Hoàng Thượng. Đồ cúng ngày tết, đền Thái Miếu (thờ Vua) gồm: 375 bát gạo nếp, 45 bát gạo tẻ, dầu, mật, mắm muối... Trong 3 ngày tết, mỗi ngày dâng 20 mâm để cúng. Điện chí kính (chỗ Vua thiết triều) gồm: 240 bát gạo nếp, 36 bát gạo tẻ…các cung miếu khác ở trong triều mỗi ngày phải chuẩn bị 65 mâm để cúng.”
Người dân tấp nập vào di tích Lam Kinh dâng hương các vua nhân ngày tết.
Trong bảy thập niên đầu của triều Lê (từ 1433 - 1505), các vua nhà Lê trị vì đất nước, cũng là quãng thời gian Lam Kinh hưng thịnh nhất, các vua và triều thần về Lam Kinh tổng 15 lần bái yết sơn lăng. Trong sách Đại việt sử ký toàn thư ghi lại những sự kiện rất gắn gọn. Chuyến về Lam Kinh năm 1456 của vua Lê Nhân Tông được ghi lại: “Vua và các đại thần thắp hương ở mộ vua Lê Thái Tổ cùng lăng mộ các vua và hoàng hậu. Đại tế diễn ra trong khu Chính điện và các tòa thái miếu. Cắt cử mỗi đại thần phụ trách chuẩn bị vật phẩm và nghi thức ở từng Miếu điện. Biểu diễn hai điệu múa (Bình Ngô phá trận và Chư Hầu lai triều). Mỗi dịp vua nhà Lê về Lam Kinh là dịp dân chúng tổ chức hội hè tưng bừng để đón rước…”.
Cụ Lê Văn Hùng, một cao niên họ Lê chia sẻ, tư liệu về thờ cúng ngày tết của các vị vua nhà Lê vô cùng ít ỏi. Tuy nhiên, những tư liệu đó giúp chúng ta hình dung nghi lễ tôn nghiêm của các vua nhà Lê đối với tiên tổ. Di tích Lam Kinh với tổng thể rất nhiều công trình mang trong mình nhiều giá trị vô giá, trải qua thời gian cùng với sự hưng thịnh của đất nước và địa vị vương triều Lê, di tích cũng trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, bằng tấm lòng tri ân với những người có công với dân, với nước. Những ngày đầu năm mới, dân chúng từ muôn nơi về thắp hương tưởng nhớ những vị vua anh minh, những khai quốc công thần có công khai sơn lập quốc.Thờ cúng các vua và Hoàng Hậu ngoài là trách nhiệm còn là sự tri ân, nhớ về nguồn cội.
Nghi lễ cúng tết vua Lê thời nay
Hòa chung không khí chuẩn bị đón tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, tại Lam Kinh, Ban quản lý di tích lịch sử đã chuẩn bị chi tiết phương án để tổ chức thực hiện lễ đón tết cho các vua tại khu trung tâm miếu điện Lam kinh. Tổ chức thực hiện dọn dẹp sạch sẽ cảnh quan môi trường toàn bộ khu di tích, từ đường đi lối lại đến cảnh quan trong khuôn viên, bàn thờ cúng. Trồng hoa, cây cảnh, chủ yếu lựa chọn hoa cúc và một số hoa có màu vàng để trồng.
Bên cạnh đó, treo cờ hội, cờ tổ quốc, cờ phướn, băng giôn làm cho toàn bộ khu di tích nổi bật cảnh sắc xuân. Việc sắm soạn những dụng cụ thờ cúng trên bàn thờ cũng được đặc biệt quan tâm như: mâm, bát đĩa, chén, nậm rượu, đèn nến, khăn phủ, vải che khám…Đồ lễ được chọn lựa chọn là những sản vật đặc biệt của xứ Thanh. Vào ngày 27/12 âm lịch, bắt đầu việc bày trí, xắp xếp các đồ thờ cúng theo nghi lễ. Ngoài các loại hoa có mầu vàng như hoa cúc, hoa lan, hoa ly… được bày trước các hương án thờ và toàn bộ phía ngoài như: từ Ngọ Môn, đền Sân Rồng, chính điện.
Người dân đến dâng hương mộ vua Lê Thái Tổ.
Ở các lăng mộ vua chọn hoa huệ để dâng lễ. Ngày tết nơi thờ cúng các vua không thể thiếu cành đào. Nghi lễ ngày tết dâng lên vua bao giờ cũng phải đủ 3 lễ, lựa chọn rất cầu kỳ: mâm mặn, mâm ngũ quả, mâm cổ ngọt còn có cả mâm bánh chưng, bánh lá. Lễ mặn gồm có xôi và lợn quay cả con. Xôi được đồ từ gạo nếp nương, nếp cái hoa vàng, hạt gạo trong đều khi chín các hạt xôi đều bóng, mùi thơm lừng. Lợn quay chín bằng than hồng, thường được chọn là giống lợn nuôi tự nhiên trên các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa, trọng lượng khoảng hơn 10kg, khi chín lợn không bị nứt, không cháy, thơm ngậy. Gà được lựa chọn những giống gà ngon quanh khu vực Lam Kinh. Cùng với đó là các loại rượu nổi tiếng tại Thanh Hóa như rượu nếp nương, rượu Chi Nê Hậu Lộc, rồi bánh chưng được dâng lên các bàn thờ.
Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả đủ 5 loại mầu theo ngũ hành (xanh, đỏ, vàng, đen, trắng). Các loại quả được lựa chọn ở những vùng có sản phẩm đặc sản nổi tiếng để làm ngũ quả như bưởi Luận Văn (bưởi tiến vua ngày xưa). Chuối tiêu phải là những buồng chuối đã già, chọn những buồng ở giữa nải có những quả to đẹp được trồng ở những vùng đồi núi. Quả phật thủ, loại quả này được trồng chủ yếu trên Ngọc Lặc, có mầu vàng chanh, da bóng đẹp, các ngón tay của phật thủ đều và đủ 9 ngón… Mâm ngọt không thể thiếu bánh gai tứ trụ, chè lam Phủ Quảng và vàng hương, cau trầu dâng lên các bàn thờ trong các tòa miếu.
Cụ Lê Văn Quang, (82 tuổi), thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) - người đã từng phục vụ hương khói tại hơn 20 năm ở Lam Kinh cho biết: “Đồ lễ được chuẩn bị xong, chiều 30 tết, chúng tôi ra từng mộ phần thắp hương mời các vua về ăn tết. Mâm cơm cúng chiều 30 tết gồm lợn, xôi, gà, bánh chưng… được các thành viên trong Ban kính cẩn đặt lên bàn thờ, kính cáo với các vua năm cũ sắp qua. Đêm 30 cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới, cầu mong các vua phù hộ độ trì cho quốc thái dân an. Sau giao thừa người dân trong vùng tấp nập kéo dâng hương cho các vua, cầu khấn cho một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Tiếp đến trong 3 ngày tết, mỗi khi cúng đồ lễ cũ trên các bàn thờ được hạ xuống và thay bằng đồ mới.”
Ông Trịnh Đình Dương, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh chia sẻ: “Việc lễ Vua, sắm sanh đồ lễ cũng quan trọng nhưng điều quan trọng hơn vẫn là ở cái tâm của hậu thế. Sự thành tâm của người biện lễ gắn liền với những ước vọng lớn lao cho một năm mới. Thường sau khi biện lễ, lên hương, con cháu dòng tộc họ Lê nói riêng và con dân cả nước nói chung đều thành tâm cầu mong các bậc tiên đế độ trì cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an, trên dưới đoàn kết một lòng xây dựng nong sông, đất nước ngày càng giàu mạnh.”