THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:34

Người cộng sản được dân lập miếu thờ

 

Chị Phan Thị Túy Vân, con gái ông Phan Thế Phương cảm ơn bà con tại miếu thờ bố. 

Câu chuyện ông Phương bắt đầu từ trận bão lớn Cecil năm 1985 làm chết 703 người, trong đó đa phần là dân dọc phá Tam Giang. Sau sự kiện đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trương đưa dân lênh đênh sông nước lên bờ định cư để đảm bảo cuộc sống. Thôn 14 ra đời từ đó (1986). Lúc đầu lên định cư, dân không quen vì không điện, đường, trường, trạm. Nhà nào cũng bảy tám đứa con lít nhít, nheo nhóc. Trẻ con sinh ra không có giấy khai sinh, không được đi học. Đa phần là hộ nghèo đói. Định cư thì dễ, nhưng duy trì cuộc sống cho dân mới khó. Liệu Nhà nước có nuôi họ mãi được không? Câu hỏi được đặt ra: Làm sao vừa định cư, vừa tổ chức cho bà con sống với nghề của mình? Câu hỏi ấy luôn ám ảnh kỹ sư thủy sản Phan Thế Phương. Với cương vị Giám đốc Sở Thủy sản, ông cảm thấy đây là trách nhiệm lớn của mình. Ông đề xuất kế hoạch lập khu định cư và tổ chức nuôi trồng thủy sản. Ý kiến của ông được lãnh đạo ủng hộ. Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Sau cơn bão 1985,  ông Phan Thế Phương liên tục một mình từ Huế đi đò chợ về vùng Quảng Ngạn, Quảng Công bên kia phá Tam Giang để tìm hiểu, nghiên cứu cách thức định cư cho bà con. Ông  đã bàn với lãnh đạo xã Quảng Công  thành lập khu định cư dân vạn chài. Thế là thôn 14 ra đời với 36 hộ dân đò phiêu dạt vì bị bão được vận động về lập thôn. Ông Nguyễn Văn Bỉnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Công lúc đó nói: “Nghe bác Phương nói chuyện định cư thích lắm. Nhưng chúng  tôi chỉ nghĩ cái lợi là dễ quản lý hộ dân hơn, vì họ hay lang thang trên đò,  không nghĩ được như bác Phương là phải thay đổi cuộc sống dân vạn chài, làm cho họ giàu hơn”!. Ông Phương đứng hàng giờ trước phá Tam Giang để tìm lời giải  cho bài toán. Thế là chuyện đào hồ nuôi tôm bắt đầu. Ông Phạm Hóa, một chủ nuôi tôm giỏi ở thôn 14 Quảng Công, nơi ông Phương về thường ở trọ, có lần nước mắt  giàn giụa: “Bác Phương về nhiều lần. Về là cởi quần dài lội ra phá. Bác thuyết phục tôi hàng đêm về chuyện đào hồ nuôi tôm. Nghe bác Phương nói, tôi thấy lợi, thế là theo! Không ai thương dân như bác Phương... ”. Từ đó 36 hộ đầm phá cùng về định cư trên bãi đất hoang cuối xã Quảng Công, cạnh quốc lộ 49, bên phá Tam Giang, họ đào ao nuôi tôm. Lúc đầu, ba hộ đều là anh em họ Phạm là Phạm Hóa, Phạm Việt, Phạm Dũng chỉ đào được 3 hồ (0,5 ha), ông Phương hướng dẫn vào Đà Nẵng, Nha Trang mua giống tôm, thức ăn. Ông Phương vận động ngân hàng cho họ vay vốn. Lúc đầu vì sợ thất bại nên chỉ dám  thả tôm giống  3- 4 con/m2.

Nhưng kết quả thật phấn chấn. Tôm nuôi rất  mau lớn và bán được giá. Thế là năm 1988, thôn 14 phát triển hồ tôm lên 2 ha, cũng đều của anh em họ Phạm. Đến năm 1989, cả xã Quảng Công đã có 20 ha hồ nuôi tôm, chủ yếu cũng ở thôn 14.  Lúc này tôm giống thả rất thưa, chủ yếu là tôm đất, tôm rảo, nhưng năng suất cũng đạt 200 - 300 kg/ha. Mừng lắm, mơ cũng không thấy! Chưa bao giờ người dân đầm phá lại một lúc có trong tay được vài tạ tôm sú, giá hơn chục triệu đồng. Những ngày đó kỹ sư Phan Thế Phương luôn bám sát thôn 14. Ở Huế, ông ra bến đò Đông Ba, đi đò chợ hơn hai tiếng đồng hồ, về bến đò Cồn Gai (Quảng Công), rồi đi bộ đến thôn 14. Vừa đến nơi là ông thay đồ lội ra hồ tôm kiểm tra vệ sinh, thức ăn. 

Năm 1989, ông Phan Thế Phương tổ chức “Hội nghị nuôi tôm đầu bờ” ở ngay thôn 14, Quảng Công. Có tới 150 đại biểu vượt phá về tận ruộng tôm để bàn việc phát triển nghề nuôi tôm. Trong số đó có 100 đại biểu là những ngư dân các xã Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền về học tập. Còn lại là các kỹ sư, tiến sĩ chuyên ngành ở Bộ Thủy sản, các Trường đại học Thủy sản Hải Phòng, Nha Trang đến Quảng Công giúp sức. Người dân Quảng Công gọi đó là “Hội nghị Diên Hồng kinh tế đầm phá”. Họp hội nghị mà ai cũng toát mồ hôi, vì suy nghĩ và nắng gió, mãi tối mới vượt phá về Huế ăn cơm!

Từ sau hội nghị đầu bờ thôn 14, Quảng Công ấy, ông Phan Thế Phương đã triển khai việc nuôi trồng thủy sản trên quy mô lớn toàn tỉnh. Nuôi rau câu,  nuôi cua ở Thuận An, Tân Mỹ. Nuôi tôm sú ở các xã ven phá Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền rầm rộ phát triển. Rồi sau này bà con nuôi thêm nhiều loại như cá mú lồng, nuôi vẹm xanh, hàu, cá lồng trên sông v.v....

Đến bây giờ (2016), diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên trên 5000 ha. Năng suất tôm của tỉnh từ 189kg/ ha/1998 lên gần 2000 kg/ha. Đến nay 100% xã đầm phá có điện, có hệ thống nước sạch. Từ đó 67 hộ dân thôn 14 Quảng Công đã “an cư lạc nghiệp”. Sau 30 năm lên bờ định cư, 100% hộ dân ở đây đã thoát nghèo và nhiều hộ giàu. Trong 50 hộ nuôi trồng thủy sản ở thôn 14, một nửa có doanh thu từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng, lãi ròng 100 - 200 triệu đồng/năm. 15/15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (xã giao) thôn 14 đã hoàn thành vượt mức. Ông Phạm Dũng nuôi 2,5 ha cá đặc sản, cho lãi ròng 200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ nuôi ghép tôm, cua, cá diện tích tới 2 ha, lãi ròng 200 triệu đồng/năm...

Một góc thôn 14 hôm nay.

Từ chỗ  thất học mấy năm nay xã Quảng Công mỗi năm có 7- 8 em đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Xã đã xây dựng Trường tiểu học 2 tầng 500 triệu đồng. UBND huyện Quảng Điền đã có quyết định đổi tên Trường THCS Quảng Công thành Trường THCS Phan Thế Phương. Một tấm bia tưởng niệm ghi lại công đức của kỹ sư thủy sản Phan Thế Phương đã được dựng trang trọng giữa sân trường. Đường về Quảng Công hôm nay là đường nhựa rộng rãi, qua hai cầu Tam Giang là tới. Đường thôn 14 toàn đường bê tông ra gần miếu thờ ông Phương. Tôi đi một vòng quanh thôn 14, bây giờ toàn thôn là nhà xây, nhà đúc khang trang, giàu sang không thua gì phố thị!

Ở Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập thôn 14, lên diễn đàn ai cũng nhắc đến ông Phan Thế Phương. Ông Phạm Kinh, Bí thư chi bộ thôn 14 trầm ngâm nhớ lại: “Nhờ bác Phương, nghề nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản đã thành nghề chính của bà con”. Bác Phương về đây cùng ăn ở, hướng dẫn bà con nuôi tôm hàng ngày...” Ông Phạm Dũng nói: “Cuộc sống thôn 14 chúng tôi có được như hôm nay là nhờ bác Phương”. Ai ai cũng bảo: “Cứ làm theo cách ông Phương, lập làng định cư, nuôi trồng thủy sản, thì vừa giàu có, vừa văn minh thôn xóm!”.

Ngày 6/10/1991, sau hai ngày lăn lộn ở thôn 14, Quảng Công, ông Phương  lên xe vào  Nam bộ  nghiên cứu chuẩn bị con giống cho vụ nuôi mới. Trở ra, vì bức xúc phải đi nhanh để đón người kỹ sư ở Nha Trang ra giúp cho tôm giống đẻ, ông đã bị tai nạn ô tô và hy sinh tại tỉnh Bình Thuận. Đám tang ông là đám tang đông chưa từng có. Đưa tiễn ông không chỉ có quan chức các tỉnh Bình – Trị - Thiên, gia đình, bạn bè, mà còn có hàng ngàn ngư dân từ khắp các ruộng tôm trên toàn tỉnh về. Tất cả bà con nức nở, thương tiếc người cán bộ đã lăn lộn dạy cho họ nghề nuôi tôm, cá, tạo công việc làm và cuộc sống ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình ngư dân đầm phá. Không có lời ca ngợi nào hơn hình ảnh ấy!

Sau đám tang, 3 anh em ông Phạm Hóa, Phạm Việt, Phạm Dũng và bà con thôn 14, bà con vùng cát Quảng Công, Quảng Ngạn, nhờ con tôm mà phát đạt, giàu có, thay mặt cho 20 vạn dân làm nghề nuôi tôm trên phá Tam Giang, góp tiền lập miếu thờ,  tôn vinh ông Phan Thế Phương là “Tổ nghề nuôi tôm”. Miếu thờ được người dân trong vùng hương khói thường xuyên. Đây cũng là địa chỉ linh thiêng để bà con nuôi tôm trong tỉnh đến thăm và bái tạ mỗi khi làm ăn thành công. 24 năm lập miếu thờ ông Phan Thế Phương, đến nay, bà con thôn 14 thấy miếu cũ nhỏ quá, không tương xứng với sự phát triển của thôn xóm. Nên nhân dịp kỷ niệm 30 năm lên bờ định cư, được ông Phương dạy công việc làm ăn trở nên giàu có, bà con đã tự nguyện góp được 75 triệu đồng thuê thợ về xây miếu to hơn, phóng cái ảnh ông Phương to hơn để thờ.

 Tôi cầm nén nhang vái ông, nhìn di ảnh ông Phan Thế Phương mái đầu bạc, gương mặc sáng sủa, thông minh, nụ cười hiền hậu, mà lòng rưng rưng xúc động. Tôi bỗng nghĩ miên man về sự tồn tại. Cái miếu thờ ông Phan Thế Phương ở giữa vùng trời nước mênh mông này là sự tồn tại với trời đất, với nhiều thế hệ người nuôi tôm bên phá Tam Giang. Còn “Tổ nghề nuôi tôm” là danh hiệu cao quý do nhân dân phong tặng, là sự tồn tại vĩnh viễn trong lòng người dân đầm phá! Đời người chớp mắt. Nhưng trong cái ngắn ngủi phù vân đó, ai biết sống hết lòng vì mọi người, sẽ để lại tiếng thơm trong lòng dân! Còn ai cậy vào chức quyền để nhũng nhiễu, làm hại dân, đục khoét làm giàu cho bản thân thì sống mà như đã chết, cho dù “hạ cánh an toàn”, suốt đời cũng bị dân coi khinh, phỉ nhổ!

Ông  Phan Thế Phương ơi, ông là người cộng sản hiếm hoi ở miền Trung mà dân lập miếu thờ trong thời đổi mới hội nhập mà tôi chứng kiến. Như thể ông vẫn đồng hành mỗi ngày cùng người dân nuôi tôm trên con đường phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài vùng đầm phá Tam Giang.  

NGÔ MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh