CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:01

Chuyện kỳ quái ở nơi đàn ông “nhập tửu” là đi… chết

Tự tử đang là vấn nạn ở huyện Krông Chro

694 vụ tự tử

Nhiều năm nay, nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Chro đã trở thành hiện tượng phức tạp, tạo ra những hệ lụy xấu cho gia đình lẫn xã hội. 

Theo thống kê, từ năm 2010 đến cuối năm 2016, trên địa bàn huyện đã xảy ra 694 vụ tự tử, làm chết 220 người. Phần lớn những người tự tử là thanh niên và trung niên - lao động chính trong gia đình. Một bộ phận không nhỏ trong số đó là từ men rượu và thầy cúng mà ra.

Đến giờ, chị Rơ Châm Pah (37 tuổi, ở làng T’Bưng, xã Đăk Pling) vẫn còn ám ảnh bởi trận đánh thừa sống thiếu chết của chồng vào đầu tháng 5 vừa qua. Chị bảo, bình thường chồng chị hiền lắm, lại chăm chỉ làm ăn, nhưng cách đây gần một tháng, anh có ra trung tâm xã nhậu với đám bạn từ trưa đến tối mịt mới về. 

Sau khi nhậu về, chồng dựng vợ dậy dùng tay đánh đấm liên tục vào người chị. Vừa đánh, chồng chị vừa gào lên rằng vì tuổi của chị mà gia đình làm ăn không thuận lợi, vì cái tính của chị mà chồng hay bị đau ốm nên phải đánh để đuổi cái tính và cái tuổi đi, như đuổi con ma rừng ra khỏi người vậy.

Trong trí nhớ loáng thoáng của mình, anh Đinh Nâu (40 tuổi, chồng chị Pah) chỉ biết hôm ấy có nhậu cùng với 3 người bạn. Đang nhậu thì có một người tự xưng là thầy cúng ghé vào quán uống chung vài li.

Sau đó, thầy cúng này phán rằng do cái tuổi của vợ ám vào anh. Tuổi vợ anh không hợp nên đã làm cho cuộc sống của anh đảo lộn. Mạng của vợ cũng mạng ác nên làm cho sức khỏe anh không ổn định. Thế nên phải về đánh đập vợ nhiều trận đòn thì cái hạn về những khúc mắc tuổi tác ấy mới giải tỏa được. 

“Sáng hôm sau tỉnh dậy, mình thấy có lỗi với vợ vô cùng. Tất cả chỉ tại cái rượu mà ra”, anh Nâu áy náy.

Cũng giống như anh Nâu, anh Đinh Kru (42 tuổi, ở làng Dâng, thị trấn Krông Chro) sau khi nghe lời kích động của thầy cúng và bạn bè trong cuộc nhậu cũng về nhà đánh vợ. Người đàn ông này là một “ma men” trong làng, mỗi lần nhậu về thì người vợ thường hay cáu gắt, nhăn nhó, làm anh khó chịu. 

Hôm ấy, thầy cúng xúi vì mặt vợ hay nhăn nhó nên mùa rẫy mới mất trắng. Vậy nên cần phải “chấn chỉnh” lại vợ, để vợ tươi cười thì mùa rẫy mới làm đâu được đó, gia đình khá giả. Thầy cúng nói xong, Kru mặt đỏ bừng rồi chạy về nhà đánh vợ tới tấp. Hậu quả, người vợ không những mặt mày sưng vù, mà bong cả gân tay phải đi băng bó, nửa tháng sau mới thuyên giảm.

Có lẽ những lời nói của thầy cúng đã ám vào cái đầu nông nổi của anh Kru nên từ đó đến nay chưa đầy 1 năm rưỡi, người đàn ông này đã đánh vợ 4 trận. 

Chị Đinh Miết (40 tuổi, vợ anh Kru) cho biết: “Ở đây nhà nào cũng làm rẫy mà làm thì năm được năm mất. Cả làng đều mất như nhau chứ đâu phải gia đình mình, thế mà chồng mình nghe lời xúi bậy của thầy bói rồi về đánh mình bầm dập. Đến nay, mình vẫn còn sợ và giận chồng lắm. Nhiều lần chồng cũng xin lỗi nhưng khi say thì không biết gì nữa nên cứ lao vào đánh mình thôi”. 

Anh Đinh Râu kể lại chuyện mình đánh vợ với phóng viên
Tự tử sau khi đánh vợ

Cũng bởi niềm tin mù quáng, nhiều người đàn ông sau những đòn roi trút xuống vợ thì đâm ra chán nản, thấy cuộc sống toàn nỗi buồn và sự bực tức nên đi tự tử. 

Ông Đinh Lơn (50 tuổi, ở làng Hơn, xã Ya Ma) là một trường hợp như vậy. Sau khi nhậu ngà ngà, cả thầy cúng lẫn những người bạn của ông Lơn đều bảo vợ ông cổ cao hơn so với người thường nên sẽ ám, không cho ông sức khỏe tốt. Về nhà, trong cơn say ông thấy những lời nói ấy là đúng nên đánh vợ không tiếc tay. 

Sau khi tỉnh cơn say, nhìn những vết thương trên người vợ, ông Lơn cảm thấy hối hận. Nhưng khi cơn thèm rượu nổi lên, bi kịch đâu lại vào đó. 

“Có lần nhậu say, mình cố kìm nén nhưng trong lòng lại bực tức. Chẳng còn cách nào khác, mình đi lang thang khắp rừng gào thét. Sau đó, mình rơi vào chán nản rồi lao đi tự tử hòng lấy cái chết để tạ lỗi. Cũng may, lúc ấy vợ con mình chạy ra can ngăn lại”, ông Lơn kể. 

Hỏi thầy cúng đó tên gì, ở đâu? Ông Lơn lắc đầu bảo không nhớ bởi ở địa phương rất nhiều thầy cúng. Ra đường gặp thầy cúng còn hơn gặp người làng.

Ở cùng làng với ông Lơn, anh Đinh Ta Kon (39 tuổi) cũng vì thấy chán nản trong cuộc sống mà đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Người thân anh Kon bảo, bình thường anh rất hiền lành nhưng mỗi khi uống rượu vào thì như một con thú dữ. Nhiều lần anh Kon đi uống rượu về rồi đánh vợ nhưng vẫn thấy chán nản trong người. Và, cuối cùng anh tìm đến cái chết để giải thoát.

Cách nhà anh Kon không xa, anh Đinh Chung (42 tuổi) thấy vợ làm việc chậm chạp, không có kết quả nên bỏ đi nhậu rồi qua mách thầy cúng. Thầy cúng liền phán, vợ anh nặng vía nên cần phải đuổi vía đi thì vợ mới nhanh nhẹn, gia đình mới làm ăn được. Chỉ nghe vậy, anh liền về nhà lôi vợ ra đuổi vía bằng những trận đòn roi. Khi đã chán đánh vợ, anh Chung mặt buồn rầu rồi đem theo dây thừng vào bìa rừng thắt cổ tự tử.

Dân làng không dự đám tang

Trước vấn nạn người dân thi nhau tự tử, chính quyền tỉnh Gia Lai đã vào cuộc can thiệp. Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có hẳn những chuyên đề về nạn tự tử, các đoàn công tác về từng làng, từng xã tìm hiểu, phân tích rồi báo cáo, nhưng rồi cũng chưa tìm ra nguyên nhân chính yếu.

Trong khi đó, tại mỗi xã, thị trấn của huyện đều thành lập Câu lạc bộ “Cuộc sống là vốn quý”. Xây dựng lực lượng tư vấn tại thôn, làng để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống bà con, uốn nắn những người có tư tưởng lệch lạc. 

Ông Đinh Túc - Trưởng làng Hơn cho biết: “Hiện tại, Câu lạc bộ “Cuộc sống là vốn quý” hoạt động và mang lại những hiệu ứng tích cực. Ngoài việc bà con biết quý trọng mạng sống của mình, họ còn tích cực lao động sản xuất, cải thiện kinh tế, mạnh dạn tố giác tội phạm. Ngoài ra, tư tưởng mặc kệ, ai muốn làm gì thì làm đã thay đổi, bà con đã biết can ngăn, cứu những người có ý định tự vẫn”.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều thôn, làng còn đặt ra lệ làng nhằm hạn chế tối đa tình trạng tự tử. “Sau nhiều đợt tuyên truyền, đến nay người dân đã hiểu ra tự tử sẽ khiến người thân đau khổ, con cái bơ vơ, kinh tế thụt lùi. Từ cuối 2015, làng mình ra quy định hẳn hoi, nếu ai uống rượu tự vẫn, dân làng sẽ không đến dự đám tang. Ngược lại, người thân trong gia đình đó còn phải nộp phạt cho làng để tạ lỗi thần linh”, ông Đinh Chiên - Trưởng làng Dâng cho biết.

Rời Krông Chro, chúng tôi thấy lòng mình trĩu nặng. Hệ lụy đau lòng từ những vụ tự tử nói trên là biết bao đứa trẻ mồ côi cha mẹ, vĩnh viễn mất đi sự yêu thương. Vấn nạn tự tử, như một “bóng ma” ám ảnh làm huyện nghèo Krông Chro thêm bất ổn, nghèo nàn. Tự hỏi, đến bao giờ, vấn nạn này mới bị quét sạch khỏi miền quê nghèo này?

 

Ông Trần Đình Phùng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Chro cho biết: “Qua theo dõi những năm qua, hầu hết những người tự tử có tuổi đời từ 25 đến 50, là trụ cột gia đình. Chính vì vậy, khi xảy ra sự việc sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như mất đi lao động chính trong gia đình khiến cuộc sống của người ở lại càng khó khăn hơn.
Đặc biệt, với những gia đình có con nhỏ, khi cha, mẹ qua đời các cháu mất đi điểm tựa nên sớm bỏ học để kiếm sống hoặc sống nương tựa vào sự trợ giúp của dân làng và xã hội”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh