THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:46

Chuyện buồn ở ven trời Tây Bắc

Tập tục “kéo vợ” của người Dao hay “bắt vợ” của người Mông vốn là một tập tục lâu đời. Thông thường, vào những ngày rỗi việc, thóc, ngô đã “về nhà”, trai người Dao hay người Mông thường tổ chức nhờ cánh bạn trai cùng lứa đi “bắt” hoặc “kéo” vợ về cho mình.

Để “có” vợ, tập tục này rất đơn giản. Khi một chàng trai người Mông hay người Dao nào đó "để ý" đến một cô gái nào đó cùng hệ tộc, họ sẽ tổ chức đi “bắt” hay “kéo” người ta về nhà mình để cúng trình ma, dù cô gái kia có yêu hay thích chàng trai ấy không. Đã bị bắt về nhà, cúng trình ma thì cô gái kia ở bất kỳ lứa tuổi nào đã thành vợ của họ. Họ sẽ không được ai “kéo”, “bắt” về làm vợ nữa nếu không lấy chàng trai đó. Cuộc đời thiếu nữ của họ đã bị đánh một dấu chấm hết tại đây, đành phải về làm vợ nếu như còn muốn sống. Mảnh đất Tây Bắc, thượng nguồn con sông Đà, mỗi “mùa bắt vợ” qua đi, người ta không thể thống kê được sẽ có bao nhiêu thiếu nữ người Dao, người Mông môi đỏ, tóc dài, da trắng đã trở thành nạn nhân của tập tục này.

Ở Lai Châu, nơi nào có người Mông hay người Dao sinh sống là nơi ấy còn hiện hữu tập tục này, chỉ khác nhau ở mức độ do môi trường giao tiếp. Hiện huyện Phong Thổ Lai Châu được coi là điểm nóng của tập tục này. Tục “kéo vợ”, “bắt vợ” ở đây phải kể đến các xã như Nậm Se, Mù Sang, Bản Lang...

Để tìm hiểu cái hậu nghiệt ngã của tập tục này, tại bản Nậm Se, tôi đã tìm đến thân phận người mẹ trẻ Lý Thị Hợp. Trong ngôi nhà tranh, gió thốc bốn bề, nằm sát bìa rừng nơi một con suối cạn, ngôi nhà của vợ chồng Lý Thị Hợp và Vàng Văn Việt nằm đó. Nếu không đặt chân vào nhà, thấy người, thấy bếp thì người ta rất dễ nhầm đây là chiếc chòi canh nương bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi. Nhà của cặp vợ chồng trẻ này không có gì ngoài vài ba chiếc nồi méo mó đen đủi cùng ít váy áo cũ vắt trên chiếc sào nứa, bên cái bếp đang âm ỉ cháy.

Lý Thị Hợp phải chấp nhận tập tục “bắt vợ” của người Mông này từ năm em 12 tuổi. Hợp xinh gái, với đầy đủ đường nét và tố chất của một cô gái Mông vùng biên ải. Năm em 12 tuổi, đang váy áo xúng xính cùng bạn bè đồng lứa thì em “được” Vàng Văn Việt (chồng của em bây giờ, hơn em 2 tuổi) "để ý". Thế là Tết năm ấy, cuộc đời thiếu nữ của em khép lại khi Vàng Văn Việt rủ tụi bạn chặn đường "bắt" em về làm vợ. Cũng giống như những cô gái Mông khác, cuộc đời con gái Mông miền Tây Bắc của em đã chấm hết từ đó. Có học, có làm, có ở với bố mẹ đẻ nữa cũng bằng không thôi, "ma nhà chồng" đã "ghi tên" em vào "sổ" nhà chồng rồi! Không lối thoát, không có sự lựa chọn, theo tập tục, em đành gạt nước mắt, bước chân qua bậu cửa về nhà chồng mà thôi.

Những bé gái 13, 14 tuổi - nạn nhân của tập tục “kéo vợ”.

Năm sau, lễ hội Gầu tào (lễ hội đi chơi núi của người Mông) chưa hết, từ biệt chúng bạn, em về làm vợ người ta. Một năm sau, mùa xuân đến, cây đào trên núi chưa nở hết hoa, chúng bạn cùng trang lứa chưa bị ai bắt vẫn vui vẻ chơi xuân còn em phải nằm góc nhà để trở dạ. 13 tuổi em đã phải làm mẹ, con yếu, gia cảnh túng quẫn vô cùng. Lần vào Phong Thổ này, tại Mù Sang, tôi cũng gặp Vàng Thị Dợ. Dợ là một cô gái Dao, so với Hợp, Dợ vẫn "may mắn" hơn vì em được sống hết tuổi 16 của mình mới "bị" người ta "kéo" về làm vợ. Dợ bảo chẳng yêu ai, em bị người ta "kéo" trong một lần đi lấy rau cho lợn. Bị người ta lấy vải bịt mắt, vác về nhà cúng ma.

Và cũng như cô gái người Mông Lý Thị Hợp kia, em đành phải lựa chọn khúc quanh nghiệt ngã, ấy là đi lấy chồng, không biết người chồng ấy là người thế nào, bao nhiêu tuổi, tính nết ra sao. Gái Mông, gái Dao ở đây là thế, bị người ta 'bắt", người ta "kéo" là phải lấy người ta thôi!?  Bên bếp lửa rực hồng, với chén rượu ngô uống cùng thịt dúi (loại động vật thuộc bộ gặm nhấm sống ở rừng, thức ăn là các loại măng) tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Tấn Văn Thông. Ông Thông bùi ngùi cho biết: Cũng tuyên truyền, vận động, có xử phạt cả đấy. Tốn công, tốn sức, tốn lời lắm nhưng ở đây luật (Luật Hôn nhân gia đình) vẫn chưa thắng cái lệ đâu...

Mẹ trẻ, con bé là hình ảnh dễ thấy ở vùng cao.

Theo lý giải của ông Thông, tập tục "kéo vợ", "bắt vợ" ở đây vẫn hết sức nan giải, nhất là tập tục này đã có từ lâu đời, nó trở thành một phần huyết tố, một “nếp nhăn” hằn đậm trong suy nghĩ của người ta. Con gái người Dao, người Mông ở đây “tuổi lấy chồng” vẫn được "ấn định" từ 15- 20 tuổi. Ngoài 20 tuổi trở đi, nếu không được ai "bắt", "kéo" thì coi như ế rồi. Cỡ tuổi ấy muốn lấy được chồng, nhiều cô gái phải làm lễ đi tìm chồng. Do sự chi phối của tập tục cùng với điều kiện kinh tế, xã hội còn thấp kém nên tập tục này hết sức dai dẳng và trở thành vấn đề nan giải với miền đất này. Các nạn nhân của tập tục này chiếm phần rất nhỏ là tự nguyện, còn phần lớn vẫn là sức ép từ nhiều phía, trong đó chủ yếu vẫn là tập tục.

Ngoài những "sức ép" như: Sợ không ai "bắt", "kéo"; sợ ế chồng thì con gái người Mông, người Dao còn bị sức ép rất lớn từ phía cha mẹ. Nếu được người ta "bắt", "kéo" vào độ tuổi từ 20 đổ lại thì gia đình nhà gái có quyền thách cưới. Dù thách to hay nhỏ cũng có tiền đem về cho gia đình. Chính lý do này đã khiến các ông bố bà mẹ có con gái luôn "ủng hộ" việc người ta "bắt", "kéo" con gái mình trong độ tuổi ấy. Nhiều nhân viên của các trạm y tế trong các xã kể trên nhiều lần rớt nước mắt trước những sản phụ tuổi chưa đến 15. Khuôn mặt chưa qua tuổi thiếu nữ ấy đã phải tím tái bởi những cơn đau quặn thắt khi sinh nở. Không biết họ sẽ sống ra sao khi phải làm mẹ ở lứa tuổi ấy!

Các lớp học ở đây thỉnh thoảng lại vắng một vài bé gái. Cô giáo hỏi thì bạn bè cho biết họ bị người ta "bắt", "kéo" về làm vợ... đang là thực trạng hết sức đau lòng ở đây. Riêng với chị Thảo, 2 năm công tác ở Mù Sang, gần chục lần chị tận mắt chứng kiến các em gái bị trai bản "bắt" và “kéo” về làm vợ, hết sức đau lòng mà không làm được gì!?

LỆ LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh