Chuyên gia kinh tế sửng sốt về cuộc họp báo của Bộ TN&MT
- Tây Y
- 22:01 - 28/04/2016
Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ TN&MT bàn về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung cũng đã diễn ra chiều 27/4. Các phóng viên đã phải kiên nhẫn đến 20 giờ (8 giờ tối) cùng ngày để chờ họp báo nhằm đăng tải kịp thời kết quả cuộc họp này, công báo cho công chúng.
Tuy nhiên, rất chóng vánh, cuộc họp báo diễn ra trong 20 phút, với việc lãnh đạo Bộ đọc văn bản xong rồi đột ngột bỏ ra về và không hề có cơ hội cho các phóng viên nêu câu hỏi, nghe trả lời. Thậm chí, nguyên nhân vụ việc cũng bị bỏ lửng với 2 nhóm khả năng được đưa ra. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ. Đây đều là những khả năng đã được phỏng đoán từ trước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh: Quý Đoàn).
Trao đổi với phóng viên Dân Trí sáng 28/4, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho biết, mặc dù ông không đánh giá "đúng/sai" trong hành xử của cơ quan chức năng, nhưng dù sao điều này cũng mang lại một tâm trạng không thỏa mãn đối với ông cũng như mọi người.
"Sự việc diễn ra phức tạp, không hề đơn giản nên tôi chắc rằng phải có lý do đằng sau hành xử chậm trễ của các cơ quan địa phương cũng như hành xử của cơ quan điều hành tối qua. Mọi việc ắt hẳn có nguyên do của nó, chỉ có điều chúng ta chưa biết lý do đó là gì thôi. Thế nên trong tình hình như thế này, người dân đành phải kiên nhẫn chờ đợi về một sự rõ ràng, minh bạch" - Tiến sĩ Lưu Bích Hồ chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói, hành xử của Ban tổ chức họp báo khiến không chỉ ông mà nhiều người bất ngờ. Cuộc họp báo đã không đáp ứng được kỳ vọng của báo chí cũng như người dân trước một sự kiện mang tính thảm họa quốc gia về môi trường.
"Tôi thất vọng cả về cách tổ chức lẫn nội dung thông tin. Đáng nhẽ Ban Tổ chức nên có một cuộc họp kỹ hơn, dù chưa biết lý do chính xác thì cũng phải có những giải thích cụ thể hơn nữa. Họ cần lắng nghe câu hỏi của phóng viên để ghi nhận những nguyện vọng cũng như đáp ứng nhu cầu thông tin của công luận về vấn đề đang diễn ra" - vị chuyên gia không giấu nổi bức xúc.
Sự đột ngột trong hành xử của Ban tổ chức "đột ngột kết thúc", "đột ngột bỏ về" khiến những người theo dõi có cảm giác cơ quan chức năng "có ý tránh né" và dù không có ý nhưng vô hình chung họ khiến người ta liên tưởng sự việc có liên quan đến Formosa. Đây là điều không nên, trong khi, thông cáo của cuộc họp cho biết, "đến thời điểm hiện tại, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt".
Nói về việc các chính quyền địa phương, nhất là Hà Tĩnh không cho thấy sự quyết liệt nào về việc trấn an người dân, hỗ trợ người dân giải quyết hậu quả của thảm họa, ông Phong cho rằng, đang có sự phối hợp không đồng bộ, không chặt chẽ, không có kịch bản và thiếu sự thống nhất giữa các cấp chính quyền. Thậm chí là, các cơ quan chức năng, nhất là ở địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Trên trang cá nhân, một nhà báo cho biết sau khi phỏng vấn một tiến sĩ nông lâm, cá chết có thể được ủ cùng một chế phẩm vi sinh sẽ trở thành phân bón, rất tốt cho cây trồng. Trong bối cảnh hiện tại, sẽ thiết thực hơn nếu các chính quyền địa phương triển khai lực lượng thu gom cá chết, dọn dẹp bãi biển và phân tích xử lý số cá thu gom, nếu có độc tố cao thì tiêu hủy, nếu sử dụng được có thể chế biến ủ phân, thực hiện một cách công khai, minh bạch. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm quản lý, vừa làm yên lòng người tiêu dùng.
Ngoài ra, trao đổi với phóng viên sáng nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, trong thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đang có xu hướng lặp lại những bài học đắt đỏ của Trung Quốc, đó là đầu tư mà chưa chú ý đến môi trường. Điều này đã được ghi nhận trong các văn kiện của Đại hội Đảng, các báo cáo của Chính phủ, báo cáo về FDI.
"Bây giờ cảnh báo lớn nhất, gần như cuối cùng để thay đổi nhận thức là cần siết chặt hơn, nếu không chẳng bao lâu nữa, toàn bộ môi trường của Việt Nam sẽ bị phá hoại, giảm thiểu chất lượng sống" - ông Phong cho biết. Nếu không kiểm soát được chất lượng xả thải, theo ông sẽ "có thể gây ra những hệ lụy rất lớn mà hiện nay chưa ai dám tưởng tượng, nhất là khi biển bị ô nhiễm, không chỉ riêng Việt Nam mà cả xung quanh và thế giới do dòng chảy các luồng hải lưu".