CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:34

Trường Sa 2 tháng sau hải chiến Gạc Ma

Gần hai tháng sau trận hải chiến ấy, đoàn công tác dưới sự dẫn đầu của Đại tướng Lê Đức Anh (khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và Đô đốc Giáp Văn Cương đã đến thăm, động viên và đánh giá tình hình tại quần đảo Trường Sa.

Trong chuyến đi ấy có nhà báo Nguyễn Viết Thái, khi đó là phóng viên phụ trách mảng nội chính, quân đội của báo Phú Khánh. Ông đã ghi lại những hình ảnh vô giá về cuộc sống của những chiến sĩ ở Trường Sa những ngày tháng ấy.
Báo điện tử PetroTimes xin gửi đến độc giả những hình ảnh Trường Sa hai tháng sau hải chiến Gạc Ma. Bản quyền hình ảnh thuộc về nhà báo Nguyễn Viết Thái. 

Sau trận hải chiến Gạc Ma, chúng ta đã có nhiều buổi lễ truy điệu 64 liệt sĩ hy sinh anh dũng trong trận chiến này. Trong ảnh là lễ truy điệu ở Cam Ranh, Khánh Hòa.

Ngày 4/5/1988, đoàn công tác khởi hành từ Cam Ranh (Khánh Hòa) trên 2 tàu 961 và 861. Trong đó, tàu 961 chở đoàn phóng viên, quay phim, văn công, nhạc sĩ và một số sĩ quan các binh chủng. Tàu 861 chở Đại tướng Lê Đức Anh (khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và Đô đốc Giáp Văn Cương (Tư lệnh Hải quân) cùng nhiều sĩ quan cao cấp của các binh chủng.

Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là đảo Đát Lát sau hành trình dài 250 hải lý. Các chiến sĩ đảo Đát Lát khi đó vẫn đóng quân trên nhà cao chân, làm bằng gỗ với các chân bằng gỗ, rộng chừng 30m2, lợp mái tôn, sàn ghép gỗ.

Đảo Trường Sa Lớn, khi ấy còn gọi là đảo Trường Sa. Đây là một trong những đảo chính mà quân đội Việt Nam đóng quân. Thời điểm năm 1988, trên đảo còn thiếu thốn rất nhiều, nhưng để xây dựng được đảo, Lữ đoàn Công binh 83 thuộc Quân chủng Hải quân (khi ấy là Trung đoàn 83) đã vận chuyển hàng ngàn tấn đất, đá; không quản ngại ngày đêm, hy sinh, gian khổ để xây dựng đảo.

 Sau hải chiến Gạc Ma, tình hình tại quần đảo Trường Sa vô cùng căng thẳng. Để tổ chức chiến đấu, phòng thủ, nhiều km công sự đã được đào. Trong ảnh là bộ đội đào công sự trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh chụp tháng 5/1988.

Ngoài các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây... thì có rất nhiều đảo chìm. Thời điểm năm 1988, bộ đội Việt Nam đóng quân ở các đảo chìm trên các nhà cao chân và nhà lâu bền. Trong ảnh là đảo Thuyền Chài, từ trái qua nhà cao chân (cách gọi của lính đảo), làm bằng gỗ với các chân bằng gỗ, rộng chừng 30m2, lợp mái tôn, sàn ghép gỗ. Tiếp theo là nhà lâu bền thế hệ đầu tiên, làm bằng đá chẻ. Cuối cùng là một chiếc xà lan (anh em lính đảo khi ấy thường gọi là pông-tông), được neo chặt xuống rặng san hô bằng 6 chiếc mỏ neo, mỗi cái nặng 1 tấn. Trên pông-tông có khoang chứa thực phầm, không gian sinh hoạt và nhiều dụng cụ khác.

 Các chiến sĩ công binh thuộc Lữ đoàn 83 công binh vác đá xây nhà đá chẻ trên đảo Tiên Nữ. Trung bình mỗi chiến sĩ vác 200 hòn đá mỗi ngày và tối về nằm nghỉ trên tàu. Tàu có tải trọng hoảng 40 tấn cả người và vật liệu xây dựng. Trên tàu chật chội, không có phòng riêng,từ thuyền trưởng đến lính đều phải tìm chỗ mắc võng ngủ.

 Thời điểm đó, các công trình trên đảo phần lớn được xây bằng đá chẻ vận chuyển từ đất liền ra. Việc xây dựng các công trình trên đảo phần lớn là do sức người, hỗ trợ của máy móc rất ít. Nhà báo Nguyễn Viết Thái đứng bên trái trong hình.

Đại tướng Lê Đức Anh và Đô đốc Giáp Văn Cương duyệt đội danh dự trên đảo Trường Sa Lớn.

Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu trên đảo Trường Sa Lớn ngày 7/5/1988 nhân kỉ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo Thuyền Chài. Khi nhận lệnh báo động, bộ đội sẽ di chuyển nhanh từ nhà cao chân sang phía nhà lâu bền qua các cầu được ghép bằng 2 thanh sắt. Theo nhà báo Nguyễn Viết Thái nhớ lại, các chiến sĩ di chuyển rất nhanh và thành thạo, nhưng nếu đi không quen, rất dễ bị rơi xuống biển.

Công việc hằng ngày của lính đảo là tập phòng thủ và lau chùi súng đạn dưới cái nắng gay gắt. Vì thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệp, nên việc lau chùi, bảo quản súng phải làm hàng ngày, nếu không sẽ không thể sử dụng được.

Tập trận bắn đạn thật trên đảo thuyền chài.

 Chào cờ trên đảo Thuyền Chài. Đứng đầu tiên là Đô đốc Giáp Văn Cương, thời điểm này, ông chỉ còn 1/3 dạ dày sau lần phẫu thuật năm 1980, không còn giữ được sức khỏe như trước. Gần 2 năm sau chuyến đi này, ông mất do bệnh hiểm nghèo.

Theo petrotimes.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh