CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:30

Trận chiến Gạc Ma, quá khứ không ngủ yên

9 người lính Trường Sa (mặc áo hải quân) bị Trung Quốc bắt giữ, trở về sau 3 năm giam giữ trái phép (chụp lại từ ảnh tư liệu).

 

Quá khứ đau thương với trận tàn sát đẫm máu 

Trước khi đặt bút viết bài này, tôi đã từng có chuyến đi đảo Gạc Ma - Vùng biển tận cùng Tổ quốc nhuộm máu đào của 64 liệt sĩ. Trong đoàn công tác hôm ấy có đại úy Nguyễn Văn Minh, người đã suốt cả cuộc đời gắn bó với các công trình xây đảo, có Gạc Ma là một điểm đảo mà ông cùng đồng đội đã sinh tử để đắp lên nền san hô nắm đất của Tổ quốc. Đại úy Minh bảo rằng, trận chiến Gạc Ma được ghi trong Lịch sử Hải quân Việt Nam. Nó là bằng chứng hùng hồn truyền tụng qua nhiều thế hệ người Việt.

  Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) thì lại có ý đồ chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm kiểm soát cả khu vực. Để thực hiện ý đồ này, Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9-12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một pôngtông lớn để hỗ trợ.

Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa.  

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân đã triển khai lực lượng bảo vệ giữ chủ quyền. Ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân khẩn trương, tàu đã đến đảo và cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam vào lúc 5 giờ ngày 14/3/1988. Trước đó, 9 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng được lệnh về Gạc Ma; tàu HQ505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ tiến về đảo Cô Lin. Phối hợp với hai tàu này có hai đội công binh 70 người và bốn tổ chiến đấu 22 người thuộc Lữ đoàn 146. Sau khi hai tàu thả neo được khoảng 30 phút, tàu hộ vệ, tàu chiến đấu của Trung Quốc áp sát liên tục đe dọa, uy hiếp.

Lúc 21 giờ ngày 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho các thuyền trưởng chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, đồng thời khẩn trương thả xuồng, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm. Tàu HQ 604 đã cho công binh chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma. Lúc này có bộ đội đã cắm cờ trên đảo và triển khai 4 tổ bảo vệ. Thấy vậy, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ có trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ, đe dọa bắt ta phải rời khỏi Gạc Ma. Trước căng thẳng ấy, ban chỉ huy tàu HQ 604 đã họp bàn, nhận định Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

Đảo Cô Lin- nơi đây 28 năm trước, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, giữ chủ quyền Tổ quốc.   

6 giờ sáng 14/3/1988, Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo, tiến về phía cờ ta và định giật lấy. Lập tức, thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, cùng đồng đội đã anh dũng   giành lại cờ. Binh lính của Trung Quốc đã dùng lưỡi lê đâm và bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông vào cứu đồng đội đã bị phía Trung Quốc bắn. Thiếu úy Phương đã anh dũng hy sinh.

 Máu người lính nhuộm mặn sóng biển Đông

Sau 28 năm kể từ trận chiến Gạc Ma, đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505, chưa bao giờ nguôi ngoai được nỗi đau. Từ Hải Phòng, giọng ông nghèn nghẹn trong điện thoại: “Khi 64 hài cốt của đồng đội đang nằm dưới đáy biển, thì những người như chúng tôi chưa thể thanh thản được. Máu của các liệt sĩ đã nhuộm mặn sóng biển Đông. Vùng biển, đảo ấy bây giờ là màu xanh, nhưng hòa lẫn trong ấy là máu đào liệt sĩ”.

Chuyện thuyền trưởng Lễ chỉ huy bộ đội chống trả lại hải quân Trung Quốc được lịch sử ghi lại: Sau khi tàu HQ 604 chìm, hai tàu chiến Trung Quốc liền quay súng sang tấn công tàu HQ 505. Đạn pháo đã làm toàn bộ mạn phải tàu bị cháy, thủng, phòng truyền thông tin, phía boong bốc cháy dữ dội, một số cán bộ chiến sĩ đã bị thương, song anh em vẫn quyết tâm chiến đấu. Lúc này, phía đảo Gạc Ma là cảnh tượng tan hoang ghê gớm. Nhiều mảnh vỡ, đồ đạc của tàu trôi dạt khắp nơi. Thuyền trưởng Lễ đã lệnh cho 5 cán bộ, chiến sĩ hạ xuồng cứu sinh (loại lớn) sang Gạc Ma tìm kiếm. Đến 12 giờ cùng ngày, xuồng quay về với 44 chiến sĩ Gạc Ma, trong đó có 5 người đã hy sinh, nhiều người bị thương.

Lúc này tàu HQ 605 cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn ở đảo Len Đao (cách Cô Lin 10 hải lý). Mặc dù tàu 605 cũng tìm cách lao lên đảo, nhưng do đảo không thoải như Cô Lin, nên tàu chỉ ghé được mũi lên đảo, khi nước rút, tàu bị tụt xuống biển rồi chìm vào lúc 6 giờ ngày 15/3/1988. Anh em trên tàu đã bơi được về đảo Sinh Tồn. Để giữ đảo Cô Lin, thuyền trưởng Lễ đã quyết định lùi tàu HQ 505 ra xa rồi dùng hết tốc độ lao lên đảo Cô Lin trong làn đạn Trung Quốc cày xới mặt biển. Đó là lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 14/3/1988. 

64 linh hồn bất tử

64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988, có một sĩ quan đeo quân hàm trung tá, 2 đại úy, 3 thượng úy, 2 trung úy, 2 thiếu úy, 1 chuẩn úy. Liệt sĩ là hạ sĩ quan chiến sĩ có 46 người (2 thượng sĩ, 9 trung sĩ, 11 hạ sĩ, 17 binh nhất, 7 binh nhì); 2 quân nhân chuyên nghiệp, 1 liệt sĩ giữ chức thuyền trưởng, 4 liệt sĩ giữ chức phó thuyền trưởng, 1 liệt sĩ giữ chức đại đội trưởng, 3 người giữ chức trung đội trưởng, 2 chiến sĩ giữ chức tiểu đội trưởng. Dù các anh mang quân hàm cao hay thấp, giữ chức vụ gì, thì sự hi sinh của các anh đã trở thành bất tử, sống mãi trong lòng các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong suốt 28 năm qua.

Lịch sử đã sang trang, sự kiện ngày 14/3 trên đảo Gạc Ma cũng lùi vào dĩ vãng, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hòa bình, hữu nghị; song trên vùng biển đảo Trường Sa chưa một giây phút bình yên. 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Trường Sa ngày ấy, luôn nhắc nhở người Việt một điều, phải luôn nêu cao cảnh giác. Máu xương hôm qua đổ xuống, là bài học để hôm nay chúng ta giữ biển đảo quê hương bằng sức mạnh dân tộc. 

TRẦN MẠNH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh