CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mọi người về ATVSLĐ

 

Hàng năm vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

Thông tin tại hội nghị, theo thống kê về tần suất tai nạn lao động từ cơ quan BHXH, trong giai đoạn 2011-2014, tần suất tai nạn lao động chết người là 6,15/100.000 lao động, bình quân mỗi năm giảm 8,34% so với giai đoạn 2006-2010. Riêng đối với khu vực sản xuất, kinh doanh giảm trên 10% mỗi năm.

Trong khi đó, theo thống kê tai nạn lao động từ các Sở LĐ-TB&XH báo cáo, tần suất tai nạn lao động giai đoạn 2011-2014 là 7,58/ 100.000 lao động, tức giảm 4,89% so với giai đoạn 2006-2010 là 7,97/ 10.000 lao động. 

Đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động góp phần thực hiện an sinh xã hội

Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), trên 80% số vụ tai nạn lao động chết người hiện nay chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao thuộc mục tiêu của chương trình như lĩnh vực khai khoáng, sản xuất kim loại, hóa chất, sử dụng điện…thì việc giảm chung tần suất tai nạn lao động chết người trong khu vực làm công ăn lương (giảm trên 8,4% mỗi năm) đã có sự tham gia đóng góp đáng kể từ việc giảm tần suất tai nạn lao động chết người của các ngành, lĩnh vực và những tác động tích cực to lớn, hiệu quả của công tác  ATVSLĐ thời gian qua. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, mặc dù 7 mục tiêu đề ra trong Chương trình Quốc gia về ATLĐ,VSLĐ giai đoạn 2011-2015 tính đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như góp phần thay đổi hành vi của các cấp, ngành, người sử dụng lao động và chính bản thân người lao động trong công tác ATLĐ,VSLĐ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, hàng năm trên cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.

 Có thể kể đến như vụ cháy xưởng giày ở Hải Phòng năm 2011 làm 13 người chết, hay gần đây nhất năm 2015, vụ sập giàn giáo ở Vũng Áng, Hà Tĩnh cũng khiến 13 người bị chết, vụ sập cần cẩu thi công ở Hải Phòng, sập cây xăng đang thi công ở Hà Tĩnh mới đây…

Bên cạnh đó, đối với mục tiêu chăm sóc sức khỏe, hầu hết các đại biểu tham gia hội nghị đều cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động nhìn chung đã được đảm bảo.

Việt Nam hiện có 30 bệnh nghề nghiệp, giai đoạn 2011-2014, tỷ lệ mới mắc bệnh nghề nghiệp khu vực tham gia BHXH là 7,81/100.000 lao động, giảm 35,4% so với giai đoạn 2006-2010; tỷ lệ ốm giảm từ 19,6% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 17,6% giai đoạn 2011-2014 (giảm 10,5%). Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác này tại địa phương liên quan đến vấn đề kinh phí đã dẫn đến kết quả thực hiện mục tiêu chưa được như mong đợi.

 Giảm 25 % tần suất tai nạn lao động trong giai đoạn 2016-2020

Hiệu quả từ công tác ATLĐ,VSLĐ không chỉ tạo môi trường, điều kiện cho người lao động, doanh nghiệp yên tâm lao động sản xuất đạt hiệu quả, chất lượng mà còn góp phần đáng kể cho mục tiêu an sinh xã hội. Với những kết quả đạt được, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2016-2020, chương trình Quốc gia về ATLĐ,VSLĐ đề ra mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động chết người so với giai đoạn 2011-2015 đạt trên 25% đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động và trên 10% đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Đặc biệt, trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp, phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn, 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện qua trắc môi trường lao động.

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục ATLĐ cho biết, cùng với mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động, giai đoạn 2016-2020 cũng đề ra mục tiêu 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đề ra, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người lao động, chủ sử dụng lao động còn cần có sự nỗ lực, chung tay của các cơ quan, đơn vị, cấp, ngành liên quan. Bởi trên thực tế công tác an toàn –vệ sinh lao động vẫn còn những khó khăn, trở ngại nhất định. Tình hình doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ khá phổ biến, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ xét về một số chỉ tiêu cơ bản về ATVSLĐ, trung bình chỉ có 35-36,7% số doanh nghiệp thực hiện. 


BÙI MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh