Chuyện chưa kể về 300 tên tội phạm và nguyên nhân một ngôi làng bị xóa sổ
- Văn hóa - Giải trí
- 12:22 - 05/02/2017
Con sông giữa núi
Đó là đoạn sông Đáy, bên tả là núi Rùa, núi Cổ Động, núi Động Xuyên, núi Trinh Tiết (thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam); bên hữu là núi Bài Thơ, núi Bồng, núi Vọng, núi Thòng Lọng, núi Rồng (thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Núi ở đây có nhiều ngọn cao thấp, có núi đá, núi đất, nhiều ngọn dựng đứng nhưng cũng nhiều ngọn thoai thoải, tạo nên các thế núi khác nhau và được xem là long mạch của đất Bắc, là nơi hội tụ của tứ linh: long, ly, quy, phượng.
Ông Đỗ Văn Nghinh – một cựu chiến binh sống nơi di tích cho biết, phía tả ngạn sông Đáy có một con sông đào dài gần 2 cây số, cả hai đầu đều nối với con sông Đáy, chảy ôm núi Rùa và núi Cổ Động trong quần thể thắng cảnh Kẽm Trống.
Kẽm Trống, nơi có vẻ đẹp của tạo hóa và nhiều tích ly kỳ
Mỗi lần về thăm khu du di tích văn hóa Kẽm Trống, người ta lại nhớ đến những câu thơ vịnh cảnh tinh nghịch của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
"Hai bên thì núi giữa thì sông
Có phải đây là Kẽm Trống không
Gió đập cành cây khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Ra khỏi dầu non đã rộng thùng
Qua cửa mình ơi nên ngắm lại
Nào ai có biết nỗi bưng bồng"
Tương truyền, trong cuộc tuần du từ kinh đô Huế ra miền Bắc, vua Minh Mạng muốn xuôi dòng sông Đáy để ghé thăm Kẽm Trống và Địch Lộng (Ninh Bình). Khi xuôi thuyền đến đây, vua nghe bài vịnh của Hồ Xuân Hương và nhận ra những ẩn ý nghịch ngợm, nhà vua không chịu đi qua đoạn sông này mà bắt nhân dân trong vùng phải cấp tốc đào một con sông mới để thuyền ngự vượt qua. Do vậy mới có con sông đào chảy vòng này.
Dân gian còn lưu hành một truyền thuyết khác về con sông đào này. Tương truyền, dưới triều Lê, có một vị tướng tài làng Đoan Vĩ (Thanh Liêm) đánh đâu thắng đấy được phong đến tước Quận Công. Một lần qua đây, quan Thượng Chế trông thấy huyệt đất tốt, lại có những địa danh như bến Vua, ngòi Rồng nên về tâu với vua là phải chặt đứt long mạch của vùng để ngừa hậu hoạ là mảnh đất này phát, ngai vàng có thể về tay Quận Công. Nhà vua bắt dân trong một ngày đêm phải đào xong con sông. Lệnh ban ra, nhân dân phải lập tức thi hành, trong khi đào sông, dân bị chết rất nhiều, máu hòa đỏ nước.
Cả làng phạm tội
Nhớ lại chuyện xưa, ông Nghinh bảo, nơi này có một vụ án mang tên “bò béo, bò gầy” diễn ra trong những năm 1690. Ban đầu chúng chỉ là những tên trộm vặt, nhỏ lẻ, sau phát triển lan rộng ra các vùng lân lận. Chúng lập khế ước, lôi kéo các chức sắc rồi hình thành một… làng ăn cướp. Vì vậy, hoạt động cướp của, giết người của chúng được che đậy suốt hơn 20 năm.
Hang động, một trong những nơi ghi dấu lại chuyện xưa tích xưa
Một bằng chứng nữa là Đại Nam nhất thống chí, mục Ninh Bình có viết: Làng Đa Giác Thượng nằm ở phía nam bến đò Khuốt, trên đường thiên lý Bắc – Nam. Có một bọn cướp hung đồ, khống chế được tất cả các chức sắc trong làng cùng theo, dần dần hình thành cả một làng ăn cướp, có quy định khoán ước với nhau rất chặt chẽ.
Chúng lập ra một nhà trạm trên đường thiên lý với vỏ bọc bên ngoài là một quán trọ. Chủ quán lúc nào cũng cung cấp đầy đủ rượu ngon (có pha thuốc mê) cho thực khách, sau đó mời, chuốc cho khách uống say mới thôi.
Để nắm rõ kế hoạch hành sự, khi khách đang ăn thì có người qua hỏi chủ quán:
– Nhà hàng mai có bò không ? cho chúng tôi mượn với nhé!
– Có
– Bò béo hay bò gầy ?
– Bò béo !
Ám hiệu hành động ở đây là hình ảnh con bò. Bò béo tức là khách có nhiều tiền, còn bò gầy thì là khách nghèo, cướp cũng không đáng là bao. Tất cả mọi hành động đều phải tuân thủ theo quy tắc và sự sắp xếp của chủ quán. Với những vị khách đi đường xa, mệt mỏi, lại thêm bát rượu nên mải mê ăn uống, không chú ý đến những lời ướm hỏi kế hoạch của bọn cướp.
Đêm đến, khi khách đang ngủ say thì bọn cướp xông vào, trói giật khuỷu tay, nhét giẻ vào miệng rồi lôi lên núi đá. Sau khi cướp xong, toán cướp đem ra chia nhau rồi đẩy nạn nhân xuống hang đá Kẽm Trống.
Những vụ mất tích bí ẩn ngày càng nhiều, không riêng gì lái buôn tinh nghệ công thương, nghệ sĩ ở giáo phường hát hay đàn giỏi, mà ngay cả những hành khách đi ngao du thưởng ngoạn thắng cảnh non nước cũng đều gặp nạn tại đây.
Năm 1694, chúa Trịnh Căn (1633 – 1709) đi qua cửa Đại Hưng thì gặp một phụ nữ, đầu đội lá đơn, sụp lạy trước kiệu, dù quân lính ra sức xua đuổi nhưng bà ta không chịu đi và nhất quyết đòi gặp được chúa. Chúa Trịnh thấy lạ, bèn sai người mời bà vào, qua lời kể thì mới biết chồng bà bị bọn cướp ở làng Đa Giác Thượng sát hại, bản thân thì bị gả ép cho một tên cướp, bị hành hạ mãi hai năm sau mới trốn thoát được.
Sau khi nghe xong câu chuyện của người đàn bà kia, chúa liền sai Thạc quận công Lê Thì Hiến (1609-1674) đem hơn 2000 quân tiến thẳng về khu vực Kẽm Trống, áp sát làng Đa Giác Thượng.
Để có thể nắm rõ hoạt động của bọn cướp, Quận công cho người đóng giả làm lái buôn, đến nhà trọ uống rượu. Khi bọn cướp biết đây là những con “bò béo” nên mang rượu pha sẵn thuốc mê ra chuốc. Nửa đêm, khi những vị khách này đang mê man thì bị bọn cướp xông đến, dí dao vào cổ, lấy dây trói chặt hai khuỷu tay rồi đưa lên hang núi. Khi cướp bạc xong, bọn cướp định vứt những lái buôn đóng giả này xuống hang sâu thì tiếng hò reo của hơn 2.000 quân sĩ nổi lên vây tròn bắt gọn 300 tên tội phạm.
Qua xác minh, có tới 52 tên cầm đầu, tất cả những tên đứng đầu này đều phải chịu án chém. Những người liên can còn lại đều bị truy xét, tùy theo mức độ, tính chất rồi bị đày đi biên cương, cửa ải. Vì cả làng già trẻ gái trai đều phạm tội nên làng Đa Giác Thượng bị xóa sổ từ đây.
Sau khi phá án, Quận công cho quân lính nối thang, buộc dây đu xuống hang sâu. Dưới đây người ta phát hiện nhiều hài cốt cũ mới, già trẻ, nam nữ lẫn lộn, cuối cùng thì chỉ còn cách là xúc toàn bộ xương rồi mang lên hỏa táng cho linh hồn những nạn nhân được siêu thoát.
Theo ông Nghinh, bây giờ ở đây người ta vẫn đặt tên làng ở đây là làng Đa Giác, có lẽ tên làng này có từ thời đó. Câu chuyện phá án kia vẫn được lưu truyền cho đến thế hệ sau, và cũng là một bài học thích đáng cho những kẻ mưu mô, cướp đường, qua đó cũng thấy được sự nghiêm minh của pháp luật nước ta thời bây giờ.