THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:58

Chuyện dê trong cung vua, phủ chúa

Dưới triều Nguyễn, xứ Huế không nuôi nhiều dê, khi cần dùng cho việc tế thần thì triều đình phải huy động khắp nơi mới đủ. Chuyện kể, mùa đông năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua sai mua 220 dê đực và 100 dê cái, chọn 20 con dê đực làm lễ vật tế lễ Nam Giao, đặt tại đàn Thượng có thịt dê ướp dương hải.

Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), cho dân chúng miền Trung các dê giống để nuôi, ai nuôi nhiều thì có thưởng...Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, vua cho khắc hình tượng con dê vào Dụ đỉnh, cùng với chim anh vũ, con cá mú, con hến, cây thông, cây dâm bụt, cây đậu trắng, cây trầu, cây lê, cây tía tô, cây phạng, thuyền ô, sấm chớp, cửa biển Đà Nẵng, sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Vĩnh Điện (Quảng Nam), cửa ải Hải Vân.

(ảnh minh họa)

Trong nhiều địa danh ở Huế, từ “dương” tức “con dê”, “mặt trời” gắn liền với khá nhiều tên làng: Dương Sơn (Hương Toàn, Hương Trà), Thái Dương Thượng, Thái Dương Hạ (Hải Dương, Phú Vang), Dương Nổ (Phú Dương, Phú Vang), An Dương (Phú Thuận, Phú Vang), Dương Xuân (Thủy Xuân, Huế), Cảnh Dương (Phú Lộc), Thủy Dương (Hương Thủy)...Lại có việc rất cảm động liên quan đến dê của công chúa An Thường. Vua Minh Mạng có tất cả 78 hoàng tử và 64 công chúa, tổng cộng là 142 người con.

An Thường là công chúa thứ 4, do bà Mỹ Nhân, người họ Nguyễn Văn, quê Gio Linh, Quảng Trị sinh hạ vào mùa hè năm Đinh Sửu (1817). Trong số các con của vua Minh Mạng, An Thường công chúa hiếu thảo hơn cả. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập, quyển 9) có chép: “Khi mới sinh ra, công chúa đã đĩnh ngộ lạ thường, lại giàu lòng hiếu thảo, vua thương lắm. Năm công chúa lên chín, đúng dịp tiết Vạn Thọ thì thân mẫu bị bệnh, nhưng công chúa cũng phải theo các hoàng nữ vào hầu cơm vua cha. Bấy giờ, có vị đại thần dâng tiến món đuôi dê và nầm dê, vua liền ban cho các hoàng nữ món này.

Công chúa An Thường chỉ ngậm mà không nhai nuốt. Vua lấy làm lạ, liền hỏi nguyên do thì công chúa đứng dậy thưa:- Thân mẫu của thần đang bị bệnh, không được đội ơn đến dự mà thần thì trộm nghe món này rất bổ nên không nỡ ăn, muốn để phần cho thân mẫu.Vua rất khen, và lại càng cho là lạ, bèn cho riêng một đĩa, sai mang về cho thân mẫu.

Tả hữu đều cảm động và khen ngợi, có người rơi nước mắt. Năm Minh Mạng 15, vua đi tuần phương Nam, sai công chúa đến hầu cung Từ Thọ (nơi ở của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, thân mẫu vua Minh Mạng). Công chúa lúc nào cũng tươi tỉnh, Từ Cung Thuận Thiên Cao Hoàng hậu rất lấy làm vui, thường cho gọi đến để cùng vui chơi.

Trở về, vua thưởng một tấm thẻ bài để đeo, làm bằng ngọc màu mỡ dê, có dây thao rủ xuống”. Liên quan đến dê và vua chúa còn có chuyện đã trở thành điển tích là xe dê. Vua Võ Đế - đời nhà Tấn bên Trung Quốc, có nhiều cung nhân, mỗi đêm muốn đến với cung nhân nào thì vua ngồi trên một chiếc xe khảm châu ngọc do dê kéo, để tùy ý dê đi đến cung điện nào thì nhà vua vào đấy.

Con dê trở thành tên hướng đạo quan trọng. Các cung phi vì muốn được hưởng ơn mưa móc của quân vương, muốn sưởi ấm thân để cõi lòng khỏi đơn côi trống trải, biết dê thích ăn lá dâu nên tìm lá dâu rắc trước cung để nhử dê dừng xe lại.

Dần dần trước cung nào cũng thấy đầy lá dâu.Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, đoạn nói về nàng cung nữ oán trách nhà vua ghẻ lạnh đối với mình, có câu:Phải duyên hương lửa cùng nhau,Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.Trong thần thoại Hy Lạp con dê đực còn là hình tượng của thần Pan, thủy tổ của mục đồng, ngày xưa là kẻ chăn dê. Pan sống trên non cao, thổi sáo làm bằng ống sậy để tưởng nhớ giọng nói của người yêu đã lẫn hồn vào lau lách.

Dê còn làm hình tượng cho Dionyos, thần chủ của rượu nho, mặt nạ và sân khấu, do đó bi kịch, một thể loại văn học lớn lao của nhân loại, tiếng Hy Lạp là Tragôidia bắt nguồn từ tragos, nghĩa là con dê đực.Trong dân gian, nổi tiếng nhất là chuyện Tô Vũ chăn dê. Thời Hán Vũ Đế (141-87), Tô Vũ đi sứ Hung Nô, bị vua Thuyền Vu bắt giữ, đày lên miền Bắc Hải chăn dê, hẹn khi dê đực đẻ con mới được phóng thích, và loan tin Tô Vũ đã chết. 19 năm sau, Hồ Hán giảng hòa, sứ nhà Hán bịa đặt chuyện vua Hán nhận được thư Tô Vũ buộc vào chân nhạn, Thuyền Vu hoảng sợ mới trả Tô Vũ.

Trong cõi lưu đày, Tô Vũ đã kết bạn với một con vượn cái. Chuyện Tô Vũ, với nội dung cảm động và nhiều tình tiết éo le đã là một đề tài nghệ thuật cho nhiều tranh tượng, và điệu hát dân gian.Thịt dê cũng là một trong món ăn được các bậc vua chúa ưa dùng. Thịt và xương dê có nhiều chất bổ, tăng cường sức lực, vì vậy ở vùng đất nổi tiếng ẩm thực như Huế, trong các món, không thể không có món dê.

Món dê trong cung đình Huế xưa, sách ghi lại tiệc yến đãi các sứ thần, cỗ hạng 1 trong số 60 món thì có món thịt dê. Có một số món thịt dê trong cung đình Huế còn được ghi lại như gỏi dê, bó sỗ dê... Riêng các vua chúa Chăm ngày xưa lại thích dùng món nước lèo thịt dê.

Món này ngày nay vẫn còn phổ biến trong cộng đồng người Chăm. Gia đình người Chăm nào cũng có thể chế biến được món ăn này. Cách chế biến Ia tanut pabaiy khá đơn giản.  Nước súp lấy từ nước thịt luộc được bắc lên nồi để sôi; sau đó cho vào nồi gạo rang đã giã thành bột khuấy đều độ dăm phút.

Ở đây, khác với cách nấu nước lèo gà hay trâu, người ta thường bỏ nguyên hạt gạo để nấu chung, còn ở món Ia tanut pabaiy thì những hạt gạo sẽ được rang và giã thành bột (tiếng Chăm là apriơng) để nấu. Tiếp đến cho vào nồi cà chua cắt thái sẵn. Khi tất cả vừa đủ chín, người ta nêm gia vị: ớt, hành, muối và một ít mắm nêm.

Cuối cùng, sau khi bắc nồi xuống thì cho số lá me non băm nhỏ. Trong các cuộc lễ của đồng bào Chăm ở  Ninh Thuận và Bình Thuận không thể thiếu Ia tanut pabaiy, bởi đây là những món ngon chế biến từ thịt con vật được hiến tế lên thần Yang. Xưa, chỉ trong các cuộc lễ bái, người Chăm mới giết dê cúng tế thần.

Ở đó có hai món chính: Thịt luộc và nước lèo thịt dê. Sau này, khi không phải kiêng kị nữa, người dân vẫn có thể dùng thịt dê đãi khách.Rất tiếc nhiều món ăn chế biến từ thịt dê trong cung đình không còn được biết đến mà dù có biết thì cũng khó thực hiện vì sự cầu kỳ của nó.

Hoàng Duy

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh