CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:14

Chuyện kỳ dị ở vùng thích ăn bốc

Nghi thức ăn bốc  bắt đầu từ một... giấc mơ

Chiều biên giới xuống nhanh hơn ở các nơi khác, không gian như chìm trong sương khói liêu trai. Để vào được làng người Chăm, từ An Phú phải rẽ qua ngã tư Quốc Thái (một trong những ngã tư nổi tiếng ở An Phú) sau đó tiến thẳng về phía rừng biên giới, và hỏi làng người Chăm ở bùng Bình Thiên dường như ai cũng biết.

Bùng Bình Thiên từ lâu đã nổi tiếng kỳ bì bởi xung quanh nó là một hệ thống hồ nước trong vắt quanh năm không bao giờ cạn. Và rồi những người Chăm nơi đây cũng dùng chính nguồn nước này để phục vụ sinh hoạt và ăn uống hàng ngày.

Thấy khách lạ ghé vào, ông Ma Hảo khoác chiếc áo đã xỉn màu chào đón chúng tôi bằng một ánh nhìn đầy thiện cảm rồi nói: “Uống 5 ly trà người Chăm pha bằng nước hồ quanh bùng Bính Thiên đun sôi lên pha, ăn xong một bát cơm do chính tay những cô gái Chăm ở vùng đất này nấu thì khách mới được bắt đầu hỏi chuyện”.

Nghi thức này có từ bao giờ thì chính những người Chăm già ở đây nhớ rất rõ và chắc chắn lắm”. Cơn mưa chiều biên giới bất chợt đổ xuống làm mù cả một quãng hồ nước. Những người Chăm bắt đầu quây quần bên những căn nhà sàn của mình.

Chỉ những món có nước, người Chăm làng Bình Thuận mới dùng thìa, còn lại đều bốc.

Khách lạ, bất kể là ai khi vào làng đều phải cúi chào cả chiếc cổng làng cũng như những tượng đài và các thánh vật mà người Chăm cho rằng đó là linh thiêng, nếu chót quên thì sau khi chào hỏi người già sẽ quay ra chào hỏi các thánh vật thiêng đó. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bữa cơm đãi khách hôm đó tất cả đều dùng tay bốc.

Trong mâm cơm chỉ duy nhất vài chiếc thìa để múc canh và các thức ăn lỏng dạng nước. Còn tất cả đồ khô đều dùng tay bốc. Theo trí nhớ láng máng của ông Ma Hảo thì nghi thức ăn bốc này bắt nguồn từ một giấc mơ của người khai sinh ra làng người Chăm ở vùng biên giới này.

Ông Hảo kể: “Chúng tôi sinh sau đẻ muộn nên cũng chỉ biết kế thừa những nghi thức của tiền nhân để lại mà thôi. Rằng ông tổ khai sinh ra làng Chăm này là ông Ma Lung. Trong một đêm ông Ma Lung mộng thấy các bậc hiền thánh bảo phải ăn bốc để có sức khỏe hơn và cảm giác được ăn ngon hơn. Từ đó tất cả người Chăm ở đây đều dùng tay bốc đồ ăn bất kể món gì trừ canh và các món nước.

Cách đây vài thế kỷ, khi nghĩa quân Tây Sơn từng đi qua và có một thời gian đóng đô ở vùng đất này cũng gia nhập nghi thức này, dùng tay bốc đồ ăn và họ rất lý thú với điều đó”. Ông Ma Long, năm nay 83 tuổi, cho biết: “Ông nội tôi kể lại khi đó một viên tướng thời nhà Nguyễn là Đinh Viết Thành, trong những bữa tiệc ăn uống rất thích thú điều này nên ra lệnh tất cả quân lính đều ăn bốc”.

Hiện ông Ma Long cũng là người giám sát dân làng Chăm thực hiện luật lệ này. Ông Long cho biết: “Ăn sâu vào tiềm thức rồi nên đôi khi không cần nhắc nữa. Người dân tự thực hiện thôi. Ăn bốc với người Chăm được tiện lợi đủ đường, họ cho rằng dùng tay có thể biết được đồ ăn nóng hay nguội.

Không như xưa kia, trước khi vào bữa tiệc ăn bốc người dân đều múc nước từ hồ quanh bùng Bính Thiên để rửa tay, khi rửa không cần bất cứ một loại xà bông gì mà họ cho rằng nguồn nước đó đã tinh khiết.

Hơn nữa, khi ăn bắt buộc phải dùng tay phải vì tay trái là cánh tay có thể làm những việc sai trái nên không thể bốc thức ăn, thứ được cho là cao quý, của thánh Alla ban cho con người nhằm duy trì sự sống. Ông Ma Hồng khẳng định: “Chưa ai dám dùng tay trái để bốc thức ăn cả”.

Việc ăn bốc này cũng phải học và được tập luyện từ khi lên 5. Khi đã được tập các luật lệ này rồi mà lớn lên đứa trẻ đó vẫn vi phạm thì sẽ bị phạt tội bằng cách đứng hầu rượu cho dân làng trong các bữa tiệc suốt cả một năm dòng. Ngoài ra, khi ăn, người Chăm chỉ dùng 3 ngón tay là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa.

Ông Ma Hồng bảo: “Nghi thức này dường như chỉ còn người Chăm ở vùng biên giới này còn gìn giữ được thôi. Nhiều người mới nhìn thấy thì vẻ ái ngại nhưng thực chất nó rất ấm cúng. Người Chăm giờ nghiện nghi thức này rồi nên có muốn bỏ cũng không được đâu”.

Táng người chết dưới nước để được trường thọ

Cũng chẳng nhớ đã hình thành từ khi nào nhưng tổ tiên người Chăm ở vùng biên giới này vẫn thích được táng người chết dưới nước sâu. Ông Ma Long kể, từ khi tôi sinh ra đã thấy những người già ở đây khi qua đời đều được chôn dưới đáy nước sâu.

Trước kia là các ngách sông ngay bên cạnh nhà mình. Sau đó do sự biến chuyển của thiên tai, sợ các quan tài bị nước cuốn trôi nên người dân thường táng ngay trong các mép ao bên cạnh nhà. Người Chăm luôn nghĩ rằng làm như vậy thì các linh hồn mới thiêng và phù hộ cho những người sống được trường thọ hơn.

Nghi lễ chôn người chết dưới nước đang dần được xóa bỏ. 

Chỉ vào một góc ao nhà, ông Ma Long thổn thức: “Mộ ông cố tôi táng ở đó đấy, thiêng lắm. Khi đi đâu xa hay gặp chuyện gì bất trắc chúng tôi đều làm lễ ra đó để cúng tổ tiên”.

Theo những người già ở đây, quan tài phải được làm bằng một loại gỗ đặc biệt mà bùn, nước đều không thể phá hủy được. Họ cũng lý giải thêm rằng: Cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi giáo ở vùng đất này chôn cất người chết xuống nước theo kiểu thủy táng bởi trong quan niệm của đạo Hồi, sau khi chết, được gửi thân về với dòng nước mát, chìm sâu vào lòng nước chính là cái chết êm đềm, thi thể người chết sẽ được thanh thản, tiêu tan vào dòng nước thánh anh linh.

Nhất là dòng nước mát ở đây được bắt nguồn từ hồ nước quanh bùng Bính Thiên. Ông Ma Long khẳng định: “Tôi đã đi nhiều nơi lắm rồi nhưng hầu như ở khu vực miền Tây này rất ít nguồn nước trong lành và mát dịu như nơi đây.

Tuy nhiên, sự mai một của thời gian cùng những biến chuyển của nhận thức xã hội nên nghi thức thủy táng dưới nước ngày càng mai một.

Hiện nay, lớp trẻ không còn mặn mà với nghi lễ này nữa. Họ cho rằng như thế là không tốt. Chúng tôi cũng đang chuyển biến dần nhận thức của mình. Những nơi thủy táng tuyệt đối không dùng nước đó để sinh hoạt như trước nữa.

Với lại loại cây mà bùn lẫn nước bất khả xâm phạm dùng để làm quan tài thủy táng bây giờ không còn nhiều nữa. Thế nên người Chăm gần đây đã chôn cất người chết ở trên bờ”.

Vẫn tin linh hồn có thể xoay chuyển

Sự linh thiêng cũng như những nghi lễ đặc biệt ở vùng đất này biến chuyển theo thời gian trong ngày. Họ cho rằng, thường linh hồn con người thiêng nhất vào lúc đêm khuya. Bởi thế nên các lễ cầu lẫn việc cúng lễ thường bắt đầu lúc 8 giờ tối và kết thúc lúc 12 giờ đêm.

Ông Ma Long bảo: “Linh hồn xoay chuyển được đấy. Không ai cúng lễ buổi trưa vì khi ấy các vong linh đang mỏi mệt cũng như người sống vậy thôi”. Người Chăm ở đây bao đời nay vẫn tồn tại suy nghĩ bất biến thế này mà.

Cũng bởi sự biến chuyển của thời gian nên giờ phương tiện đi lại rất thuận lợn, nếu ai đó chẳng may chết trong mùa nước nổi thì người thân có thể khâm liệm rồi dùng ghe, xuồng máy đưa thi thể người thân đến những vùng đất cao để chôn cất.

Điều này xưa kia chưa từng tồn tại trong ý nghĩ của người dân, họ chỉ đơn thuần nghĩ táng luôn xuống nước cho thuận tiện đủ bề.

Hơn nữa, chính quyền địa phương ở các xã có các làng Chăm sinh sống cũng thường xuyên quan tâm, giải thích và khuyên cộng đồng không nên thủy táng người thân để tránh ảnh hưởng đến môi trường nước của chính đồng bào.

Bên cạnh đó nhận thức của người Chăm cũng ngày càng được nâng cao nên họ đã dần sáng tỏ việc thủy táng là lạc hậu. Ấy thế nhưng tin vào sự linh thiêng của xác chết trong việc tiếp xúc với nguồn nước mát lành ở bùng Bính Thiên này thì vẫn không thay đổi.

Thế nên, dù chôn người chết trên bờ thì trước khi khâm liệm, người Chăm vẫn múc nước ở bùng Bính Thiên tắm rửa ba lần cho thi thể mới đưa vào quan tài. 

MỸ NGA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh