THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:34

Chuyện kỳ thú ở “thủ phủ mắm” miền Tây

Những mối tình... từ chuyện mua mắm 

Sở hữu nhiều bí quyết vì dòng họ có 4 đời làm mắm ở chợ Châu Đốc, nên bà Nguyễn Thị Hậu xem những câu chuyện liên quan đến “thủ phủ mắm” này cũng như một phần trong cuộc sống của mình. Bà bộc bạch: Những cuộc đời nối tiếp cuộc đời của không biết bao nhiêu gia đình quanh chợ Châu Đốc này đến gắn với các loại mắm. Có thời mắm đi cả vào giấc ngủ, bữa ăn của từng người dân. Cái không khí đặc biệt ấy lan truyền cả sang những người mua mắm. Bao chuyện thi vị cũng nảy ra từ đó.

Những người bán mắm ở chợ Châu Đốc vẫn nhớ như in cách đây 2 năm, chàng trai người Anh có tên Jonathan lần đầu tiên đến miền Tây du lịch, vừa ghé chợ mắm Châu Đốc đã mê mẩn ngay những món mắm .Càng mê hơn khi người bán mắm cho Jonathan là thiếu nữ Lê Thu Thảo, tuổi 18, tiếng Anh bập bẹ, âm giọng thỏ thẻ như rót mật vào tai, cộng với vẻ đẹp bình dị, nhưng đầy quyến luyến của cô gái miền sông nước đã khiến chàng Tây say đắm. Jonathan về nước xin gia đình cho qua Châu Đốc ở dài ngày và mỗi ngày đều đến quầy bán mắm của Thảo để hỏi han, tìm hiểu về món ăn này, đồng thời cũng học thêm tiếng Việt. Sau nửa năm cả hai đều có cảm tình nhau.

Cô bán hàng xinh xắn cùng hàng trăm loại mắm hấp dẫn, chỉ ở Châu Đốc mới có.

Jonathan về nước và từ đó đêm nào họ cũng lên mạng trao đổi với nhau qua email. Những dòng email chất chứa tình cảm ngày càng dày lên cho đến khi thương nhớ như đã đong đầy. Món mắm Châu Đốc Jonathan cũng đã nắm được các bí quyết cơ bản để chế biến nên anh quyết định xin gia đình sang nhà Lê Thu Thảo để nói chuyện xin được cưới thiếu nữ này. Đám cưới của họ diễn ra suôn sẻ, hàng trăm người bán mắm đều đến chúc phúc. Jonathan bày tỏ những lời thật lòng với nhiều người bán mắm ở chợ rằng: Mê mẩn cả hai đó là sự hấp dẫn của các loại mắm Châu Đốc và vẻ dịu dàng của Thảo. Cứ lâu lâu họ lại cùng nhau trở về chợ mắm Châu Đốc như để ôn lại kỷ niệm. 

Nhiều câu chuyện tình đẹp bắt nguồn từ chuyện mua - bán mắn nên thương lái ở chợ mắm Châu Đốc hay ngâm nga: “Châu Đốc chợ mắm thân tình/ Níu chân khách đến, đẹp lòng khách đi/Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi” hay “Ai ơi mua vải chợ Gồm/Châu Đốc mua mắm em chờ anh vô/Cưới nàng bán mắm tuyệt ngon/ Có làn da trắng, tay thon ngón dài”,... Những câu ca mộc mạc ấy cũng tựa như lời chào hàng đầy ấn tượng đối với người đến mua mắm Châu Đốc.

Theo những người già ở chợ mắm Châu Đốc không phải bây giờ mà từ hàng trăm năm trước, chính khung cảnh, sự chân tình, thật thà của những thiếu nữ miệt vườn bán mắm mà nhiều đôi trai gái đã kết duyên nhau và nên vợ nên chồng. Cuối năm 2015, một Việt kiều Pháp, vì quá yêu sự tảo tần, duyên dáng của một thiếu nữ bán mắm đã quyết định quay lại vào dịp đầu xuân 2016, để tìm hiểu và xin cưới cô làm vợ. Bà Lê Thị Thanh, chủ vựa mắm Thiên Thanh, ở chợ Châu Đốc cho biết: Người dân mình chân chất quen rồi, không ưa nói đẩy đưa đầu lưỡi. Cứ thật lòng mà giãi bầy với nhau, không màu mè, tô vẽ. Có nhiều người cũng yêu cái nết đẹp đó nữa. Mấy năm gần đây, Việt kiều hay nước ngoài thì ít, nhưng đàn ông, trai tráng các nơi khác mê mẩn và nên duyên với các thiếu nữ bán mắm ở đây thì nhiều lắm.

Người mua đau bụng thì người bán đau tim

Đó là triết lý tự đáy lòng của hàng trăm người bán mắm ở Châu Đốc khiến nhiều người cảm phục. Ông Lê Văn Thấu, có thâm niên 35 năm làm mắm cho biết: Triết lý ấy muốn nói lên một điều rằng, ai ở vùng đất này khi được người thân, họ hàng của mình truyền cho các bí quyết làm mắm thì tuyệt đối phải làm thật sạch, thật ngon, không được gian dối. Các loại cá khi được lựa chọn để làm mắm phải kỹ càng, không được lựa cá ươn, từ khâu bắt đầu đến khâu kết thúc quy trình vệ sinh bảo đảm an toàn tuyệt đối. Không cần cơ quan chức năng, mà chỉ cần có người thấy ai đó làm mắm mất vệ sinh, thì nhất quyết tất cả những người làm mắm chúng tôi sẽ đến vận động họ không được làm mắm nữa. Cũng bởi như thế nên bao đời nay, hàng triệu lượt khách đến mua mắm ở Châu Đốc mỗi năm không hề bị các sự cố gì liên quan đến an toàn thực phẩm. Ông Thấu cũng bảo, có lần một người trót mua cá không được tươi về làm mắm, sau đó đã bị người dân ở các xóm mắm phạt, phải thề một trăm lần không được làm ẩu nữa, mới cho làm mắm trở lại.

Trong mấy chục loại mắm mà người làm mắm ở Châu Đốc làm ra, dường như đều gắn với câu chuyện của riêng nó. Từ hàng trăm loại cá tôm theo dòng Cửu Long về các đầm phá kênh rạch sinh sôi và phát triển nào cá lóc, cá chốt, cá cơm, cá linh, cá trèn, cá sửu, cá lau...

Nhiều người kể câu chuyện ly kỳ rằng: Xưa có một trận dịch bệnh, nhiều loài cá đồng loạt chết, riêng loài cá linh nhỏ bé nhưng vẫn sống và sinh sôi liên tục, ăn lại rất ngon. Người dân bắt cá linh làm mắm để ăn suốt cả năm trời mà không hề biết chán. Món mắm cá linh cũng ra đời từ đó và là một trong những món mắm đắt hàng ở “ thủ phủ mắm Châu Đốc”. 

Mắm từ loại cá linh làm đơn giản nhưng lại hấp dẫn nhất.

Ngoài nguồn nguyên liệu chính là cá tươi, người Châu Đốc sử dụng thính làm từ gạo rang vàng xay nhuyễn và đường thốt nốt để ủ mắm. Kỹ thuật làm mắm thì không chỉ có một mà là nhiều cách, phụ thuộc vào yếu tố gia truyền hay những bí quyết rất riêng của từng gia đình. Thính cũng quyết định đến 50% độ ngon của các món mắm. Ông Thấu quả quyết rằng: Có một bí quyết chung được xem như là độc đáo của vùng đất này ai làm mắm cũng phải thề không được truyền đi nơi khác. Còn các phương pháp khác thì chỉ bảo thoải mái. Chính thế nên nhiều nơi làm mắm nhưng vẫn có một chút khang khác với mắm ở Châu Đốc này. Ai cũng biết cách làm món mắm cá linh là dùng một con dao nhỏ cắt lấy hai mang cá và rọc một đường ngắn lên bụng cá để moi ruột ra. Cá làm đến đâu cho vào ngâm trong nước muối đến đó, ngâm cá trong nước muối khoảng 7 tiếng đồng hồ. Sau đó, vớt cá ra và rửa lại  bằng nước muối rồi cho cá vào hộp ép thân cá chặt lại trong 10 phút. Cá linh sau khi ép xong thì lấy ra tẩm thính, xếp vào vật chứa ép chặt lại, vừa xếp cá vào hộp vừa rắc một chút muối lên miếng cá, đậy kín nắp hộp và để khoảng 3 tuần, sau đó cho thêm đường. Mắm cá linh sau khi chín có thể dùng trực tiếp, rất hấp dẫn. Ai cũng biết điều này nhưng rất khó ở đâu làm được như Châu Đốc.

Nhiều thợ làm mắm chuyên nghiệp bộc bạch: Không phải để giữ nghề nhưng sợ những nơi khác không đảm bảo quy trình làm mắm nghiêm ngặt như ở Châu Đốc, nên không dám rút ruột truyền hết bí quyết.  

HUY HOÀNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh