THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:58

Chuyện làm giàu của một thương binh

Đầu những năm 1970, như bao thanh niên thời ấy ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, ông Phạm Đình Hán đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện ở quân trường, ông vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Tây Nam bộ tham gia chiến đấu liên tục cho tới ngày 30/4/ 1975. 

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hán kết hôn và đưa gia đình chuyển đến phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ sinh sống với hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn nhưng chính vào thời điểm đó, khi chứng kiến đứa con gái đầu lòng vừa sinh ra đã mang dị tật, ông mới đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện mình bị nhiễm chất độc hóa học, với cơ thể chịu nhiều di chứng nghiêm trọng, khiến sức lao động giảm sút chỉ còn 40%. 

Ông Phạm Đình Hán cùng vợ Đỗ Phụng Nga tại cửa hàng kinh doanh sản phẩm dây cáp thép, dây xích…

Hiểu được cuộc sống vốn đã khó khăn, lại thêm bệnh tật đớn đau những khi trái gió trở trời của ông, cán bộ phòng LĐ TB&XH quận Ninh Kiều đã hỗ trợ vốn vay hộ nghèo và động viên ông quyết tâm vượt lên, đưa gia đình mình thoát nghèo. Vốn là người nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, ông sớm nhận ra tiềm năng của ngành kinh doanh vật liệu xây dựng sắt thép, trong bối cảnh kinh tế địa phương đang phát triển theo hướng công nghiệp hoá, nên đã quyết định mở một tiệm thu mua, chế biến dây điện, bình hơi và phụ tùng máy tàu bằng nhôm, sắt. Thời gian đầu, đồng vốn nhỏ, ông thuê một mặt bằng chỉ rộng vài mét vuông, hàng ngày ông cùng vợ đi khắp nơi thu gom nguyên vật liệu về chế biến rồi đem giao thành phẩm cho khách hàng. 

Với tinh thần cầu thị, chịu khó học hỏi những kinh nghiệm của người đi trước, ông đã nhanh chóng tạo được uy tín với khách hàng. Khi tích lũy được một số vốn, ông mạnh dạn mời thợ giỏi nghề về phụ giúp mình, đồng thời hỗ trợ phổ biến kiến thức, kỹ thuật về cải tiến, kinh doanh phụ tùng nhôm, sắt đến những người bạn, người đồng chí sinh hoạt chung trong Chi hội Cựu chiến binh phường An Lạc, quận Ninh Kiều, nhằm giúp các hội viên có nền tảng vững chắc để khởi nghiệp, thoát nghèo. 

Trải qua nhiều năm vất vả, từ hai bàn tay trắng, giờ đây ông đã là chủ của 3 tiệm chuyên cung cấp, kinh doanh phụ tùng máy móc bằng nhôm, sắt có tiếng tại khu vực Chợ Sắt An Lạc, quận Ninh Kiều, tạo việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có nhiều người là con em của các cựu chiến binh tại phường, với mức lương ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. 

Sản phẩm bình hơi, phụ tùng sắt của ông được nhiều công ty, doanh nghiệp ở Cần Thơ đặt hàng với số lượng lớn để phục vụ sản xuất. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm việc kinh doanh của ông lãi hơn 100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông ngày càng khá giả, có của để dành và có điều kiện lo cho con, cháu ăn học đến nơi đến chốn.  

Không chỉ lo làm giàu cho gia đình, ông còn là người tích cực tham gia các phong trào, công tác xã hội tại địa phương, nổi bật là việc sáng lập chương trình hỗ trợ vay vốn cho các hội viên Chi hội Cựu chiến binh và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường An Lạc với kinh phí được vận động chủ yếu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc do chính các hội viên có kinh tế ổn định tình nguyện đóng góp. Đến nay, chương trình đã giúp hàng chục lượt hội viên có vốn để khởi nghiệp buôn bán,vượt khó thoát nghèo. 

Với những đóng góp tích cực của mình, từ năm 2002, ông Phạm Đình Hán được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Chi hội Cựu chiến binh phường An Lạc, đồng thời được vinh dự bầu làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. 

THIÊN HƯỚNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh