CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Giai điệu đẹp cho một câu chuyện văn hóa

 

Đây là chương trình định kỳ diễn ra hàng tháng được nhóm Đông kinh cổ nhạc dàn dựng và tổ chức nhằm phục dựng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật biểu diễn dân gian nhạc cổ của đất kinh kỳ. Với việc giữ nguyên bản chất liệu nhạc cổ, nhóm Đông kinh cổ nhạc đã lựa chọn các trích đoạn từ các tác phẩm kinh điển của một số loại hình nghệ thuật như Chầu văn, Chèo, Xẩm, Ca trù, Tuồng,... được biểu diễn bởi các nghệ nhân, các nghệ sỹ tâm huyết với nghệ thuật cổ của dân tộc.

 

Khán giả sẽ được trải nghiệm cung cách nghe nhạc và hòa mình vào không gian diễn xướng xưa

 

Theo BTC, khán phòng biểu diễn tại Trung tâm Giao lưu văn hoá phố cổ được xây dựng trên nền của nhà hát Chèo đầu tiên của Việt Nam - rạp Sán Nhân Đài. Nơi đây, các nghệ sỹ sử dụng các nhạc cụ cổ, truyền thống như đàn Đáy, Bầu mộc, đàn Hồ bầu, đàn Nhị, … với dây đàn được làm bằng tơ tằm nguyên chất. Có thể nói, việc phục dựng những nhạc cụ cổ với dây đàn tơ tự nhiên là một trong những thành công của dự án phục chế nhạc cụ truyền thống sử dụng dây tơ của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.

Đặc biệt, chương trình lần này còn có sự tham gia của nhóm nghệ thuật Kodo. Đây là những nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật trống truyền thống của Nhật Bản hay còn gọi là Taiko, Kodo hướng đến sự khám phá bất tận và đưa đến những định hướng mới cho hình thức nghệ thuật sống động này. Trong tiếng Nhật, Kodo có 2 nghĩa. Đầu tiên có thể hiểu Kodo là "nhịp đập trái tim", được lấy cảm hứng từ sự mô phỏng tiếng nhịp tim người mẹ như được cảm nhận từ đứa trẻ trong bụng mẹ. Đặt trong một bối cảnh khác, Kodo cũng có nghĩa là "Người con của trống", thể hiện ước mơ của những nghệ sĩ trong nhóm có thể chơi trống với trái tim thuần khiết như một đứa trẻ.

 

Chương trình lần này còn có sự tham gia của nhóm nghệ thuật Kodo, Nhật Bản

 

Vẫn như các buổi biểu diễn trước đây, buổi biểu diễn lần này hoàn toàn không dùng các phương tiện khuếch đại âm thanh. Các nhạc cụ bộ dây trong chương trình được làm từ dây tơ tằm nguyên chất - một trong những thành công trong dự án phục chế nhạc cụ truyền thống sử dụng dây tơ của nhóm Đông Kinh cổ nhạc và các nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản. Xuất phát từ ý tưởng bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống, nhóm các nghệ sỹ Đông Kinh Cổ nhạc cùng sự bảo trợ của Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ hy vọng chương trình “Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” trở thành món ăn tình thần của công chúng yêu mến các bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống.

Đóng góp vào sự thành công của chương trình này đó là các nghệ sỹ của nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Trong suốt 1 năm, khán giả đã được “say” trong từng lời ca, nhịp phách của những tên tuổi như NSND Xuân Hoạch, NSND Mẫn Thu, NSND Thu Hoài, NSƯT Thanh Bình, NSƯT Bích Liên, NSƯT Thúy Ngần…Không chỉ phục dựng lại lối hát cổ, trong khuôn khổ chương trình còn tái hiện lại nghi thức thưởng thức nhạc cổ thông qua việc "bỏ thẻ" để tặng thưởng cho những ai hát hay, đàn giỏi như các cụ đã áp dụng trước đây. Cách thức tổ chức này như một "cỗ máy thời gian", đưa người nghe, người xem trở về không gian âm nhạc giống như hàng trăm năm trước. Đây là cơ hội để khán thính giả cảm nhận nét đẹp văn hóa tinh thần của con người phố cổ; đồng thời, trải nghiệm cung cách nghe nhạc xưa và hòa mình vào không gian diễn xướng lâu đời của Thủ đô Hà Nội.

Được tổ chức định kỳ mỗi tháng 1 lần tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội), “Chuyện nhạc phố cổ” đã trở thành điểm hẹn âm nhạc cho du khách trong và ngoài nước yêu mến các môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

HỒNG HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh