THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:30

Cần Thơ thủ phủ miền sông nước

Sông nước Cần Thơ.


Thủ phủ miền Tây 

Theo sách xưa, Cần Thơ vốn được đọc chệch từ hai chữ cần và thơm. Chả là ở xứ này có rất nhiều rau cần và trái thơm (trái dứa miền Bắc) nên người ta gọi là Cần Thơm. Lại có sách ghi, có lần Chúa Nguyễn đi thuyền trên sông – chỗ Bến Ninh Kiều bây giờ thấy đâu đâu cũng rộn ràng tiếng đàn, tiếng thơ câu hát nên đặt là Cầm Thi Giang rồi về sau người ta đọc thành Cần Thơ. Dù cách giải thích thế nào đi nữa thì cái tên Cần Thơ cũng luôn gợi cho người ta nghĩ đến sự bình yên, thơ mộng của một vùng sông nước trù phú.

Cầu Cần Thơ.

Từ xa xưa Cần Thơ đã được nhắc đến bằng câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong – Ai đi đến đó thì không muốn về”. Nói là vậy, nhưng thực ra trước đây để đến với xứ trù phú được thiên nhiên ưu đãi này cũng phải qua mấy lần phà, bây giờ đã khác, cầu Cần Thơ – cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á nối hai bờ sông Hậu, khiến những bến phà chỉ còn được nhớ đến trong câu hát “Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần Thơ”. Và chính cây cầu này cũng đang trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, nhất là vào các buổi tối cuối tuần. Đến Cần Thơ du khách có thể chọn cách đi bằng ô tô hoặc máy bay rất thuận tiện. Đặc biệt là từ khi TP. Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc Trung ương thì nơi đây đã được đầu tư nhiều về  giao thông, khách sạn, để đáp ứng nhu cầu thăm quan và nghỉ dưỡng của du khách.

Vườn Cò Bằng Lăng.

Hiện mỗi năm Cần Thơ đón khoảng 1,4 triệu du khách, trong đó có khoảng 200 ngàn lượt khách nước ngoài, đem lại cho tỉnh nguồn thu khoảng 1 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Không ỷ vào những lợi thế sẵn có, những năm qua tỉnh đã nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ, ẩm thực. Đồng thời đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị đáp ứng tốt nhu cầu của khách đang tăng lên.

Mặt khác, Cần Thơ còn đẩy mạnh việc khai thác vị trí trung tâm trung chuyển của địa phương đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành khác. Mở thêm các tour, tuyến du lịch sinh thái tại Cần Thơ và từ Cần Thơ đến các tỉnh khác trong và ngoài vùng, hợp tác với các tỉnh An Giang, Kiên Giang hình thành “tam giác du lịch”, phát triển các loại hình du lịch sông nước, biển đảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Các điểm du lịch hấp dẫn

Cần Thơ có rất nhiều điểm du lịch luôn cuốn hút du khách như Chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều, Vườn cò Bằng Lăng, Làng du lịch Mỹ Khánh.... Không những thế, gần đây Cần Thơ còn chủ động đa dạng hóa các loại hình sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch.

Chợ nổi Cái Răng. 

Chợ nổi Phong Điền.

Chợ nổi là một sản phẩm du lịch độc đáo của vùng sông nước miền Tây. Chợ thường bán các sản vật, chủ yếu là trái cây, từ các vùng quê mang đến và đồ ăn thức uống. Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ được nhắc đến nhiều không phải bởi chợ đông đúc, nhộn nhịp hơn nhiều chợ khác mà chính là chợ đã hình thành được những khu riêng biệt chuyên bán trái cây đặc sản, hoa và  nhà hàng nổi phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Tạo điều kiện và dành thời gian cho du khách được trò chuyện và tham gia mua bán với người dân, chụp ảnh, quay phim, nghe đờn ca tài tử trên sông… Từ Bến Ninh Kiều đến Chợ nổi Cái Răng mất khoảng 25 phút, chợ họp từ sáng sớm đến khoảng 9 giờ sáng. Đến đây, bạn nên ăn sáng tại chợ để cảm nhận hết cái thú của vùng sông nước miền Tây, với nhiều ghe bán đồ ăn ngon như cháo cá lóc, rắn, hủ tiếu, mì, thịt chuột đồng và cả thịt trăn để bạn lựa chọn. Tất nhiên những thứ này trên cạn đều có, nhưng du khách sẽ thấy thú vị hơn, ấn tượng hơn khi vừa ăn vừa cảm nhận sự lắc lư, chòng trành của con tàu.

Bến Ninh Kiều.

Bến Ninh Kiều cũng là một điểm du lịch hấp dẫn ở Cần Thơ. Nằm bên bờ sông Hậu, Bến Ninh Kiều được hình thành từ thế kỷ thứ XIX, mới đầu có tên là Bến Hàng Dương vì có nhiều cây dương, sau đổi thành Ninh Kiều là lấy theo tên một địa danh lịch sử chiến thắng quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn. Người Cần Thơ luôn tự hào “Cần Thơ có bến Ninh Kiều – Có dòng sông đẹp có nhiều giai nhân”.

Khi hoàng hôn xuống, Bến Ninh Kiều mới thực sự trở nên nhộn nhịp. Trên bờ và dưới sông rực rỡ ánh sáng và văng vẳng đâu đó tiếng hát, tiếng đàn. Tàu du lịch trên sông Hậu đang đón khách xuống thưởng ngoạn đờn ca tài tử. Bài ca "Điệu buồn phương Nam", tiếng rao của mấy chị, mấy má bán hàng rong, tiếng thì thầm của các đôi nam thanh nữ tú làm cho đêm Ninh Kiều trở nên huyền ảo.

NGUYỄN HOÀNG PHƯỢNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh