Chuyện ít biết về Bao Công và những hậu duệ
- Văn hóa - Giải trí
- 12:43 - 30/04/2016
Ba người phụ nữ trong đời Bao Công
Trong gia phổ xưa nay chỉ chép phu nhân của Bao Công là Lý thị. Nếu không khai quật phần mộ hợp táng, không tìm được tấm mộ chí, thì chắc rằng người vợ hiền của Bao Công, người làm cho gia tộc họ Bao được trường tồn là Đổng thị sẽ chịu hàm oan nơi chín suối, không ai biết đến. Hai tấm mộ chí của Bao Công và Đổng thị đã tiết lộ một bí mật rất quan trọng mà trong “Tống sử”, “Bao thị tông phổ” đều không hề nói đến.
Vợ cả của Bao Công là Trương thị, không có con. Vợ thứ Đổng thị, là cháu của nguyên “Tể tướng ba triều” Lữ Mông Chính, sinh được một trai là Bao Ý và hai gái. Bao Ý được tập ấm làm Thái thường tự Thái chúc, nhưng mới kết hôn với Thôi thị được hai năm thì bị bệnh qua đời, để lại con trai là Bao Văn Phụ. Không ngờ Phụ mới lên 5 tuổi thì chết yểu. Bao Công liên tiếp mất đi con trai và cháu đích tôn, không người nối dõi tông đường, vô cùng đau đớn. May có Thôi thị là dâu hiền, hết lòng chăm sóc cho cha mẹ chồng.
Năm Bao Công 59 tuổi thì người hầu gái của ông là Tôn thị có mang nhưng ông không biết, lại đuổi về nhà vì phạm lỗi. Thôi thị hay được bèn tìm đến giúp đỡ, nuôi nấng cho đến khi Tôn thị khai hoa nở nhụy được một trai, đặt tên là Bao Thụ. Đến sinh nhật mừng tròn “Lục thập hoa giáp” (60 tuổi) của Bao Công, Thôi thị mới bế đứa bé ra kể hết sự tình, Bao Công mừng không kể xiết, đặt lại tên là Bao Diên. Hai con gái của Bao Công, một gả cho quan Chủ bạ ở Thiểm Châu là Vương Hướng, một gã quan Chủ bạ Quốc Tử Giám là Văn Hiệu.
4 năm sau Bao Công qua đời, vua Nhân Tông đến viếng thấy Bao Diên mới 5 tuổi đứng trước linh cữu, nhà cửa đơn sơ, tình cảnh đáng thương bèn phong Bao Diên làm Thái thường tự Thái chúc. Năm 8 tuổi, Bao Diên được thăng Đại lý bình sự rồi Thừa sự lang, hàm Bát phẩm. Bao Diên là người có chí, lại được chị dâu Thôi thị thay mẹ tận tình chăm sóc, rước thầy dạy dỗ nên tiến bộ rất nhanh, tính tình nghiêm cẩn, nhất cử nhất động đều giống Bao Công.
Khi Bao Diên trưởng thành kết hôn với Trương thị là con gái của Trương Điền, tri châu Lư Châu, vốn là môn sinh của Bao Công. Sau đó, Trương thị qua đời, Thôi thị đứng ra tổ chức cho Bao Diên tái hôn với Văn thị là con gái út của Tể tướng Văn Ngạn Bác, lại đón mẹ ruột của Bao Diên là Tôn thị về Hợp Phì chung sống.
Có thể nói công lao của Thôi thị đối với gia tộc của họ Bao là rất lớn, Bao Diên kính trọng, thờ Thôi thị như mẹ, ở Hợp Phì có câu “Trưởng tẩu như mẫu” – dâu trưởng như mẹ - là nói đến Thôi thị. Bà bệnh mất năm 1094, thọ 62 tuổi, được triều đình lập đài Tiết phụ để biểu dương (do học sĩ Tô Đông Pha phụng chỉ viết sắc), được chép vào “Tống sử - Liệt nữ truyện”. Sinh thời, Đổng thị còn tập hợp các tấu chương của chồng giao cho môn sinh Trương Điền kết thành tập “Hiếu Túc Bao Công tấu nghị” 15 quyển lưu truyền ở đời.
Bao Diên sau được bổ làm Đoàn luyện Phán quan ở Hào Châu (nay là Phụng Dương, tỉnh An Huy), thể hiện được phong thái của Bao Công, xử án nghiêm minh, không tham tài lợi. Sau 3 năm mãn hạn được quan trên và dân chúng tặng 4 chữ “Liêm Khiết Cần Chính”, Bao Diên được chuyển về kinh thành, thăng lên hàm Thất phẩm Tuyên Nghĩa Lang, làm Thiếu phó Giám thừa tức phụ trách quản lý tất cả những vật dụng được chế tạo riêng cho hoàng đế như trang phục, xa giá, ấn phù, ngọc sách, cờ phướn, đồ tế tự…
Bao Diên xử lý rành mạch, đâu đó rõ ràng, được hoàng gia và đại thần tín nhiệm. Tể tướng Văn Ngạn Bác viết tấu chương tiến cử Bao Diên với vua Tống Triết Tông: “Từ sau Bao Chửng mất chỉ còn một thân Bao Thụ (Diên), cô độc không chỗ nương tựa… Là người tiếp nối gia thanh, điềm tĩnh gắng sức, không cầu thăng tiến”. Bao Diên được thăng làm Quốc tử giám thừa, rồi lên Tuyên Đức lang coi quản tất cả việc xây dựng và tu sửa thành quách, cung điện, cầu cống, thuyền xe trong cung.
Chính ông đã tiên phong đưa ra biện pháp nhận thầu khoán, giúp các công trình hoàn thành nhanh, chất lượng tốt, lại ít tốn kém. Nhờ đó, Bao Diên được thăng Lục phẩm Thông Trực lang, nhậm mệnh làm thông phán Nhữ Châu (nay là huyện Lâm Nhữ, tỉnh Hà Nam), thanh liêm cần mẫn, được dân chúng phẩm bình: “Đúng là hậu duệ Bao Công!”.
Mùa thu năm Sùng Ninh thứ tư đời Tống Huy Tông (năm 1105), Bao Diên được điều làm thông phán Đàm Châu (thành phố Trường Sa, Hồ Nam ngày nay). Trên đường đi, ông về quê ở Hợp Phì sắp xếp việc nhà rồi đi thuyền đến Sào Hồ, ra Trường Giang ngược dòng lên. Không ai ngờ con người đang độ tuổi chín, tiền đồ đang xán lạn này bỗng dưng nhiễm bệnh, khi thuyền mới đến Hoàng Châu thì qua đời. Lúc ấy Bao Diên mới 47 tuổi.
Khi người ta mở hành lý của vị quan Chánh lục phẩm này ra, ngoài sắc phong, sách giấy, bút mực và 46 khoẻn tiền đồng, không có món gì đáng giá cả, ai nấy đều kinh ngạc vì sự thanh bạch của Bao Diên.
Bao Diên có hai vợ, bốn con trai, ba con gái, nhưng có điều là trước khi Bao Diên qua đời gia đình 10 người này có đến 6 người chết yểu. Bốn con trai là Khang Niên, Kỳ Niên, Bành Niên, Cảnh Niên cũng mất đi hai, chỉ còn Kỳ Niên và Cảnh Niên lúc ấy còn nhỏ, phải sống nhờ vào người cô, gia cảnh quá nghèo không thể đưa linh cữu cha từ Hoàng Châu về Hợp Phì.
Mãi đến 16 năm sau, Kỳ Niên và Cảnh Niên mới chuyển hài cốt Bao Diên về quy tập tại Hợp Phì, bên cạnh mộ Bao Công. Từ đây gia tộc họ Bao mới ngày càng hưng thịnh. Ngoài ra, hậu duệ Bao Công còn có dòng của Bao Vĩnh Niên là người được Thôi thị nhận làm con thừa tự sau khi con trưởng Bao Ý và cháu đích tôn Bao Văn Phụ của Bao Công mất sớm.
Những hậu duệ nổi tiếng của Bao Công
Theo ông Bao Huấn An, hậu duệ đời thứ 36 của Bao Công thì hiện nay họ Bao có khoảng 1,5 triệu người, đứng thứ 173 trong các họ ở Trung Quốc. Tất nhiên trong số này không phải đều có quan hệ huyết thống từ Bao Công, mà có nguồn gốc từ họ Hoa, họ Phong hay từ quan đại phu nước Sở là Thân Bao Tư…
Theo ông Bao Tôn Lượng là hậu duệ đời thứ 34, hậu duệ chính thức của Bao Công thì khoảng 10 vạn người ở các tỉnh An Huy, Triết Giang, Giang Tây, Vân Nam, tập trung nhiều nhất ở hai thôn Đại Bao và Tiểu Bao thuộc xã Giải Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy.
Tại thôn Tiểu Bao - nơi Bao Công ra đời, hiện vẫn còn ao sen lớn mà ngó sen không có tơ rất lạ. Theo truyền thuyết, khi Bao Công ra đời, người mẹ thấy hình tướng quái dị bèn đem thả xuống ao sen này, không ngờ lá sen đỡ hài nhi nổi lên mặt nước đến sáng hôm sau. Phía bắc thôn có giếng Bao Công bằng đá, đã tồn tại gần ngàn năm và chưa từng khô cạn. Thôn Đại Bao cách thôn Tiểu Bao khoảng 2,5km, có đến hàng trăm hộ là con cháu Bao Công. Nơi đây có từ đường họ Bao, mỗi dịp tết, tiết thanh minh, con cháu họ Bao đều tụ tập về đây hành lễ.
Bao Khang – quân sư của Phương Lạp
Trong “Thủy Hử” có nói về nhân vật Quốc sư của Phương Lạp (Liệp) chống lại triều Tống gọi là “Linh Ứng thiên sư”, tên là Bao Đạo Ất, giỏi yêu thuật, sử dụng Huyền Thiên Hỗn Nguyên Kiếm. Khi bọn hảo hán Lương Sơn về quy thuận triều đình, được cử đi tấn công quân Phương Lạp, trong trận chiến ở Mục Châu, Bao Đạo Ất đã dùng Hỗn Nguyên Kiếm chém rụng cánh tay trái của Võ Tòng, sau bị Oanh thiên lôi Lăng Chấn đánh chết…
Thực ra, Bao Đạo Ất tên thật là Bao Khang, người Hợp Phì, An Huy, là hậu duệ đời thứ 5 của Bao Công. Cha là Bao Huy, tằng tôn (cháu cố) của Bao Công. Bao Khang từ nhỏ đã có chí lớn, đi nhiều, giao tiếp rộng, thấy triều Tống suy bại, tham quan hoành hành, ông quyết định cùng bạn thân là Phương Lạp “thế thiên hành đạo”. Năm Tuyên Hòa thứ hai đời Tống Huy Tông (năm 1120), Bao Khang và Phương Lạp phát động nông dân khởi nghĩa ở Triết Giang. Phương Lạp xưng vương, lấy hiệu là Thánh Công, lập ra triều đình riêng, đặt niên hiệu là Vĩnh Lạc, đặt ra các bậc quan lại, tướng soái, lấy màu khăn đội đầu để phân biệt, từ khăn màu đỏ trở lên chia làm 6 bậc.
Trong “Hậu Thủy Hử”, Tống Giang sau khi chiêu an được triều đình phái đi đánh dẹp quân Phương Lạp với ý đồ “lấy độc trị độc”. Quân Phương Lạp đã gây thất bại nặng nề cho các anh hùng Lương Sơn Bạc. Hơn trăm hảo hán ra đi chỉ có 27 người về. Phương Lạp bị Võ Tòng bắt đem về kinh xử tử… Tuy nhiên đây là những chi tiết không có trong lịch sử. Quân Phương Lạp không phải thua vì quân Lương Sơn Bạc.
Năm 1121, cuộc khởi nghĩa thất bại, Phương Lạp bị xử tử, riêng Bao Khang lánh đến vùng Long Sơn ẩn cư và trở thành thủy tổ của dòng họ Bao tại Long Sơn, tỉnh An Huy.
Thời kỳ hiện đại, hậu duệ của Bao Công có nhiều người thành danh. Điển hình như hai anh em Bao Ngọc Thư và Bao Ngọc Cương, đều là cháu đời thứ 29 của Bao Công. Bao Ngọc Thư sinh năm 1915 tại Ninh Ba, là nhà kinh doanh, từ thiện nổi tiếng Hồng Công, cùng em là Bao Ngọc Cương kinh doanh vận tải tàu biển rất phát đạt, từng được Đặng Tiểu Bình tiếp kiến tại Bắc Kinh, sáng lập “Quỹ học bổng Ngọc Thư” và “Giải thưởng khuyến học Ngọc Thư”.
Bao Ngọc Cương (1918-1991), được mệnh danh là “Thuyền Vương” của Hồng Kông, là một trong “Thập đại Thuyền Vương” – 10 nhà vận tải tàu biển lớn nhất thế giới. Bao Ngọc Cương còn là bạn của Đặng Tiểu Bình, nhận lời làm “Đại sứ Ninh Ba”, ông bỏ tiền xây dựng nhiều công trình công ích cho Trung Quốc, lập ra Đại học Ninh Ba, Thư viện Triệu Long của Đại học Giao thông Thượng Hải, Thư viện Bao Ngọc Cương. Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, con trai của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương bị bức hại, nguy đến tính mạng, phải có tiền để sang Canada phẫu thuật, Bao Ngọc Cương đã chi ngay 20.000 đôla Mỹ.
Năm 1987, Hợp Phì xây dựng lại khu mộ Bao Công, Bao Ngọc Cương đã đưa gia quyến về dự lễ và viết hàng chữ: “Lá rụng về cội, xây dựng quê nhà, hết lòng yêu nước” khắc vào bia đá đặt canh mộ Bao Công.
Bao Bồi Khánh sinh năm 1945 là doanh nhân, nhà hoạt động xã hội, nhà từ thiện ở Hồng Công, là con gái đầu của Bao Ngọc Cương, hậu duệ đời thứ 30 của Bao Công. Từng tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng như Chicago và Purdue của Mỹ, McGill của Canada, London của Anh, nói lưu loát các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức và các phương ngôn Thượng Hải, Quảng Đông.