CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:18

Chuyện kỳ lạ ở ngôi làng liên tục xuất hiện "hố tử thần"

 

Dù cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân, nhưng vẫn chưa có cảnh báo cụ thể từ khu vực để nhân dân phòng tránh. Ngày 2/4 vừa qua, lại xảy ra hiện tượng sụt lún khiến hàng chục người trở thành "vô gia cư" khiến dư luận một lần nữa lo sợ.

Thành người "vô gia cư" trong chớp mắt

Sự việc xảy ra đã hơn 1 tuần, nhưng người dân thôn Hòa Lạc vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ một tiếng rắc, rất nhiều "hố tử thần" xuất hiện với chiều rộng khoảng 14m, sâu 11m. Nhà cửa, công trình phụ, đường đi bỗng nhiên bị nuốt chửng, nhiều hộ dân phải sơ tán ngay trong ngày.

Chúng tôi có mặt tại thôn Hòa Lạc sau ít ngày xảy ra hiện tượng lạ, người dân khắp thôn còn bàn tán và chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với địa phương mình. Nhìn cảnh tượng tan hoang như vừa trải qua một trận bom B52, anh Nguyễn Văn Bắc, người được cho là bị thiệt hại nặng nề nhất từ "tai họa trên trời rơi xuống".

 

Anh kể: "Buổi sáng 2/4, hai vợ chồng tôi cùng cậu em đang ngồi trong nhà uống nước bỗng nghe tiếng "rắc" rất lớn. Mọi người nghĩ là động đất nên chạy hết ra ngoài, khi ấy phía sân xuất hiện 1 vết nứt chéo sân khoảng 10cm. Biết có chuyện chẳng lành, tôi vội chạy vào nhà đỡ vợ (vợ anh Bắc vừa mổ 3 ngày) ra khỏi nhà. Tất cả vừa chạy ra đến cổng thì toàn bộ sân bị thụt xuống hàng chục mét. May mắn là không ai trong nhà bị "hố tử thần" nuốt. Từ hôm xảy ra thảm họa tôi ăn không ngon, ngủ không yên".

Khi xảy ra vụ việc, người dân tưởng có động đất, chạy hết ra khỏi nhà, hô hào mọi người tìm đến nơi an toàn. Còn chưa hết run khi nhớ lại sự việc, anh Tư cho biết: "Tôi thấy vậy chạy ra và vợ anh Bắc phải chạy nhanh, tính mạng là quan trọng, mọi thứ trong nhà tính sau. Sau đó có bảo anh Đề (em vợ anh Bắc) phi xe máy lên xã báo cáo tình hình. Lúc đó trên mặt đường bắt đầu xuất hiện những vết nứt khá rộng, nứt đến đâu tôi lại đỡ vợ anh Bắc lùi lại. Nhìn như thể có một con vật khổng lồ đang quằn quại dưới lòng đất vậy".

Không chỉ gia đình anh Bắc, gia đình bà Nguyễn Thị Sợi cũng bị thiệt hại khá nặng nề, toàn bộ khu công trình phụ khoảng 55m2 cũng bị sụp đổ hoàn toàn. Gần đó, nhà ông Vũ Văn Học, công trình phụ khoảng 30m2 cũng bị nuốt chửng, tường nhà nứt khá lớn kéo dài chừng 3m.

Chính quyền địa phương lập biển báo nguy hiểm sau vụ sụt lún ngày 2/4.

Bà Nguyễn Thị Minh, run run kể lại: "Nhà tôi cũng là một trong những gia đình bị ảnh hưởng. Thấy mọi người hô hào vậy tôi cũng chạy ra ngõ vì sợ sập nhà. Khi mọi chuyện êm xuôi trở về thì phát hiện nhà mình cũng bị sụt mất 1 phần tường và mái ngói công trình phụ. Chúng tôi bây giờ sống bất an lắm, nhỡ lại xảy ra tiếp mà vào ban đêm thì chạy sao kịp? Đêm nằm chỉ một tiếng động nhẹ thôi cũng phải bật dậy".

Ngoài những gia đình chịu trực tiếp "hố tử thần", hàng chục mét đường bê tông ngõ xóm cũng bị hư hỏng hoàn toàn. Theo thống kê của UBND xã An Tiến, tổng số hộ nằm trong khu vực nguy hiểm là 26 hộ với 85 nhân khẩu, diện tích ảnh hưởng là 11.661m2.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện trường bị sụt lún nghiêm trọng được UBND xã cho người cắt cử bảo vệ, hàng rào cảnh giới được người dân dựng lên. Toàn bộ người và tài sản của những gia đình ảnh hưởng được sơ tán đến nhà văn hóa của thôn để đảm bảo an toàn. Chính quyền địa phương đã lập sổ theo dõi mọi biến động tại khu vực này. Cắt cử người túc trực 24/24h, cấm xe tải từ 2,5 tấn trở lên qua khu vực bị ảnh hưởng.

Do nhiều đoạn đường bị sụt lún, UBND xã đã vận động nhân dân phá tường, tạo đường tạm cho bà con tham gia giao thông được an toàn. Anh Nguyễn Văn Bắc cho biết: "Để hạn chế ảnh hưởng, các gia đình trong khu vực ảnh hưởng đã cho đóng cọc gỗ gia cố xung quanh công trình nhà mình. Đó là tạm thời, sợ ảnh hưởng của những hố cũ thôi chứ nó mà lại xảy ra thì cọc nào cho lại?".

"Đây không phải là lần đầu!"

Tuy nhiên theo những vị cao niên trong làng, đây không phải là lần đầu xảy ra hiện tượng "hố tử thần" nuốt nhà dân. "Dân chúng tôi cũng hoang mang lắm, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra đâu. Sự việc vừa qua xảy ra quá nhanh và bất ngờ. Nhân dân chúng tôi chủ yếu làm nông nghiệp, tích cóp cả đời mới xây dựng được ngôi nhà, nay xảy ra thế này chả lẽ lại bỏ đi thì ai nỡ. Đất của ông cha để lại mà!" - ông Nguyễn Văn Khang (70 tuổi) chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã An Tiến, ông Trần Văn Hoành động viên gia đình thiệt hại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2006, cách hiện trường mới đây 100 mét cũng xảy ra một vụ sụt lún tương tự. Một gò đất khoảng 40m2 (ven sông) của nhà ông Lưu Văn Sanh cũng bất ngờ bị tụt xuống lòng đất khoảng 14 mét. Tương tự, năm 2010 nhà đình ông Nguyễn Hữu Khánh đang tiến hành khoan giếng thì bất ngờ một hố đất lớn  thụt xuống. Ông Khánh nhớ lại: "Lúc đó cả nhà tôi hoảng sợ, chẳng hiểu tại sao lại như vậy. Đang khoan giếng chúng tôi phải cho dừng lại ngay, sợ hố đó ngày một lan rộng, nuốt cả nhà. Thế nhưng từ đó nhà ông Sanh và nhà tôi cũng không thấy chuyện gì xảy ra".

Theo chia sẻ của bà con tại đây, thỉnh thoảng ở cánh đồng cũng xuất hiện các "hố tử thần" nhỏ. Khi đó nước từ ruộng dồn hết xuống các hố này, việc cấy trồng cũng rất khó khăn.

Thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức, trên địa bàn huyện cũng từng xảy ra hiện tượng sụt lún ở nhiều nơi. Năm 2006, làng Phù Liễn (xã Hợp Tiến) cũng xuất hiện hố sụt với bán kính khoảng 50m, sâu 1m làm nhà cửa bị sập đổ. Năm 2010 và 2011 tại xóm 16, thôn Áng Hạ, xã Lê Thanh và đội 6, thôn Thượng, xã Xuy Xá cũng xảy ra sụt lún do một số hộ gia đình khoan giếng.

Sân nhà anh Bắc bị sụt lở hoàn toàn.

Mặc dù hiện tượng sụt lún thường xuyên xảy ra, nhưng cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Đồng thời cũng chưa có đánh giá tổng quan để có cảnh báo rủi ro cho người dân phòng tránh. Vì vậy mỗi khi xảy ra hiện tượng sụt lún người dân bị bất ngờ và vô cùng hoang mang.

Theo lịch sử của làng để lại, một phần diện tích của thôn Hòa Lạc là một nhánh sông Thanh Hà. Sau này, một nhánh sông bị ngăn lại để nắn dòng chảy về sông Mỹ Hà. Do nhu cầu xây dựng ngày càng lớn, khu vực này được nhân dân lấp và làm nhà ở. Ông Trần Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã An Tiến chia sẻ: "Đã nhiều lần các chuyên gia về địa chất được mời về đây tìm hiểu nguyên nhân. Họ cũng đã xác định "các hố tử thần" ở thôn Hòa Lạc là do các hang ngầm dưới lòng đất. Hiện nay là mùa khô hanh, nước rút mạnh tại các hang này, dẫn tới các hang này trống rỗng, gây ra sụt lở".

 

TS Vũ Văn Chinh, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) giải thích: Đây là địa phương được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi. Hiện tượng này khoa học gọi là hiện tượng Cát-tơ ngầm. Khu vực đá Carbonat có các loại đá như đá vôi, đá hoa, vôi sét, quá trình Cát - tơ hóa sẽ hòa tan đá Carbonat và tạo ra những lỗ hổng ngầm. Các lỗ hổng này sẽ lớn dần theo thời gian, độ dày của mặt tầng sẽ mỏng dần, cộng với lực căng của tầng đất mặt không đủ giữ ở trạng thái cân bằng thì bề mặt đất sẽ sụt xuống tạo ra các "hố tử thần".

Sự xuất hiện của các "hố tử thần" phụ thuộc vào quá trình Cát - tơ và cấu tạo địa chất của khu vực. Nếu bề mặt được phủ bởi tầng sét, sét bột dẻo có chiều dày lớn thì cần có một lực lớn mới có thể làm cho mặt đất sụp xuống. Ngược lại, nếu bề mặt cấu tạo bởi lớp cát, bột cát bở rời với chiều dày mỏng thì chỉ cần lực nhỏ là đã gây ra các hố sụt lún.

Với hiện tượng này, cần có sự tổ chức nghiên cứu để đưa ra những khuyến cáo cho người dân di chuyển, phòng tránh... Bên cạnh đó, cần giải thích để người dân hiểu đây là hiện tượng thường thấy của tự nhiên, không phải hiện tượng tâm linh hay điềm báo gì cả.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh