THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:45

Chuyện ghi ở vùng biên

Luồn rừng ngắm "cây di sản"

Sau bao lần lỡ hẹn, cuối năm 2020, tôi cùng những người bạn đồng nghiệp mới có dịp về Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, theo chân cán bộ kiểm lâm và những người dân bản địa để mục sở thị những cây Pơ Mu, Sa Mu cổ thụ mà những người dân nơi đây xem như "báu vật" của rừng.

Chuyện ghi ở vùng biên - Ảnh 1.

Tác giả (phải) tác nghiệp tại cây di sản ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đứng chân trên một dãy núi kéo dài từ huyện Sầm Nưa, nước bạn Lào đến các huyện Thường Xuân, Như Xuân của tỉnh Thanh Hoá với nhiều đỉnh cao như núi Tà Leo (1.400 m), núi Bù Chó (1.563 m), núi Bù Hòn Hàn (1.208 m) và một ngọn núi không có tên là đỉnh cao nhất tới 1.605m. Nơi đây được xem là lá phổi xanh trên đất Thanh Hóa, là 1 trong 5 trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam.

Nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thuộc vùng giáp ranh giữa Thanh Hóa – Nghệ An và biên giới Việt – Lào ở bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân đang bảo tồn khá nhiều cây Pơ Mu, Sa Mu dầu cổ thụ. Những cây cổ thụ này được các chuyên gia Nhật Bản sang khoan thăm dò, đánh giá trên 1.000 năm tuổi. Năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao danh hiệu "Cây di sản Việt Nam" cho 2 cây Pơ Mu, Sa Mu dầu đại diện cho hàng nghìn cây của Khu bảo tồn. Cũng từ đấy, những "cây di sản", "báu vật" của rừng già được người dân bản địa và lực lượng Kiểm lâm tuần tra, bảo về nghiêm ngặt hơn.

Chuyện ghi ở vùng biên - Ảnh 2.

Cây Sa Mu dầu hơn 1.000 năm tuổi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Từ trung tâm bản Vịn đến hai cây di sản địa hình khá dốc và nguy hiểm bởi sườn núi cao, trơn trượt với chiều dài khoảng 6 km. Có những dốc cao dựng đứng người đi sau ngước nhìn thấy gót chân người đi trước. Những năm trước đây lực lượng Kiểm lâm và người dân bản địa mất gần 1 năm vạch đường, cõng cát, xi măng ngược núi chỉ để làm 1/3 tuyến đường mòn bằng những bậc bê tông vừa bước chân lên cây di sản. Ngoài ra, Ban quản lý Khu bảo tồn đã cho dựng 4 chòi lá làm điểm dừng chân cho các đoàn nghiên cứu, tham quan nghỉ ngơi. Ngày nắng cũng như mưa, trên đỉnh núi sương mù thường xuyên phủ kín, những hôm nắng yếu, ánh sánh yếu không thể xuyên qua tán lá xuống đất được.

Nói trong câu chuyện ở điểm dừng chân, ông Lê Quang Đạo, cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, trạm Kiểm lâm bản Vịn bảo với chúng tôi rằng: "Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu và một số yếu tố khác hình thành, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có hệ động thực vật rất phong và đa dạng. Thảm thực vật có 752 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 440 chi, 130 họ; 38 loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Pơ Mu, Sa Mu, Bách xanh, Dẻ tùng sọc trắng, Thông Nàng…Đặc biệt có 4 loài đặc hữu hẹp của Việt Nam là Vù hương, Chông, Cù đèn bon, Mã rạng Balansa. Tài nguyên động vật có 38 loài thú, 131 loài chim, 53 loài bò sát ếch nhái trong đó 14 loài thú, 7 loài chim và 15 loài bò sát ếch nhái thuộc loại có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong sách đỏ Việt Nam…"- ông Đạo thông tin.

 Cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại cây di sản

Sau 4h luồn rừng, vượt núi dưới sự trợ giúp của người dân bản địa, đoàn anh em chúng tôi cũng tới được hai cây di sản. Theo lời cán bộ kiểm lâm Đạo cho biết: "Trong số hai cây di sản được công nhận, cây Pơ Mu có đường kính 2,7m, cao trên 35m; cây Sa Mu dầu có đường kính 3,9m, chiều cao đến tán 45 m, tuổi đời trên 1.000 năm. Ngoài những cây đại diện này, để ngắm được hết những cây Pơ Mu, Sa Mu tuổi đời từ vài trăm năm đến trên 1.000 năm trong Khu bảo tồn mất khoảng 1 tuần luồn rừng, cắm trại trên núi. Đây chỉ là hai đại diện cây quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Việc được công nhận cây di sản góp phần bảo vệ nguồn gen, da dạng sinh học và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng…" – ông Đạo thông tin.

Ngắm hai cây di sản, ăn xong bữa cơm trưa đạm bạc mà những người dân bản địa chuẩn bị từ sáng cũng đã quá trưa. Để không bị lạc, mò mẫm trong rừng khi chiều xuống, cả đoàn lại tiếp tục hành quân trở về. Ra đến cửa rừng khi trời đã muộn, sương giăng ngập lối nhưng mấy anh em phóng viên ai cũng thấy vui và phấn khởi bởi đã tận "mục sở thị" những "cây di sản", "báu vật" của rừng mà những cán bộ kiểm lâm, người dân bản địa ngày đêm tuần tra, bảo vệ.

Tuần tra ở chốt Covid

 

Từ trung tâm TP. Thanh Hóa, sau gần 4h di chuyển tôi và hai người bạn đồng nghiệp cũng đặt chân lên đất Quan Sơn. Thời điểm cuối tháng 4/2020, cả tỉnh Thanh Hóa đang căng mình chống dịch. Thế nên đến huyện nào, chốt kiểm soát nào ngoài việc đang ký đi công tác qua địa bàn, cánh anh em phóng viên đều phải khai báo y tế, kiểm tra nhiệt độ cơ thể.

Chuyện ghi ở vùng biên - Ảnh 4.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tuần tra biên giới

Được xem là chốt chặn quan trọng nơi tuyến đầu biên giới, Đồn biên phòng Tam Thanh là một trong những cửa ngõ ngăn chặn người dân nhập cảnh trái phép trên biên giới Việt – Lào qua huyện Quan Sơn. Vừa trở về từ Chốt kiểm soát Suối Trăng, Đại úy Cao Đình Xuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Thanh, người dẫn đoàn đưa chúng tôi lên Mốc 342 cho biết: "Chốt kiểm soát Mốc 342 cách Đồn biên phòng Tam Thanh chừng 15km, nơi gần nhất là bản Kham cũng chừng 10km, địa hình vô cùng hiểm trở. Phía bên kia cột Mốc chỉ vài trăm mét là Chốt kiểm soát bản Piềng Pưa, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, (Lào). Ngoài Mốc 342, Đồn còn 1 tổ công tác ở Suối Trăng (Mốc 347) cách đồn 35km, giáp bản Cân, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn. Đường lên Mốc 342 dễ chịu hơn bởi xe bán tải ngày nắng ráo có thể "bò" lên tận Chốt. Còn bình thường việc tiếp tế thực phẩm, tăng cường lực lượng tuần tra lên chốt phải di chuyển bằng xe máy"- Đại úy Xuân thông tin.

Chuyện ghi ở vùng biên - Ảnh 5.

Phút nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tại Chốt kiểm soát Covid-19

Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý khá kỹ ngay từ Đồn, thế nhưng chặng đường lên Chốt 342 của mấy anh em phóng viên hôm ấy cũng bị gián đoạn. Đất, đá từ những cơn lũ, sạt lở đất chảy qua lòng suối ở đợt mưa lớn trong năm đã khiến chiếc xe chở đoàn thủng lốp giữa đường. Không có sóng điện thoại nên việc "cầu cứu" cũng đành chịu. Loay hoay mãi, mấy anh em cuối cùng cũng thay được lốp "tăng bo" để tiếp tục hành trình…

Có mặt tại Chốt kiểm soát Mốc 342 khi trời đã về chiều, dẫn chúng tôi đi thăm đường tuần tra quanh khu vực Chốt, Trung tá Hoàng Văn Đạt, Tổ trưởng Chốt kiểm soát Mốc 342 bảo với chúng tôi rằng: "Nhiệm vụ chính của anh em biên phòng Đồn Tam Thanh là bảo vệ, giữ vững trật tự, đảm bảo an toàn hơn 22km đường vành đai biên giới, bảo vệ rừng. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, với mục tiêu kiên quyết "chống dịch như chống giặc" không để xảy ra tình trạng người dân xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, ngay từ khi công bố dịch, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Thanh được tăng cường lên trực chiến tại các chốt kiểm soát cố định và cơ động để tuần tra, kiểm soát khép kín trên tuyến biên giới 24/24 giờ" – Trung tá Đạt nói.

Theo lời Trung tá Đạt kể, ngày nắng cũng như ngày mưa, anh cùng cán bộ ở Chốt kiểm soát chia làm hai tổ tuần tra. Công việc đều đặn chốt chặn ở tuyến đường chính, lại thường xuyên băng rừng, lội suối kiểm tra các tuyến đường tiểu ngạch, cột mốc, cọc dấu, đường biên để nắm bắt, sớm phát hiện, ngăn chặn người trong nước qua nước bạn Lào và từ nước bạn qua Việt Nam.

Đại úy Cao Đình Xuân cho biết thêm: "Với đường tuần tra dài, lực lượng mỏng nên anh em trực cả tháng trên Chốt, thỉnh thoảng thay phiên nhau về Đồn. Điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn, lãnh đạo Đồn cũng thường xuyên lên nắm tình hình, động viên cán bộ, chiễn sỹ yên tâm trực Chốt, giữ vững cột mốc, đường biên, ngăn chặn người qua lại trái phép trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra Đồn còn tuyên truyền, vận động người dân nếu nhập cảnh về Việt Nam phải thực hiện cách ly đúng theo quy định. Do đó, Chốt chưa phát hiện trường hợp vượt biên trái phép"- Đại úy Xuân thông tin.

Chiều biên giới Việt - Lào ở Chốt kiểm soát Mốc 342 thật vắng lặng. Sau cơn mưa rừng kéo dài mấy ngày trước làm cho sương mù như dày đặc hơn. Không có điện, sóng điện thoại, bữa cơm chiều ăn vội được soi rọi bằng ngọn đèn điện đội đầu nạp bằng năng lượng mặt trời cùng anh sáng từ mấy chiếc điện thoại lúc mờ, lúc tỏ nhưng ai cũng vui và phấn khởi. Gần 9h đêm, chia tay các anh ở Chốt, mấy anh em phóng viên lại di chuyển mò mẫm trong màn đêm dày đặc nơi núi rừng trở về Đồn nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo…

Gắn bó với nghề viết gần 10 năm, với tôi tác nghiệp ở vùng biên dù khó khăn, vất vả, nhưng chứa đựng rất nhiều điều thú vị, độc đáo. Được đặt chân đến những dải đất biên cương hùng vĩ của Tổ quốc, sống trong tình cảm nồng hậu của bà con, cán bộ, chiến sĩ vùng biên. Từ những chuyến đi tác nghiệp ấy đã mang lại cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết về cuộc sống, giúp tôi trưởng thành hơn trên con đường dài phía trước...

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh