Chuyện Khỉ Vàng: Gặp những 'mỹ nhân' gánh chuối lên non nuôi Khỉ
- Dược liệu
- 02:50 - 08/02/2016
Mà không phải là trên rừng hay ở những sở thú, những “mỹ nhân” ấy gánh chuối nuôi khỉ trên hòn đảo đầy sóng gió giữa biển khơi mịt mùng…
Những “mỹ nhân” chăm sóc khỉ
Không ngoa gọi họ là những “mỹ nhân” vì giữa biển đầy nắng gió, bão bùng này họ vẫn có được nước da trắng trẻo xinh đẹp. Nhìn họ đội nón, gánh những thúng hoa quả nặng trĩu trên vai, đàn khỉ xúm quanh lấy ăn không hề chút sợ sệt. Thậm chí có những con khỉ tinh nghịch còn cầm quần áo họ kéo... Bắt gặp cảnh đó người ta nghĩ có lẽ chỉ ở những chốn tiên cảnh hoặc sở thú.
Chị Hà, chị Khuyên gánh thức ăn cho khỉ.
Thế nhưng cảnh đó lại có ngoài đời thực, ngay giữa biển khơi mịt mù. Đó là công việc của những người phụ nữ trên đảo Rều hay còn gọi là đảo Khỉ (thuộc Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế) nằm ở cảng Vũng Đục, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Công việc hằng ngày của các chị là gánh đồ ăn lên trên đảo bao gồm cơm nấu, hoa quả để nuôi đàn khỉ trên đảo. Hàng ngàn con khỉ trên đảo được nuôi theo bán tự nhiên, cần thức ăn và chăm sóc nên những người phụ nữ này đã đảm nhận công việc đó. Làm công việc này có tất cả ba người phụ nữ là chị Nguyễn Thị Hà (SN 1975, quê ở xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), chị Trần Thị Hà (SN 1970), và chị Lê Thị Khuyên (SN 1991, quê ở Quảng Minh, Hải Hà, Quảng Ninh). Đều là những cán bộ thuộc ban Quản lý đảo Khỉ.
Có một điều là cả ba người phụ nữ này đều đến với công việc một cách tình cờ. Họ không nộp đơn xin việc, hay được cử ra đảo Khỉ để làm việc. Mà tất cả đến đảo bằng tình yêu với hòn đảo Khỉ này.
Nở nụ cười tươi tắn, chị Lê Thị Khuyên mỉm cười nói: “Em ra đảo này làm được 6 năm rồi. Cũng do tình cờ thôi, hôm đó em được bạn trai, giờ là chồng em, đang công tác tại đảo khỉ đưa ra đây chơi. Khi lên đảo nhìn thấy đàn khỉ tinh nghịch, bạo dạn với người em thích quá. Ngày trước chỉ được xem qua phim ảnh, ít khi được nhìn trực tiếp, giờ lại được đùa nghịch với chúng thú vị biết bao. Sau đó em ở lại đây mấy hôm, cùng làm công việc chăm sóc khỉ với những cán bộ trên đảo. Ban Quản lý đảo thấy em yêu thích bầy khỉ, và công việc này nên đã kiến nghị cho em lên đây làm việc và em đồng ý luôn”.
Nói rồi Khuyên nở nụ cười tinh nghịch: “Anh lên đây có thích không, xin ở lại làm công việc này luôn, thú vị lắm...”.
Cũng giống như Khuyên, chị Nguyễn Thị Hà, Trần Thị Hà cũng vậy. Ở đây có hai Hà cùng làm công việc chăm sóc khỉ nên mọi người hay gọi là “song Hà”. Cả hai chị làm việc tại đây có thâm niên đã hơn 20 năm. Chị Nguyễn Thị Hà quê ở tận Hải Dương, chị đến với công việc cũng hết sức tình cờ. Lần đó theo người quen được ra đảo Khỉ chơi. Khi lên đảo chị như bị mê hoặc bởi bầy khỉ trên đảo. Rồi sau chuyến trở về, nhớ đảo Khỉ chị lại nhờ người đưa ra thăm. Rồi khi đảo đang thiếu người, ban Quản lý thấy chị nhiệt huyết nên đã nhận chị ở lại làm công việc chăm sóc đàn khỉ.
Vừa nhanh tay chế biến thức ăn cho đàn khỉ, chị Hà tâm sự: “Được ra đây hằng ngày cho chúng ăn, nhìn ngắm chúng đùa nghịch. Và hơn nữa tôi cảm giác không có sự ngăn cách giữa người và những con vật kia, cảm nhận cuộc sống vui vẻ hơn, ý nghĩa hơn”.
Còn chị Trần Thị Hà thì chia sẻ: “Đây vừa là công việc, vừa là niềm yêu thích của chúng tôi. Nếu ai đã gắn bó với bầy khỉ thì sẽ yêu thích chúng ngay. Bởi chúng cũng có tình cảm, có cảm xúc như con người. Chỉ có những ai gần chúng thì mới hiểu, và gắn bó lâu dài với chúng”.
Nhiệt huyết nơi đầu sóng, ngọn gió
Theo chị Hà thì việc chăm sóc cho đàn khỉ cũng không hề đơn giản. Cần phải lựa chọn những loại gạo, đỗ đen, đỗ tương thật ngon không lẫn tạp chất. Gạo không phải là loại gạo bình thường mà là gạo lứt. Tất cả được cân đo đong đếm cẩn thận để nấu nên sạch sẽ như người ăn. Thức ăn này thì hôm nào cũng phải có ngày hai bữa cho khỉ. Còn hoa quả thì một tuần cho chúng ba hôm, cần lựa những loại hoa quả thật ngon như chuối, táo. Chuối phải về tận các vùng quê đặt được chuối sạch không dấm thuốc như ở chợ, mà để chín đến đâu cho khỉ ăn đến đó.
Công việc này có lẽ rất đơn giản khi ở trên đất liền, nhưng ở giữa nơi biển đảo mênh mông thì lại hoàn toàn khác. Theo tâm sự của chị Hà: “Bây giờ phương tiện đi lại dễ hơn trước nên việc cung cấp thức ăn cho đảo đã có nhiều thuận lợi. Còn ngày xưa việc đảm bảo thức ăn rất khó khăn. Cũng may là lúc đó đàn khỉ không đông như bây giờ”.
Việc cung cấp đều thực phẩm cho đàn khỉ nhiều khi cũng gặp khó khăn. Như những ngày mưa gió, bão kéo dài vài ngày liền. Tiếp tế cho đảo gặp nhiều khó khăn, các chị phải thay phiên nhau tìm nguồn thức ăn cho chúng. Như chị Hà nói: “Dù người đói thì được, còn đàn khỉ thì không được để chúng đói vì trên đảo hiếm thức ăn. Mà chúng chẳng biết dựa vào đâu ngoài chúng tôi”. Do vậy đàn khỉ dưới bàn tay chăm sóc của các chị luôn phát triển tốt.
Tuy nhiên nghề nào nghiệp đấy, đều có những vui buồn vất vả riêng. Để dành tình yêu cho đảo khỉ các chị phải hy sinh nhiều thứ. Đó chính là tình cảm gia đình, con cái của các chị trong đất liền. Công việc hằng ngày phải gắn bó với đảo, trên đảo ít người nên các chị phải thay phiên nhau ngày nghỉ để về với con cái gia đình. Con cái còn nhỏ nhưng đành gửi cho những người thân để tiếp tục công việc trên đảo.
Chị Hà tâm sự: “Thường cả tuần chúng tôi mới về thăm con được một lần. Mỗi khi ra đảo thì nhớ lũ trẻ ở nhà da diết. Còn khi về đất liền thì lại nhớ bầy khỉ, lo chúng đói, nhớ chúng đùa nghịch...”. Nhưng vì tình yêu với bầy khỉ nên các chị đã vượt qua tất cả.
Có một điều lạ như anh Vũ Công Long chia sẻ là: “Bầy khỉ chỉ thích được phụ nữ chăm sóc, cho ăn. Khi những người phụ nữ gánh thức ăn đến, chúng còn xúm vào để giật đồ, ăn cướp. Còn đối với đàn ông thì chúng luôn giữ khoảng cách, không bao giờ đến gần”.
Quả thực nhìn các chị gánh những thúng đồ ăn, hoa quả lên trên đảo để vào trong những ngôi nhà dành cho khỉ ăn hết sức thú vị. Đàn khỉ tinh ranh xông vào lấy thức ăn, rồi giật thức ăn ngay trên quang gánh của các chị không chút sợ sệt. Nhưng các chị đã quen với cảnh đó, như Khuyên tâm sự: “Đôi lúc chúng cũng cáu vì đói, nhiều khi chúng bực tức giật cả quần áo. Nhưng mặc kệ anh ạ, chúng cũng như những đứa trẻ con thể hiện buồn vui tức giận mà thôi”.
Công việc của các chị phải đảm bảo cả những ngày Tết nữa. Đáng lẽ ngày Tết là những ngày sum họp bên gia đình. Nhưng những người phụ nữ này vẫn âm thầm gánh chuối nuôi đàn khỉ trên đảo, một công việc chưa bao giờ dừng. Chia tay với những người phụ nữ trên đảo Khỉ này, tôi hiểu được nhiệt huyết và tình yêu của các chị với bầy khỉ: “Tình yêu với loài động vật giữa biển khơi”.
Trên đảo khỉ hiện có 14 cán bộ làm việc. Theo anh Vũ Công Long, Trưởng ban Quản lý đảo Khỉ thì: Có những người gắn bó cả đời với đảo Khỉ. Hoặc có những gia đình như vợ chồng anh Phạm Minh Tuấn - Nguyễn Thị Hà cũng ngót nghét hơn hai mươi năm bám đảo. Mặc dù cách đất liền không xa, nhưng dăm bữa nửa tháng họ mới thay nhau về thăm gia đình một lần. Chỉ có những người có tình yêu với đảo thì mới gắn bó được như vậy. |