CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:22

Chuyện đi lại trong “bình thường mới”

Tại Hội nghị lần thứ 4 Trung ương khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: "Cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh". Cơ sở để thực hiện được điều này là cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp.

  Thế nhưng trên thực tế, nhiều địa phương hiện vẫn áp dụng các biện pháp chia cắt, ngăn chặn việc di chuyển, đi lại của con người và hàng hóa. Có thể kể ra các biểu hiện: Một số địa phương không đón chuyến bay nội địa, một số nơi lại không đón người, kể cả người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn phải cách ly... Có lẽ, chính vì sợ trách nhiệm nên rất nhiều địa phương trên cả nước dù "tuyên bố" mở cửa kinh tế, nhưng vẫn phòng thủ nghiêm ngặt bằng cách “trói chân” cả người đi và người đến. 

  Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay chính là nhân lực. Hàng vạn, hàng triệu người lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Long An... đã về quê tránh dịch, khó lòng trở lại nhà máy trong ngày một ngày hai. Trong khi đó, cả thị trường nội địa và thế giới đều đang vào mùa cao điểm sản xuất cuối năm. Rất nhiều đơn hàng các doanh nghiệp bị tồn đọng từ suốt mấy tháng nay chưa trả xong vì thiếu nhân lực, nên cũng không dám nhận đơn hàng mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

  Rất nhiều tỉnh, thành đang áp dụng các biện pháp "cao hơn" hướng dẫn của Bộ Y tế khi yêu cầu cách ly tập trung 2 tuần, xét nghiệm 3 lần với người vào địa phương mình, bất kể đã tiêm mấy mũi vaccine. Có tỉnh còn quy định người đến từ địa phương khác muốn "nhập cảnh" vào tỉnh mình thì phải có ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh - một điều kiện "khó như hái sao trên trời". 

  Rất nhiều người lao động, chuyên gia chưa thể "trở về vị trí" khi bị "kẹt cứng" do đường bay Hà Nội - TP.HCM chưa thể tái thiết lập.

  Tình trạng cố thủ như một "pháo đài" của chính quyền nhiều địa phương hẳn sẽ khiến các nỗ lực, tiền của phòng chống dịch, đặc biệt, nỗ lực phục hồi kinh tế, giữ chân vốn ngoại, tạo động lực cho tăng trưởng, có thể đổ sông đổ bể. 

  Rõ ràng, tình trạng "ngăn sông cấm chợ" đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Tình trạng này có thể phá hỏng các kịch bản mở cửa kinh tế, đồng thời đẩy hàng triệu người lao động tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn triền miên vì không thể quay lại với công việc, tạo ra sản phẩm cho xã hội và thu nhập cho bản thân.

  Nếu tình trạng này không sớm được tháo dỡ, khắc phục, luồng luân chuyển nhân lực giữa các địa phương không sớm được khai thông, thì kế hoạch mở cửa, khôi phục kinh tế sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở, khó lòng "về đích" đúng như kỳ vọng!

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh