Chuyện nghè Cao Sơn Quý Minh và cây Gắm vàng 500 tuổi
- Văn hóa - Giải trí
- 22:36 - 25/01/2017
Với người dân làng Xuân Đám (xã Đồng Liên) hầu như ai cũng có thể thuật lại những chiến công hiển hách của thành hoàng làng, đại tướng quân Dương Tự Minh. Theo sử sách thì ông là vị tướng tài ba dưới triều Lý, là người có công bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của nước Đại Việt đầu thế kỷ thứ XII.
Tương truyền rằng, nhà Tống sai Đàm Hữu Lượng đem quân sang xâm lược nước ta. Nhận hung tin, vua Lý Anh Tông sai tướng Dương Tự Minh đi dẹp giặc. Sau khi dẹp yên biên thùy, thu giang sơn về một mối, lại thêm phần yêu mến tài năng, vua Lý đã 2 lần gả công chúa là Diên Bình và Thiều Dung, phong làm Phò mã cho đại tướng Tự Minh. Đồng thời vua giao đại tướng cai quản vùng đất từ Đông sang Tây. Khi mất, người dân và vua đều vô cùng thương tiếc và lập đền thờ. Nơi nào tướng quân và 2 phu nhân đóng quân, dân đều tin yêu gọi là thần và nơi đó được dân lập đình, đền, nghè, miếu thờ, trong đó có các di tích tiêu biểu là nghè Xuân Đám.
Nói về nghè Xuân Đám, cụ Hoàng Văn Nghị, một cao niên trong làng Xuân Đám cho biết, theo lời kể của ông nội thì nghè được xây dựng từ thời nhà Lý, tức sau thần Dương Tự Minh qua đời, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nghè vẫn giữ được những nét kiến trúc, đồ thờ, bia đá và các tư liệu quý khác.
“Đến ngày 27 tháng Chạp, dân làng rước kiệu từ nghè về chùa Xuân Đám, sau đó ngày 10 tháng Giêng lại có 8 thanh niên khỏe mạnh cùng nam nữ lão ấu trong vùng đánh trống cầm cờ rước thần về nghè. Trước đây còn có nhiều bài kinh cúng, kể về công lao của người anh hùng và cầu cho quốc thái dân an, đồng bào được ấm no, thông làng được yên ổn, không có thiên tai, dịch bệnh. Còn lại, các ngày rằm, mùng một, lễ lạt, người dân đều đội xôi, gà đến nghè thắp hương, cùng với đó là các lễ hội, đánh cờ người, kéo co,…”, ông Nghị cho biết.
Anh Vũ Đức Duân, một người con của làng Xuân Đám cho rằng, từ xa xưa, người dân Xuân Đám xem nghè là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, thậm chí là nơi dừng chân của người xưa. Theo các cụ thời xưa kể lại, tất cả những người muốn qua sang sông Cầu, khi đến nghè là phải dừng, một là để thắp hương, hai là ngủ lại qua đêm tại nghè. Dưới sông có một cái hang đá sâu, thông tới nền nghè, trong đó có chứa bí mật gì thì hiện tại chưa ai có thể lý giải được. Tuy nhiên, theo dân làng thì đây là nơi hội tụ của nhiều oan hồn, xấu số, những người bị đuối nước nơi thượng nguồn đều được trông dạt và đọng lại nơi chân nghè. Nhớ lại, anh Duân còn được chứng kiến vụ 5 học sinh phường Cam Giá đi chơi bị đuổi nước , xác trôi về chốn này, hoặc như vụ chị Dương Thị Thưa giết chồng vứt xác ở cầu Na, xác cũng trôi về đây.
Và bất cứ ai đến nghè đều có thể trông thấy cây Gắm vàng. Có người bảo cây này được trồng khi lập nghè, kể ra thì cũng đã ngót nghét nghìn năm, có cụ thì bảo cũng được năm trăm năm kể từ khi có vị vua đi qua cúi lạy thần và trồng cây, còn cụ Nghị, cụ bảo từ thời còn bé, cụ đã được nghe ông nội kể về cây có từ xưa, khi đó cây đã to thế này rồi, giờ già thế này rồi mà cây vẫn như thế.
“Cây Gắm cũng được xem là cây thuốc, song chẳng ai dám xâm hại dù chỉ là một chiếc lá. Bởi nhiều chuyện mang tính huyền bí tâm linh như chuyện chặt một nhánh cây bị phát bệnh tâm thần, ngắt một chiếc lá là rước thêm tai họa,…”, chụ Nghị cho biết thêm.
Qua nghè thờ thần Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh có thể thấy người dân nơi đây có cùng một tín ngưỡng dân gian đậm chất nhân văn, bao hàm những giá trị lớn lao về nhiều mặt trong đời sống, đi sâu gần gũi với nhân dân nhưng không kém phần uy nghi, tôn nghiêm, tạo nên một hợp thể nhuần nhuyễn, nhất quán giữa con người với thế giới tâm linh.