CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:24

Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu

Chương trình xác định toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Chương trình hành động của Chính phủ được thực hiện đến năm 2025, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 56-KL/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và xây dựng, triển khai thực hiện một số kế hoạch, chương trình, đề án, dự án mở mới giai đoạn đến năm 2025.

Nhiệm vụ, giải pháp chung của Chương trình là nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;...

Một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách mà Chương trình đưa ra gồm: Phổ biến, quán triệt quan điểm, nhận thức về đặt yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa dạng sinh học...; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật về biến đổi khí hậu.

Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; quản lý, sử dụng đất; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi; khai thác rừng trái phép trên phạm vi cả nước.

Theo dõi xâm nhập mặn, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL

Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã chuyển vấn đề báo nêu đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Báo Nông nghiệp ngày 14/1/2021 có nêu: Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, việc giảm xả nước của thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, thời điểm cả nước đón Xuân Tân Sửu. Mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 50-70 km và 85-95 km trên sông Vàm Cỏ.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ chuyển vấn đề báo nêu đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, chỉ đạo sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 354/VPCP-NN ngày 15/1/2021.

Được biết, tại văn bản số 354/VPCP-NN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời diễn biến dòng chảy sông Mê Công và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp, hạn chế thiệt hại.

Xây dựng Đề án tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương

Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 8.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng Đề án tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong Quý II năm 2021.

Đồng thời, tiếp tục chủ động tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA).

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, quán triệt tinh thần "Việt Nam – thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc" và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu đối với việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Tổng cục đã có những đóng góp cụ thể gửi Nhóm chuyên gia mở rộng của Hội đồng môi trường Liên hợp quốc về rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa; đồng thời tích cực tham gia thảo luận các thành tố quan trọng của một Thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý. Và năm 2020 đã ghi nhận bước đột phá với hơn 80 quốc gia hiện đang kêu gọi một Thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc. Mục tiêu thỏa thuận toàn cầu hướng đến là: (1) Giảm thiểu toàn diện rác thải nhựa bằng cách can thiệp các biện pháp chính sách, kỹ thuật theo mỗi khâu trong vòng đời của nhựa, đồng thời có chế độ báo cáo chặt chẽ; (2) Thiết kế, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa một cách bền vững theo chuỗi giá trị của nhựa; (3) Quản lý bền vững theo mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).

Có thể nói một Thỏa thuận toàn cầu do Hội đồng môi trường Liên hợp quốc khởi xướng sẽ đảm bảo cho việc thực hiện tốt hơn từ tất cả các quốc gia thành viên. Thỏa thuận nếu được thông qua sẽ đảm bảo rằng, đây không phải là gánh nặng đặt lên vai một số ít các nước phát thải lớn rác thải nhựa đại dương mà là một trách nhiệm chung toàn cầu. Thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, xác minh và chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa biển từ phạm vi quốc gia, khu vực đến toàn thế giới.

Vì Thỏa thuận toàn cầu là vấn đề lớn, có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực của đất nước nếu Việt Nam tham gia nên Tổng cục đã chủ động tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xem xét giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác có liên quan xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh