CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:27

Chung tay hỗ trợ việc làm cho người lao động khuyết tật

Là người khuyết tật, ông Nguyễn Kim Khôi, chủ cơ sở may cờ 3/12 (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thấu hiểu được những khó khăn mà người khuyết tật đang gặp phải trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Trong suốt 9 năm nay, cơ sở của ông đã hỗ trợ dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho hơn 50 lao động, với 100% là người khuyết tật. Chia sẻ với chúng tôi, ông Khôi cho biết: “Dạy nghề cho người khuyết tật yếu tố đầu tiên là phải kiên trì, ngoài ra còn phải có phương pháp riêng. Đặc biệt là các đối tượng khuyết tật nặng, khuyết tật về mặt trí tuệ các em thường tiếp thu rất chậm, vì vậy cần có sự động viên khích lệ.

Trong suốt quá trình thực hiện dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, tôi nhận thấy bản thân các em làm việc rất kỷ luật và chăm chỉ. Đa phần các bạn có tay nghề không hề thua kém người lao động bình thường, thậm chí các em còn có sự tập trung cao, không bị sao nhãng trong công việc”.

 

Ông Nguyễn Kim Khôi, Chủ cơ sở may cờ 3/12 (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm tay chỉ việc cho người khuyết tật

Theo quan sát của chúng tôi, những lao động ở cơ sở may cờ 3/12 đều còn rất trẻ, chăm chỉ học tập và làm việc. Chị Nguyễn Thị Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị đạp xe hơn chục cây số để đến học nghề tại cơ sở may cờ 3/12, dù xa, dù mệt nhưng vẫn luôn thấy vui vẻ, hào hứng và có cảm giác cuộc sống ý nghĩa hơn. Hơn 30 năm sống phụ thuộc vào gia đình, bản thân chị Linh cũng không nghĩ có thể đi làm các công việc khác. Sau 3 tháng được dạy nghề miễn phí, đến nay cũng đã nắm bắt được kỹ thuật may vá, được nhận vào làm việc và bước đầu tạo ra thu nhập.

Còn với chị Nguyễn Thị Dung (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, việc đi học nghề còn là cả một quá trình đấu tranh vượt qua chính mình và những định kiến xã hội.   “Những ngày đầu đi học nghề may, hàng xóm xung quanh đã cười ồ lên vì không ai nghĩ mình có thể làm được. Bản thân gia đình cũng nhiều lần ngăn cản, khiến mình không khỏi tuyệt vọng. Nhờ  sự động viên của các bác ở trung tâm mà mình mới có thêm động lực để theo học nghề’, chị Dung chia sẻ.

Kể từ khi được học nghề miễn phí và được tạo công ăn việc làm, không chỉ riêng chị Linh và chị Dung mà niềm tin, hy vọng vào cuộc sống mới còn hiện lên trên khuôn mặt của tất cả những lao động khuyết tật tại đây.

Vẫn còn nhiều lao động cần được hỗ trợ học nghề

Theo số liệu từ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật được tập trung triển khai, kết quả 6 tháng đầu năm cả nước có trên 6000 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề.

Mặc dù công tác dạy nghề và hỗ trợ việc là cho người khuyết tật đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, lao động khuyết tật vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình tiếp cận cơ hội việc làm. Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật, cả nước có gần 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, bằng 7,8% dân số, trong đó 40% người khuyết tật còn khả năng lao động. Ước tính, có khoảng 20% người khuyết tật đã qua đào tạo nghề. Dù vậy, cả nước còn trên 1,2 triệu người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động chưa tham gia lao động và cần được hỗ trợ dạy nghề. 

Ông Nguyễn Viết Dũng, Đại diện công ty cổ phần Kym Việt - chuyên sản xuất, kinh doanh hàng thủ công (tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết:” Hiện tại đơn vị đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động khuyết tật. Tuy nhiên, việc tuyển sinh học nghề đối với người khuyết tật rất khó khăn vì nhiều lý do như: Gia đình người khuyết tật không muốn cho con đi học nghề, vì thiếu tin tưởng vào năng lực của các em và rằng người khuyết tật học nghề không để làm gì; trước giờ vẫn phụ thuộc gia đình nên luôn có cảm giác tự ti, mặc cảm và rất ngại tham gia học nghề”.

 

Nhiều người khuyết tật đã thay đổi được cuộc sống của mình sau khi được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm

Theo ông Dũng, một trong những lý do khiến nhiều đơn vị doanh nghiệp vẫn còn e dè trong sử dụng lao động khuyết tật là vì các em thường có trình độ học vấn thấp, thậm chí không biết chữ. Chưa được đào tạo nghề nghiệp phù hợp với dạng khuyết tật của mình khiến các em không phát huy được khả năng của mình. Vẫn còn những quan điểm nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại, đối đãi với người khuyết tật theo quan điểm từ thiện, nhân đạo chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực là bảo đảm quyền cơ bản của người khuyết tật. Điều này đang hạn chế cơ hội việc làm và khả năng hòa nhập xã hội của người khuyết tật.

Hiện nay các chính sách hộ trợ của nhà nước đã tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật như được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, được hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, “Sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước cũng chỉ là phần nào, bản thân mỗi đơn vị phải đảm bảo bằng việc tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nếu để khách hàng mua bằng sự thương hại, thì họ chỉ mua một lần mà thôi. Đó là lý do nhiều trung tâm cơ sở sử dụng người lao động khuyết tật khi mở ra đều thất bại. Và đó không phải là hướng đi bền vững để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật”- ông Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác hỗ trợ việc làm cho người lao động khuyết tật đã có được nhiều chuyển biến tích. Việc ngày càng có nhiều các hội, đoàn thể, cá nhân tham gia công tác tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm đang giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh