Chuyện chưa kể tại các kỳ thi tay nghề
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:07 - 02/01/2019
Đoàn Việt Nam tại Lễ bế mạc Kỳ thi Tay nghề ASEAN 12.
Chào cờ, hát Quốc ca ngay trong kỳ thi tay nghề
Điều đặc biệt trong ngày thi cuối của đoàn Việt Nam tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 12 năm 2018 vừa qua trùng với ngày Quốc khánh (2/9). Chính vậy lãnh đạo đoàn đã quyết định tổ chức Lễ chào cờ, hát Quốc ca. Buổi lễ được đoàn Việt Nam tổ chức trang trọng với sự tham gia của chuyên gia, thí sinh, phiên dịch và các thành viên trong đoàn. Bài “Tiến quân ca” được cả đoàn hát vang tại sảnh của Trung tâm Hội nghị và triển lãm IMPACT, Thái Lan - nơi tổ chức thi. Các thành viên trong đoàn rất vinh dự và phấn chấn khi đi thi trong ngày đặc biệt này. Kết thúc Lễ chào cờ, các thành viên đoàn cùng giơ tay quyết tâm “thi đấu” vì màu cờ sắc áo, mang vinh quang về cho đất nước. Đây là đầu tiên các thí sinh thi tay nghề được thực hiện một nghi lễ rất trang trọng, giống như các cầu thủ bóng đá chào cờ hát Quốc trước mỗi trận đấu.
Nghi thức chào cờ, hát Quốc ca của đoàn Việt Nam tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN 12.
Chấm điểm chủ quan sẽ dần bị thay thế trong CMCN 4.0
Theo ông Nguyễn Chí Trường, đại biểu kỹ thuật của đoàn Việt Nam tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN 12 được tổ chức tại Thái Lan 9/2018, công tác chuẩn bị của nước chủ nhà rất tốt, cả về kỹ thuật và hậu cần. Kỳ thi tay nghề ASEAN 12 có một số nét mới, Ban tổ chức đã thay đổi cách chấm điểm theo chủ quan trước đây sang chấm điểm theo phán quyết. Tức là dùng tiêu chuẩn của các ngành công nghiệp để chấm thi bảo đảm tính khách quan. Nếu đề thi nào mà chấm theo chủ quan thì phải mô tả trước bằng hình vẽ, bằng thực tế, bằng video... Tại kỳ thi có nghề áp dụng công nghệ mới 4.0 đó là nghề kết nối vạn vật Internet, ngoài ra có rất nhiều công nghệ mới được áp dụng tại kỳ thi lần này ở các các nghề: Lắp đặt điện, robot, cơ điện tử. Sắp tới, trong nghề thời trang Ban tổ chức Kỳ thi tay nghề ASEAN cũng sẽ áp dụng công nghệ 4.0.
Còn chuyên gia nghề nấu ăn Tường Minh Ngọc cho biết thêm, đối với nghề nấu ăn tại kỳ thi tay nghề ASEAN 12 phần chấm điểm chủ quan (phần nếm) là khi chấm điểm hay gây tranh cãi giữa các chuyên gia, năm nay nước chủ nhà Thái Lan theo đề nghị của chuyên gia Việt Nam đã mời 2 chuyên gia của Kỳ thi tay nghề thế giới đến chấm thi nên bảo đảm tính khách quan, tạo tâm lý yên tâm cho thí sinh và chuyên gia.
Không có “trường chuyên lớp chọn”
Đánh giá tác động của các kỳ thi tay nghề vào chất lượng tay nghề của học sinh, sinh viên GDNN, ông Trần Quốc Huy, Chánh Văn phòng Tổng cục GDNN cho rằng: Kỳ thi tay nghề quốc gia đã tạo được phong trào sâu rộng trong quá trình học tập, thi đua rèn luyện tay nghề và kỹ năng của học sinh, sinh viên trong hệ thống GDNN, thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo. Tổ chức thi tay nghề quốc gia và tham dự các kỳ thi tay nghề quốc tế là những tác động mạnh mẽ đến quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng tại các cơ sở GDNN... Trong lĩnh vực GDNN không có “trường chuyên lớp chọn” mà phong trào học tập là toàn diện và phổ quát. Vì vậy, các thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề quốc gia và quốc tế đều được lựa chọn từ các trường, dựa trên cơ sở thành tích mà các em đã đạt được trong quá trình học tập và rèn luyện. Tại “sân chơi” ASEAN, Việt Nam có thành tích khá cao, tuy nhiên bước ra đấu trường quốc tế thì giấc mơ huy chương mới trở thành hiện thực chỉ trong hai kỳ gần đây, Việt Nam mới có Huy chương Đồng. Tuy nhiên thành tích này đã đánh dấu bước trưởng thành mới trong GDNN của Việt Nam. “Đạt thành tích cao trong các kỳ thi tay nghề ASEAN và tiếp cận thành tích tại kỳ thi tay nghề thế giới, có nghĩa chúng ta đã có năng lực để đào tạo ra nguồn nhân lực đạt trình độ khu vực và quốc tế”, ông Huy chia sẻ.
Thí sinh nghề xây gạch đã mang về cho đoàn Việt Nam 2 HCV tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN 12.
Tất cả các thí sinh đều biết trước đề thi
Ông Lê Văn Phòng, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, (Tổng cục GDNN) cho biết: Đề thi trong lĩnh vực GDNN có điểm đặc biệt là dạng đề mở, tất cả các đề thi đều được công khai. Quá trình ra đề, Tổng cục GDNN đã tổ chức Hội nghị kỹ thuật tháng 12/2017, căn cứ vào đề thi tay nghề thế giới năm 2017 và một phần của đề thi tay nghề ASEAN năm 2016. Tất cả các đề thi này đã được đăng trên website của Tổng cục GDNN.
Đề thi được đăng công khai, nhưng trước khi diễn ra kỳ thi sẽ có hội nghị kỹ thuật lần 2, các tiểu ban kỹ thuật tại các hội đồng thi quốc gia sẽ chỉnh sửa lại khoảng 30% so với đề bài đã đăng, nhưng không được phép thay đổi về thiết bị và nguyên vật liệu, sau khi phê duyệt đề thi chính thức được đưa vào tổ chức thi tay nghề quốc gia.
Trong những năm đầu khi kỳ thi tay nghề quốc gia được tổ chức, nhằm động viên các đoàn tham gia, Ban tổ chức khi đó theo cách tính điểm cũ cho quy chế hạ từ 500 điểm xuống 480 điểm để có thêm các giải khuyến khích. Tuy nhiên, đến nay số lượng giải khuyến khích quá nhiều, vì vậy từ năm 2018, chuẩn của giải khuyến khích theo đúng tiêu chuẩn của thi tay nghề thế giới, khung điểm chuẩn là 700 và thí sinh phải đạt từ 700 điểm mới được xếp giải khuyến khích. Về số lượng các giải cũng đã nhiều hơn so với trước đây, điều này cho thấy chất lượng của thí sinh đã tăng lên rất nhiều qua các kỳ thi.
Trình diễn trước... thi sau
Hầu hết các nghề tổ chức tại Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018 là các nghề liên quan đến công nghệ thông tin và được xem là những nghề đáp ứng cho phát triển kinh tế trong CMCN 4.0. Các nghề thi chính thức như: Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD; bảo trì máy CNC; lắp đặt điện; công nghệ hàn; thiết kế đồ họa; công nghệ ô tô; cơ điện tử... và 2 nghề trình diễn là sơn ô tô và internet vạn vật. Đây cũng chính là các nghề sẽ được tổ chức thi tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 tổ chức tháng 8/2018, tại Thái Lan. Những nghề trình diễn được đề xuất trên cơ sở nhu cầu nhân lực của nghề đối với sự phát triển của nền kinh tế, các nghề này được trình diễn một vài năm, để sau đó có thể trở thành nghề thi chính thức. Kỳ thi Tay nghề quốc gia được tổ chức vào những năm chẵn, năm 2018 là lần thứ X, càng những năm về sau, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương cũng như số lượng thí sinh tham dự càng tăng. Chất lượng thí sinh cũng tăng lên đáng kể, điều này được thể hiện qua kết quả các kỳ thi tay nghề ASEAN và Kỳ thi Tay nghề thế giới.
Nghề Nấu ăn - có rất nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia do cách chấm thi nếm.
Trình độ càng cao, luyện thi... càng lâu
Là một chuyên gia đã nhiều lần đưa đội tuyển quốc gia đi thi tay nghề ASEAN và thế giới, thầy Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Tất cả các nước trên thế giới khi tham dự các kỳ thi tay nghề đều chuẩn bị và huấn luyện cho thí sinh rất chu đáo. Các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức... mỗi năm đều tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia cho tất cả những người lao động trong độ tuổi, những thí sinh được lựa chọn để tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới được tổ chức 2 năm một lần, như vậy có những thí sinh được luyện thi tới 2 năm.
Tại Việt Nam, kỳ thi tay nghề quốc gia được tổ chức 2 năm một lần, nên thí sinh thường chỉ được luyện khoảng vài tháng, như vậy là rất ít so với các thí sinh các nước khi luyện thi kỹ năng nghề thế giới. Đây cũng chính là lý do khiến thí sinh Việt Nam bị hạn chế về kết quả, nếu so với các thí sinh ở các quốc gia phát triển. “Thí sinh Việt Nam rất thông minh, kỹ năng tốt, nếu được huấn luyện trong môi trường tiêu chuẩn quốc tế chắc chắn các em sẽ đạt giải cao trong các kỳ thi thế giới”, thầy Khánh nhận định.