CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:52

Chuyện một tuần nằm viện

 

 Gần 12 giờ đêm, bệnh viện im ắng, tịch mịch, những người vạ vật ở cầu thang, hành lang đã tìm chỗ ngủ cả, một mình trong căn phòng rộng thênh thang với bộ quần áo cũng mênh mang của bệnh nhân chuẩn bị phải phẫu thuật, đầu chụp bao nilon, nằm thẳng cẳng trên giường mổ, thực sự không thoát khỏi cảm giác “bỗng dưng thấy… hãi”.

Một bác sĩ trong bộ đồ mổ màu xanh đậm bước vào, thoăn thoắt cắm mũi kim tiêm có ống truyền vào tay, úp cái phễu thở máy vào mũi rồi lấy dây trói 4 chân tay tôi vào 4 góc giường. Mấy cô y tá lạch cạch dao kéo, đồ nghề ngay bên cạnh. Ghê quá!

Một bác sĩ khác vỗ nhẹ vào má tôi: - “Em làm nghề gì?”- “Phóng viên”, - “Chắc đi nhiều lắm nhỉ”. “Vâng”. - “Bao nhiêu tuổi rồi?” (Cái này có trong bệnh án, hỏi làm gì? Kiên quyết không trả lời!). -“Có nhiều người yêu không?” (Ối dà, vẫn còn tỉnh táo nhé, đừng có mà tranh thủ khai thác!). Nghĩ được đến đấy thôi. Thế rồi tôi lịm đi, không còn biết đất giời gì nữa…  

 1.

“Chị ơi, chị mổ xong rồi đấy. Chị tỉnh chưa? Chị quay mặt ra ngoài đi” - Một giọng con gái như ở đâu xa xa vọng lại. Cảm giác vừa qua một giấc ngủ dài, thật sâu nhưng nặng trĩu. Cổ họng đau khủng khiếp, khản đặc, tôi cố trả lời nhưng không thành tiếng nổi.

Mỗi bệnh nhân được phép kèm một người nhà vào phòng bệnh chăm sóc 


Cố mở to mắt. Vẫn trong phòng mổ. Đồng hồ trên tường lờ mờ chỉ gần hai giờ sáng. Cách giường tôi nằm chừng 3 mét, cô y tá trẻ ngồi chống tay vào cằm, đang không cưỡng được cơn buồn ngủ. Đầu cô thỉnh thoảng lại chúi xuống, nhưng vẫn gọi canh chừng bệnh nhân: “Chị quay mặt ra ngoài đi…” (không hiểu để làm gì?).  

Một bóng đàn ông bước vào, nằm vật xuống cái giường ở góc phòng, nói như thở hắt ra: “Mệt quá, nghỉ tí đã, vẫn còn ca mổ nữa”.

…Lát sau, chiếc giường có bánh xe đưa tôi về phòng bệnh của Khoa Phẫu thuật tiêu hóa M (Bệnh viện đa khoa Xanh pôn- Hà Nội).

Trời, không thể tưởng tượng được. Phòng sáng trưng, vậy mà một dàn đồng ca của họ nhà… sấm bè trầm bè bổng đang cử nhạc ầm ầm, người thường vào đây chắc cũng đến thủng màng nhĩ, nữa là người vừa mổ như tôi.

6 giờ sáng, bệnh nhân lục tục ngồi dậy, tôi mới phát hiện ra có 6 giường thì trừ cái mình đang nằm ra, 5 giường kia đều là bệnh nhân… giai. Người nhà ngủ trông bệnh cũng… giai cả. Đàn ông vô lo, ngáy rất to. Thành ra dàn đồng ca nhà sấm mới nổ ầm ầm suốt đêm như vậy!

 2.

7 giờ sáng. Một bác sĩ cao tuổi, tầm thước, tóc trắng gần hết mái đầu nhanh nhẹn bước vào phòng. Ông tươi cười đến từng giường bệnh, ân cần chuyện trò, hỏi han bệnh trạng một cách cởi mở với bệnh nhân.

Bệnh nhân giường số 1 tầm 65 tuổi được ông gọi bằng anh xưng tôi rất thân mật: Tôi chỉ mong được nghỉ ngơi thanh thản như anh, tôi chỉ còn vài tháng nữa là về hưu, năm công tác thì quá thừa, gần 40 năm cống hiến rồi. Sắp được nghỉ ngơi rồi…

Tới giường số 2, 3, 4, mấy anh này thanh niên hơn, độ ngoài 40, mổ trĩ. Ông dặn: Vừa mổ xong đi lại ít thôi, khi nào ra viện ăn được thì ăn thoải mái nhé, không cần kiêng khem gì. Giường số 3 láu lỉnh: Uống thì sao hả bác sĩ? Ông cười: “Tùy thôi. Muốn khỏe thì bớt rượu bia đi”.

Quay sang ông già hom hem ở giường số 5, ông động viên: Bác yên tâm nhé, mấy hôm nữa có bác sĩ nước ngoài mổ cho bác đấy”

Ông đến bên giường tôi ân cần: “Cháu còn đau không?” – “Vẫn đau ạ. À bác sĩ ơi, sao lại xếp cháu vào phòng bệnh nhân nam thế này ạ?”. – “Cháu có thấy cả cái bệnh viện này đang là một công trường xây dựng không? Chật chội lắm nên không xếp phòng nam riêng nữ riêng được, mà cũng chỉ có mỗi một phòng dịch vụ này. Ở chung thôi, cố gắng nhé!”.

- “Sao trước khi mổ bác sĩ lại còn hỏi cháu có nhiều người yêu không?” – “À, hỏi đùa vậy cho bệnh nhân đỡ căng thẳng, với lại nếu cháu còn trả lời tức là chưa mê, anh ta chưa mổ được…”

8 giờ, 3 chị y tá với xe đẩy đầy chai lọ tiêm truyền với thuốc men cút ca cút kít lách vào. “Người nhà bệnh nhân ra ngoài để chúng tôi làm thuốc ạ” – một chị tóc hoa râm nhẹ nhàng nói.

Không căng thẳng như những lần trước được chứng kiến cảnh y tá tiêm thuốc, phát thuốc ở một vài bệnh viện khác. Mấy anh bệnh nhân Số 2, Số 3, Số 4 tha hồ ca cẩm đau chỗ nọ chỗ kia, ông già hom hem 70 tuổi Số 5 phàn nàn chuyện khó ngủ… cứ như làm nũng y tá vậy. Không thấy ai chuẩn bị polime mệnh giá 20 hay 50 nghìn dấm dúi vào túi y tá để tiêm …đỡ đau, chọc ven không vỡ.

Không rõ vì sao chuyện trong phòng lại quay về đề tài… hưu trí. Một chị y tá nói với Số 1: Anh ạ, chúng em mong từng giây từng phút để được về hưu. Bây giờ mà bắt phụ nữ làm đến 60 tuổi thì chết, không làm nổi nữa đâu. Mấy người bọn em ở đây ngoài 50 cả rồi, mệt mỏi lắm rồi…

Các y tá lớn tuổi rất nhẹ nhàng với bệnh nhân, ai cũng mong được... về hưu đúng tuổi


 

Chị quay sang tôi: “Em mới mổ ruột thừa đêm qua phải không?” – “ Vâng ạ” – “Đến chiều thì em có thể dậy đi lại nhẹ nhàng được rồi đấy”.

 – “Em thấy nhiều phụ nữ đang muốn được ở lại làm đến 60 tuổi mới về hưu, công việc này của các chị có vẻ cũng không vất vả lắm, sao vẫn muốn về hưu sớm?”

 – “Với y tá già như bọn chị thì mệt mỏi lắm rồi, trực đêm trực hôm, bệnh nhân thì đông, áp lực công việc nhiều nên mệt mỏi căng thẳng lắm. Ai muốn ở lại thì ở chứ bọn chị thì mong về hưu từng giây từng phút”!.

 3.

Ngày nào cũng vậy, 11 giờ trưa là giờ được phép vào thăm bệnh nhân. 11 giờ rưỡi, các bà vợ lục tục mang cơm cháo vào cho chồng. Cả buổi sáng, sau khi tiêm truyền, cánh bệnh nhân nam chuyện trò ầm ầm, ông nào khỏe thì lò dò đi lại trong phòng, lượn ra hành lang. Nhưng cứ đến giờ cơm là nằm cả lên giường như bệnh nặng lắm, không cử động nổi chân tay.

Bà vợ ông số 1 trông còn khá trẻ, nuột nà và ăn diện. Ông chồng thì già hơn rất nhiều. Bữa nào cũng thấy Số 1 ngồi há mồm như em bé để vợ… bón cơm vì “tay đau không cầm nổi cái thìa”! Dù trước đó, ông này nói chuyện liên miên, chém gió ầm ầm, không thấy có dấu hiệu đau tay gì cả.

Số 2 khoảng 45 tuổi, người đậm đà, dáng tay chơi. Thấy vợ lúi húi thu dọn bát đĩa, cặp lồng cơm chuẩn bị về, anh ta nì nèo: “Ở lại tí nữa đi”. Chị vợ ngạc nhiên: “Ở lại làm gì?” Số 2 cười hềnh hệch: “Nhìn nhau tí”. “Dở hơi à!?” Chị vợ ngoe nguẩy đi ra cửa.

Cánh cửa vừa khép sau lưng vợ, Số 2 cười phá lên: “Về đi, ở lại làm gì, bây giờ nhìn nhau thì còn cái vẹo gì nữa mà nhìn!”.

Vợ Số 3 hay mang cơm vào muộn, tầm 12 giờ hoặc 12 rưỡi. Anh chồng thường ăn rất nhanh và giục vợ về ngay “còn trông thợ!”

Mấy bà vợ mà đi khỏi, các bố lại nhanh như cắt, dù anh nào cũng chỉ mới mổ được 2-3 ngày. Chuyện trò thì thôi rồi, rầm rĩ cả phòng, toàn chuyện nhậu nhẹt, rượu bia và em út!

Số 4 cũng giống số 2, 3, đều là bệnh nhân mổ trĩ. Không hiểu sao trông 3 chàng này rất trai tráng mà đều mắc cái bệnh này. Xưa nay ấn tượng về người bị bệnh trĩ của tôi chỉ dừng lại ở mấy tay diễn viên hom hem chuyên quảng cáo thuốc trĩ nội trĩ ngoại trên ti vi. Giờ thì quan niệm của tôi đã thay đổi!

Nằm 2 ngày liền mỏi quá, tôi bèn nhờ cô y tá dựng cho cái giường cao hơn để dựa lưng. Cô bé loay hoay không biết điều chỉnh cái giường chuyên dụng rất hiện đại được nước ngoài viện trợ như thế nào. Thế là mấy bệnh nhân “thanh niên” trong phòng nhất tề xông đến giường tôi, anh nhấc đầu, anh vặn chốt, suýt khiêng bổng cả tôi lẫn giường lên.

Tôi khiếp quá kêu ầm lên. Không phải tôi lo cho tính mạng của mình mà lo cho 3 anh vừa mổ trĩ. Chẳng may bục vết khâu của các chàng thì mấy bà vợ thịt tôi mất!

 Số 5 già nhất phòng, khoảng ngoài 70 tuổi, người gầy còm, là một “ca” khá đặc biệt. Nhập viện và chờ mổ vì bệnh chảy máu dạ dày nặng, nhưng ông đánh chén tơi bời suốt ngày. Ăn như trẻ sơ sinh, cứ độ tiếng, tiếng rưỡi là phải chén một bữa, cơm, xôi, phở, sinh tố, sữa, nước quả… vợ con không kịp mang vào là ông tự đi mua hoặc tự chế biến lấy. Ngay cả ban đêm ông cũng phải dậy chén đến 3 lần.

 Bà vợ càu nhàu: “Ông ăn vừa vừa thôi không có bục ruột ra đấy”. Ông trả đũa ngay: “Đằng nào chả bục rồi, bà đi về đi, cứ đến là kìm hãm người ta, cấm đoán suốt ngày. Tôi chết vì bà chứ không phải vì bệnh đâu!”.

Bà vợ tức khí: Đã thế tôi về, mặc kệ ông!

Trước khi về, bà không quên khám xét khắp giường, tủ cá nhân của ông xem ông có tàng trữ đồ ăn uống gì không…

Nằm im trên giường chừng 5 phút sau, áng chừng vợ đã đi xa xa. Ông già nhỏm dậy: Này, mấy thằng kia có hút thuốc không?

Số 2, 3, 4 đồng thanh: “Có. Nhưng tưởng bà khám xét tịch thu rồi mà”?

Ông già nháy mắt, cười rất láu rồi lật gối lên, thò tay vào trong ruột gối khoắng: Để đây mới an toàn. Chúng mày hút gì? Ba số, Vina, Thăng Long hay Man?

 4.

Ra viện một cách… nhẹ nhàng, thanh thản. Đem câu chuyện “lạ” trong gần tuần nằm viện Xanh pôn kể với cô bạn đồng nghiệp. Nó bảo: Thôi bà ơi, chắc họ biết bà là nhà báo nên mới “hành xử” như vậy?!

- “Không phải, tôi đi viện, người nhà đi viện, con tôi đi viện cũng nhiều, lần nào người ta chẳng biết mình là nhà báo, nhưng có phải ở đâu người ta cũng đối xử với bệnh nhân như ở đây đâu. Nói thật là tôi không thấy y bác sĩ nào cau có gắt gỏng hay quát tháo bệnh nhân. Tôi kinh ngạc lắm bà ạ”.

- À mà có khi vì bà nằm phòng dịch vụ, được đối xử tốt hơn? Cô bạn vẫn căn vặn.

- “Tôi đi khối viện thấy bệnh nhân ở phòng dịch vụ cũng chỉ hơn người khác cái chỗ nằm ngồi, còn thì… cũng như nhau cả. Hơn nữa, nằm mãi cũng buồn chân tay nên tôi cũng hay lò dò lượn qua mấy phòng bệnh nhân khác không “dịch vụ” thấy cũng vậy mà!”

Khổ thật. Cái tai tiếng của ngành y còn “nặng căn” lắm. Đến nỗi có chuyện tốt người ta cũng cảm thấy khó tin! Chắc chỗ này chỗ khác cũng không tránh khỏi còn chuyện nọ chuyện kia, nhưng chỗ nào “tiến bộ” được như chỗ này, bệnh nhân coi như cũng được hưởng phúc rồi!

Thăm khám và điều trị tại viện


Quả thật, nhờ đợt nằm viện này, tôi tự “chiêm nghiệm” thấy có ba cái lợi:

Thứ nhất (rất mừng) là không phải ăn kiêng hay chạy huỳnh huỵch cả năm (chỉ bị mổ bụng, nằm im, truyền nước) tôi giảm được hẳn 3 cân, thân thể đi lại rất chi là uyển chuyển nhẹ nhõm.

Thứ hai (cũng mừng) là tôi đã có cái nhìn khác về y đức. Trộm nghĩ, giá mà mọi bác sĩ, mọi bệnh viện đều tận tình với bệnh nhân như vậy, chắc họ chóng lành bệnh lắm!

Thứ ba (cái này có tính thời đại và thể hiện rõ ưu việt của mạng xã hội): Nhờ một cái status tôi quăng lên Facebook than vãn chuyện đúng đợt nghỉ lễ 30/4 -1/5 cả nước đi chơi, lòng tôi đang đầy ham muốn ngao du sơn thủy mà lại phải... bất động, mà từ thủ trưởng, thủ phó, đến các bạn đồng nghiệp, các bạn mẫu giáo, các bạn cấp 1, 2, 3; các bạn đại học, họ hàng nội ngoại, bạn bè gần xa, bà con khối phố, đến cả cộng đồng phây búc trong nước và quốc tế… rất nhanh chóng, kịp thời gửi lời động viên, chia sẻ. Có cả những người bạn từ hồi bé tí tẹo bao năm không gặp bỗng dưng mang cam đến tận viện thăm nom làm tôi cảm động rơi nước mắt!

Lần nữa xin trân trọng cảm ơn những tấm lòng bè bạn, chúc mọi người một tuần làm việc vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc. Và không phải đi thăm ai ốm đau gì!

Yêu tất cả mọi người!

Thu Hằng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh