Chương trình GDPT mới: Tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần các lớp học trên
- Giáo dục nghề nghiệp
- 03:27 - 28/12/2018
Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Giảm số môn học bắt buộc, tăng môn học chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn
Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Cụ thể, nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).
Nội dung giáo dục cấp Trung học cơ sở bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Nội dung giáo dục cấp Trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Cũng theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới đã đáp ứng nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW là "Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn".
Thực hiện mục tiêu "Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn", đối với mỗi môn học, việc lựa chọn, sắp xếp nội dung giáo dục bảo đảm sự tinh giản, gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực thi các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Thực hiện mục tiêu "phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng", nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.
Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở kết quả xây dựng chương trình, tình hình chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện đổi mới, Bộ GD&ĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
Trên cơ sở Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, ngày 06/02/2017, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho "Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông" (Chương trình ETEP).
Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm do Chương trình ETEP đang hoàn thiện; tổ chức nhiều cuộc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hướng tiếp cận với những nội dung đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các trường sư phạm khác và Chương trình ETEP tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nội dung đào tạo để xây dựng mới chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước.
Chuẩn bị cơ sở vật chất
Bộ GD&ĐT đã xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13; phối hợp với Bộ KH&ĐT hướng dẫn các địa phương đề xuất danh mục và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để giao vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2017 - 2020; tổ chức rà soát quy định hiện hành về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tiêu chuẩn bàn ghế học sinh phổ thông.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa (bao gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn và sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân) kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
Tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình mới theo lộ trình, ưu tiên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học.
Tổ chức và chỉ đạo các địa phương bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời qua đó thực hiện chương trình tăng cường năng lực của các trường sư phạm trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.
Ban hành các văn bản phục vụ triển khai chương trình mới: Hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; Hướng dẫn xây dựng nội dung giáo dục địa phương; Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Điều lệ trường phổ thông; Quy định về đánh giá học sinh;… đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.