'Đa số giáo viên chưa thật sự sẵn sàng cho đổi mới'
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:34 - 21/09/2017
Năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục khó có thể triển khai đổi mới, chương trình SGK đúng tiến độ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thưa bà, giáo viên có vai trò tiên quyết trong việc thành, bại của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong bối cảnh chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018 - 2019, bà đánh giá như thế nào về đội ngũ giáo viên hiện nay?
Tôi có nhiều trăn trở đối với đội ngũ giáo viên hiện nay. Theo đánh giá, giám sát của UB Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đống (VHGDTNTN&NĐ), qua các buổi đối thoại, làm việc với giáo viên, nhà trường, tôi thấy đa số giáo viên chưa thật sự sẵn sàng cho đổi mới. Bởi đội ngũ giáo viên của chúng ta hiện nay được đào tạo đơn môn nhưng tới đây lại dạy tích hợp liên môn, lồng ghép. Vậy họ phải dạy như thế nào? Ai là người hướng dẫn, đào tạo lại họ? Các trường sư phạm, nơi đào tạo giáo viên đã đặt vấn đề này ra chưa?
Về cơ sở vật chất trường lớp, các phòng học chức năng chúng ta tuy có đầu tư nhưng cách thức tổ chức dạy và học theo quy trình ngược với thế giới. Học sinh các nước phải di chuyển đến các phòng học bộ môn sau mỗi tiết học thì ở Việt Nam, giáo viên cơ bản phải di chuyển qua các lớp học để giảng dạy, học sinh ngồi học cố định ở phòng học truyền thống. Chính vì vậy, họ không thể mang theo các thiết bị, giáo cụ dạy học. Đó chính là nguyên nhân tại sao giáo viên của chúng ta chưa quen, chưa có kỹ năng sử dụng thiết bị trợ giảng.
Có nhà quản lý giáo dục cho rằng, nếu chờ đủ điều kiện mới đổi mới thì không bao giờ làm được. Vậy theo bà, trong bối cảnh hiện nay ngành giáo dục có nên vừa đổi mới vừa hoàn thiện hay không?
Theo tôi, chúng ta phải làm thật sự bài bản và hướng tới sự đầu tư và phát triển bền vững. Tôi lo chúng ta chuẩn bị chưa kỹ, quyết định có phần vội vàng khi điều kiện chưa đảm bảo. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, còn khá nhiều nút thắt chúng ta phải giải quyết.
Khi ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục thì trách nhiệm của những nhà quản lý, những người liên quan đến giáo dục phải thật sự tính toán căn cơ để tìm giải pháp tối ưu tháo được từng nút thắt này.
Trước đây chúng ta cũng đòi hỏi dạy học phải có thiết bị trợ giảng nhưng trên thực tế khi triển khai thì cơ bản thầy trò vẫn phải dạy chay, học chay nên chất lượng giáo dục chưa cao. Giờ đổi mới liệu chúng ta có xem lại những nút thắt cần tháo gỡ trong chặng đường đã qua để rút kinh nghiệm, xem xét thấu đáo mọi vấn đề rồi mới bắt đầu triển khai đổi mới.
Bà Ngô Thị Minh.
Vậy hiện nay, ngành giáo dục phải chuẩn bị những gì để hạn chế sai lầm trước khi bước vào đổi mới, thưa bà?
Theo tôi, trước hết về đội ngũ giáo viên, chúng ta phải có sự chỉ đạo tập trung để chuẩn bị thấu đáo. Tôi ví dụ, khi triển khai Nghị quyết 40 của Quốc hội, chúng ta cũng đưa một loạt giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng. Họ được tập huấn trong môi trường được thực hành, có thiết bị dạy học và được nhiều người hỗ trợ. Nhưng khi về cơ sở, giáo viên muốn dạy một tiết học như thế họ phải tự xoay xở một mình là chính. Đây là sự bất cập cần khắc phục khi tập huấn đội ngũ giáo viên cho chương trình mới sắp tới.
Vì thế, trước khi đào tạo, bồi dưỡng, phân loại đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các trường tiến hành khảo sát nhu cầu để có kế hoạch bồi dưỡng theo từng đợt, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Trước mắt cần khắc phục tình trạng giáo viên dạy không đúng chuyên môn đào tạo. Trên thực tế hiện nay đang có chuyện giáo viên Lịch sử nhưng phải dạy Địa lý, giáo viên Toán phải dạy Thể dục, giáo viên Thể dục phải dạy Giáo dục công dân…
Năm 2018, khó triển khai đổi mới GDPT
Vậy, thưa bà trước những vấn đề đặt ra, liệu năm học 2018 - 2019 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có khả thi không?
Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT không thể triển khai kịp chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018 - 2019 sắp tới. Vì ngoài trách nhiệm biên soạn SGK, cần có thời gian thỏa đáng thì việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trang thiết bị đang còn nhiều bất cập, kể cả việc quy hoạch mạng lưới trường lớp sao cho có sĩ số học sinh phù hợp để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Do vậy, năm học tới, chắc chắn Bộ GD&ĐT khó có thể triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội theo tiến độ đã đề ra.
Tôi nghĩ, chắc chắn Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ để báo cáo việc này trước Quốc hội. Lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có thể phải lùi 1 năm hoặc 2 năm, tùy thuộc vào sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ với sự tham mưu tích cực của Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cùng một số bộ ngành liên quan khác. Chúng ta cần nghiên cứu những bất cập được chỉ ra khi tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 40 Quốc hội Khóa X. Từ đó cần rút kinh nghiệp sâu sắc để đưa Nghị quyết 88 vào cuộc sống. Một loạt vấn đề đặt ra khác như cơ sở vật chất, yếu tố vùng miền…
Chúng ta phải nhìn nhận trên cơ sở khoa học và thực tiễn đảm bảo tính khả thi và ngân sách nhà nước có thể đáp ứng được. Trong đó cần tính đến việc huy động và kêu gọi các nhà đầu tư cùng vào cuộc để xây dựng các trường ngoài công lập chất lượng cao... Nếu chúng ta chuẩn bị các bước đi thật bài bản, căn cơ, chắc chắn sẽ thành công.
Xin cảm ơn bà.
Ngày 22/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tổ chức hội thảo giáo dục 2017 với chủ đề về chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam. Các diễn giả trong hội thảo là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Ngân hàng Thế giới, Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, viện nghiên cứu. |