THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:40

Chuyện ít biết về “làng mê diều” độc nhất xứ Bắc

Sinh ra, lớn lên cùng diều

Chơi diều đã trở thành nét đẹp truyền thống của làng Song Vân, không ai biết người đầu tiên làm, thả diều là ai hay thú chơi này có từ bao giờ, chỉ có truyền lại cho nhau, những câu chuyện như thể chỉ có trong sự tích. Từ những cụ già lưng còng, cho đến những đứa trẻ ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đều đã gắn bó với diều từ khi được sinh ra tại làng.

Dù tuổi đã cao nhưng Bác Bội vẫn hàng ngày miệt mài sáng chế, tìm hiểu về diều sáo (Ảnh Vũ Thành)

Khi xưa các cụ làm con diều rất kỳ công và con diều là sản phẩm của cả tập thể chứ không phải riêng ai. Người chẻ tre vót nan làm cánh diều, người luộc tre non làm dây, để đủ dây cho một con diều lớn không bị đứt dây, ít ra người ta phải đốn đến 6 - 7 cây tre. Người thì lấy nhựa sung hoặc nhựa cây sán thuyền hoặc mủ quả hồng xiêm giã rồi quét lên giấy dó để làm áo cho diều. Tuỳ theo kích thước to nhỏ của diều mà gắn sáo cho phù hợp. Những diều cánh lớn hơn 4m người ta phải gắn cho nó cây sáo lớn bằng cái phích nước. Để chạy được cho diều lên, có khi phải cử đến vài ba thanh niên trẻ khỏe trong làng.

Bác Ngô Văn Bội (70 tuổi)- Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB), người chơi diều sáo lâu năm cho biết: “Từ khi sinh ra, tôi đã thấy các cụ đã thả diều sáo nhiều rồi. Tầm 16, 17 tuổi tôi đã bắt đầu làm, ban đầu làm diều be bé, rồi to dần to dần mang ra ngoài cánh đồng thả. Cứ thế, tôi cứ duy trì mãi, bây giờ, ngoài 70 tuổi tôi vẫn thỉnh thoảng cùng con cháu ra đâm diều cho vui”.

Từ trẻ con cho đến thanh niên, người già luôn có thói quen ngóng gió. Người dân Song Vân, biết rõ thế nào là gió trên, gió dưới, gió quẩn, gió hanh heo hanh gió mang mưa tới. Ngóng gió và hiểu về gió nơi này đã ngấm sâu vào máu. Lúc nào thấy diều kêu râm ran khắp xóm trên xóm dưới là biết những ngày tới là thời tiết đẹp.

Em Đinh Văn Nam (15 tuổi) chia sẻ: “Em rất thích diều vì mỗi lần khi đi chơi, đi học cùng bạn bè về thấy con diều bay lên có cảm giác thấy tuổi thơ mình nó đẹp. Em cảm thấy rất tự hào về làng diều của mình, em thật hạnh phúc khi sinh ra nơi này”.

“Qua thời gian, con diều sáo vẫn vậy. Thân diều làm bằng tre, sáo được làm từ ống mét, nứa... chỉ có khác là áo diều ngày trước được phết bằng giấy tàu, bây giờ may bằng nilon, nhẹ và đẹp hơn. Tình yêu dành cho diều không đổi thay theo thời gian và theo thời cuộc. Vì thế, nhiều người phụ nữ ở đây không thích diều, thậm chí ghen với diều vì chồng mê mẩn nó quá. Có lẽ bởi vì thế mà người Song Vân vẫn nói rằng chơi diều là thú của đàn ông” bác Bội chia sẻ.

Quên hết muộn phiền

Ở Bắc Giang cũng có nhiều địa phương chơi thả diều nhưng chơi diều sáo ở làng Song Vân đã ăn sâu vào máu thịt và coi đó là thứ chơi tao nhã thì gần như chỉ có người Song Vân. Chơi diều không chỉ để thư giãn những lúc nông nhàn, mà đó còn là thú vui không thể thiếu. Bất kỳ thời điểm nào trong năm, chúng ta hiếm khi bầu trời làng quê này thiếu vắng những cánh diều và tiếng sáo.

Chơi diều ở Song Vân đã ăn sâu vào máu thịt và coi đó là thứ chơi tao nhã không thể thiếu khi nông nhàn.

Đã là trai Song Vân chẳng mấy người không chơi diều sáo, cả 13 thôn trong xã đều có rất đông người chơi. Trẻ nhỏ thì chơi diều nhỏ, người lớn chơi diều to, cứ như vậy phong trào chơi diều sáo ở Song Vân được duy trì từ đời này qua đời khác và ngày càng sôi nổi.

Gắn bó với diều sáo gần trọn cả cuộc đời, Bác Bội cho biết: “Sáo diều làm bằng ống cây mai được lấy từ các tỉnh Tây Bắc về, mặt sáo thường làm bằng gỗ mít, với đặc tính nhẹ và bền được khoét khe ở giữa. Tùy theo kích thước của diều mà gắn sáo cho phù hợp”. Bác Bội đã sáng chế ra một loại sáo diều độc đáo mà chưa ai có, đó là loại sáo 2 lỗ những có thể phát ra âm thanh ở 4 chỗ.

“Hiện CLB diều sáo thành lập được 9 năm, có gần 15 thành viên tham gia gồm cả thanh niên và người già. Tôi không nhớ mình đã làm được bao nhiêu con diều sáo. Có những con đã mang đi tranh giải tại các festival diều ở Huế, Vũng Tàu… Có con cũng đã được xác lập kỉ lục bởi độ to của diều và sáo. Gần đây nhấ,t tôi nhận giải đặc biệt về “Điều chế tác bằng vật liệu truyền thống đạt đẳng cấp Quốc tế” được tổ chức lần thứ V tại Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2016, làm bằng phế thải từ vỏ lon,chai, nhựa,..”, Bác Bội chia sẻ. Gian chính ngôi nhà ông Bội chỉ rộng khoảng 20 mét vuông nhưng nhìn đâu cũng thấy diều: con thì được để trên màn, con được treo trên tường, con được móc lên cửa sổ. Trên bàn thờ, hàng chục chiếc sáo diều được xếp ngăn nắp. Bác nói vui, các cụ khi sống rất thích thả diều nên tôi để sáo lên bàn thờ để các cụ được vui.

Chiếc sáo bác Bội tự tay làm bằng những phế thải đã may mắn nhận Giải đặc biệt về “Điều chế tác bằng vật liệu truyền thống đạt đẳng cấp Quốc tế” được tổ chức lần thứ V tại Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2016.

Khi diều bay, tóc trắng cũng thành xanh cánh diều mang theo niềm mơ ước của bao con người ở vùng quê bình yên này. Người ta không chỉ chơi diều, mà còn coi như một thứ đam mê. Qua đó, gửi gắm khát vọng xua tan đi những gánh nặng trọng cuộc sống thường ngày. Nhìn ngắm cánh diều, để trong lòng mỗi người thêm vương vấn nhớ về tuổi thơ một thời đã từng chăn trâu, thả diều hóng gió chiều: “Làm diều đeo sáo hai bên cánh/ Nối đất với trời một sợi dây/Tiếng sáo vi vu như bản nhạc/Vang vọng gần xa, thật đắm say”. Diều sáo ở Song Vân không còn là thú chơi ngày hè mà đã trở thành một phần linh hồn của làng quê Việt.

VŨ THÀNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh