CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Chung cư thế chấp ngân hàng: Chuyện thường hay đáng sợ?

 

Lộ danh sách 'giấu kín'
Cuối tháng 5/2016, 600 hộ dân đang sống tại dự án The Harmona, quận Tân Bình, TP.HCM đã phải cầu cứu cơ quan chức năng vì sắp mất nhà do chủ đầu tư bị ngân hàng siết nợ. Theo diễn biến vụ việc, toàn bộ dự án Harmona đã bị chủ đầu tư đem thế chấp cho ngân hàng từ 5 năm trước. Nhiều người đã đóng 95% giá trị căn hộ nhưng chưa thấy động thái làm sổ hồng của chủ đầu tư.
Tại Hà Nội, mới đây, một cư dân dự án Dolphin Plaza phát hiện ra chủ đầu tư đang thế chấp dự án tại một ngân hàng. Mặc dù thông tin thế chấp sau đó đã được làm rõ và khẳng định không ảnh hưởng đến cư dân, các căn hộ đã được cấp sổ đỏ. Tuy vậy, đây vẫn là một cú gây “sốc” trên thị trường địa ốc Hà Nội, bởi đây là một dự án chung cư cao cấp đã đi vào hoạt động từ lâu.
Để cảnh báo người mua nhà, cơ quan chức năng của TP.HCM vừa công bố 77 dự án đang được chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng. Trong đó, có nhiều chủ đầu tư đang rầm rộ mở bán trên thị trường.
Đơn cử như 152 căn hộ và 4 khu TTTM tầng trệt, tầng 1,2,3 tại Sunrise City (South) của CTCP Đầu tư Địa ốc Nova thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - chi nhánh TP.HCM từ ngày 25/3/2015

Cư dân bất ngờ về thông tin dự án bị thế chấp

Dự án Rivera Park Sài Gòn của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội từ ngày 28/4/2016. Căn hộ The Art của Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh Nhà Gia Hòa thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - chi nhánh TP.HCM từ ngày 10/11/2015.
Cơ quan chức năng còn công bố trường hợp người mua nhà tại dự án thế chấp căn hộ đã mua. Tại dự án Masteri Thảo Điền, có 10 trường hợp, gồm cả người trong nước và nước ngoài, đã thế chấp căn hộ tại Ngân hàng Thương mại Kỹ thương Việt Nam - Chi nhánh Sài Gòn từ năm 2015. 
Tại dự án chung cư cao cấp Homy Land 2 của công ty TM Giao thông Bảo Sơn, có 5 trường hợp là các công ty kinh doanh khác nhau đã cầm cố căn hộ tại nhiều ngân hàng. Một trường hợp khác là công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam đã cầm cố căn hộ ký hiệu T4 6A3 thuộc dự án The Krista tại ngân hàng Shinhan Việt Nam từ ngày 1/4/2014.


Thế chấp: Đáng sợ hay bình thường?
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng.
Do đặc điểm của thị trường bất động sản nước ta, các chủ đầu tư dự án phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động của khách hàng. Đối với nguồn vốn tín dụng, các chủ đầu tư thường vay vốn để phát triển dự án, xây dựng công trình, nhà ở, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai... và thường lấy dự án, công trình đó để thế chấp ngân hàng. 

Người mua nhà cần tìm hiểu kỹ dự án để đảm bảo quyền lợi của  mình

Tại dự án Dolphin Plaza, trả lời báo chí, đại diện Công ty CP TID, chủ đầu tư dự án xác nhận, đơn vị này có quyền thế chấp các tài sản thuộc sở hữu của mình mà không ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng. 
Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT Pvcombank, lý giải, việc dự án đang được thế chấp tại ngân hàng và vẫn làm thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng đã trả hết tiền không có gì mâu thuẫn cả. Trong trường hợp, khách hàng không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng cũng chỉ siết lại những phần chưa được thanh toán. Đối với những khách hàng đã có sổ đỏ thì không bị ảnh hưởng gì.
Mặc dù vậy, theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, cá biệt, cũng có chủ đầu tư sử dụng vốn huy động sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua, mất thanh khoản, gây ra nợ xấu làm thiệt hại cho khách hàng, khiến người tiêu dùng mất lòng tin.
Tại dự án The Harmona, cư dân  tố bị chủ đầu tư thế chấp nhà 2 lần. Hàng nghìn con người bên trong dự án này đã mua nhà nhiều năm, sống ổn định. Tuy vậy họ không hề hay biết biết chủ đầu tư đã một mặt bán nhà cho dân, mặt khác lại mang cả dự án đi cầm cố. Mặc dù Ngân hàng đã tạo điều kiện về thời gian để khách hàng thu xếp trả nợ nhưng hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán hết nợ cho ngân hàng như cam kết.  
Liên quan tới vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, những vụ việc xảy ra vừa qua có trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Ông kiến nghị cần nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này, bắt buộc nhà đầu tư có dự án đã thế chấp cho ngân hàng, khi muốn bán cho người sử dụng, phải thông báo rõ khi ký hợp đồng. 
Luật sư Nguyễn Thanh Hà thì khuyên, người mua cần tìm mọi cách để có đầy đủ thông tin, đặc biệt là về tình trạng pháp lý của dự án, cũng như mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư trước khi bỏ tiền ra mua. 
Trong hợp đồng mua bán, đảm bảo phải có quy định chủ đầu tư phải cam kết rằng, đối tượng mua bán không đang bị thế chấp cho bất kỳ nghĩa vụ nào của chủ đầu tư.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh