THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

57% doanh nghiệp sẽ tuyển dụng khi “bình thường mới"

Người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do đợt bùng dịch lần thứ 4.

Người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do đợt bùng dịch lần thứ 4.

87% người lao động bị ảnh hưởng công việc do dịch

Theo Navigos Search, có hơn 87% ứng viên tham gia khảo sát cho biết bị ảnh hưởng đến công việc bởi dịch bệnh (khảo sát có hay không COVID-19 tác động đến công việc?).

Đáng chú ý, khi được hỏi về tình trạng hiện nay, báo cáo của Navigos Search cho biết có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Về lý do thôi việc, hơn 30% ứng viên cho biết họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Tiếp theo, lý do người lao động nghỉ việc do bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi chiếm gần 25%.

Một khảo sát khác trong báo cáo của Navigos Search cho thấy để đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách khó khăn được 51,5% người lao động áp dụng là tiết kiệm lại chi phí sinh hoạt gia đình, tính toán chi tiêu hợp lý hơn. Một biện pháp khác được 24,3% lựa chọn làm thêm bán thời gian một công việc thời vụ để đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình.  Bên cạnh đó 16,6% số người đã nghỉ việc và chưa có việc làm thêm đã phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, tích lũy trong thời gian này.

Một số người lao động đã chọn phương án về quê để giảm tiền phòng trọ trên thành phố. Những phương pháp khác được người lao động đưa ra như: Vay tiền để trang trải cuộc sống, đầu tư chứng khoán, đàm phán lương với công ty hiện tại, học nghề mới, tự kinh doanh riêng…

Khảo sát của Navigos Search cũng cho biết khi được hỏi về dự định trong tương lai, gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.

"Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài…", báo cáo cho biết.

57% doanh nghiệp sẽ tuyển dụng khi “bình thường mới”

Báo cáo cũng cho thấy, mặc dù đối mặt với "cơn bão" Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động và nguồn nhân lực của mình. Đa số các doanh nghiệp trong mảng Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm và Công nghệ thông tin  (CNTT) không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi.

Trong đại dịch, ngành CNTT là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT có quy mô từ 101–300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự. Trong khi đó, doanh nghiệp mảng Du lịch/Khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất, doanh nghiệp ngành Tài chính – Bảo hiểm – Ngân hàng cắt giảm lương ít nhất.

Đối với người lao động, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Nhân sự là thực tập sinh và sinh viên mới ra trường, nhân viên có ít kinh nghiệm bị cắt giảm công việc nhiều nhất (từ 40-42%).

 

Về giải pháp doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động trong đại dịch, theo Navigos, các doanh nghiệp triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động đa dạng và thực tiễn. Nhiều hoạt động hỗ trợ như: thay đổi giờ làm việc, quy trình làm việc để hỗ trợ nhân viên hoàn thành công việc thuận lợi hơn; tổ chức các hoạt động online, sẻ chia và trao quà tặng cho nhân viên (e-vouchers, gói quà...); hỗ trợ toàn bộ nhân viên tiêm vaccine phòng Covid-19; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho toàn bộ nhân viên…

Chia sẻ về các kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp sau khi quay trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, Navigos cho biết, gần 57% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi quay trở lại hoạt động bình thường.

Ngoài số liệu trên, khảo sát còn cho thấy có khoảng 17,5% chưa thể ra đươc quyết định ngay lập tức liệu họ có thể tuyển dụng trở lại hay không. Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp cần thêm thời gian từ nửa tháng đến sau 6 tháng mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại. Các con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự phục hồi để có thể quay trở lại thị trường lao động.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh