THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:13

Chưa thay đổi quy định hiện hành về giá vé máy bay

Dẫn lời Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải sáng nay, Báo Giao thông cho biết, quan điểm của Bộ là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay mà phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về điều hành bay. Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm.

“Công việc của quản lý nhà nước là kiểm tra kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mại có đúng không, cách thức triển khai đã đúng quy định của pháp luật chưa?”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Người dân đang được hưởng lợi từ việc duy trì mức giá tối thiểu 0 đồng như hiện nay

Dẫn chứng thành công trong vận tải hàng không trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định, quản lý nhà nước đã làm rất tốt công việc của mình. Hạ tầng chỉ có thế, nhu cầu người dân đi lại tăng cao. Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không đã đưa ra được nhiều giải pháp để vừa đáp ứng nhu cầu đi lại vừa đảm bảo an toàn, an ninh mà giữ được chất lượng dịch vụ thông qua việc giãn chuyến, tăng chuyến bay đêm, khống chế số chuyến bay giờ cao điểm… Như ở nước ngoài, người ta khuyến khích bay máy bay lớn vào giờ cao điểm, còn máy bay nhỏ, bay giá rẻ phải chấp nhận bay giờ không đẹp.

“Hàng không đang tăng trưởng nóng, thời gian tới, vai trò quản lý nhà nước về hàng không phải phát huy hơn nữa, trong đó có việc quy định về giá dịch vụ, cần thu đúng, thu đủ, từ đó mới có nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng…”, Bộ trưởng Bộ Giao thông đánh giá.

Trước đó, tại cuộc họp báo quý I do Bộ Giao thông vận tải tổ chức vào chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong các phương án được đưa ra nghiên cứu, có cả việc bỏ giá trần - có giá sàn vé máy bay; bỏ cả giá trần - giá sàn và giữ cả hai. Tuy nhiên, vị này khẳng định dù chọn phương án nào thì lợi ích của người dân cũng sẽ được đặt lên trước tiên, chứ không phải lợi ích của một hãng hàng không nào.

Lãnh đạo Bộ cam kết sẽ đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo cạnh tranh và hoạt động của các hãng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá... theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Các cơ quan quản lý nhà nước không bao giờ đặt lợi ích cho một doanh nghiệp hay một hãng hàng không nào, quan trọng nhất vẫn là phải cơ chế phù hợp đảm bảo cơ chế cạnh tranh, đáp ứng hoạt động của các hãng, cũng như nhu cầu của người dân”, ông Trường khẳng định.

Được biết, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21 tháng 11 năm 2014 (Khoản 2, Điều 116) quy định: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải”. Đây là vấn đề pháp lý được Quốc hội khoá XIII thảo luận kỹ và giao cho Bộ Giao thông vận tải công bố khung giá.

Cho đến thời điểm hiện tại, triển khai Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông do Bộ Tài chính quy định khung giá với mức giá tối thiểu bằng 0. Các hãng hàng không đều kê khai và áp dụng nhiều mức giá thấp hơn mức tối đa quy định, đồng thời đưa nhiều chương trình khuyến mại với mức giá vé thấp, có loại vé tặng cho khách hàng (0 đồng). Chính sách này đã và đang thu hút được nhiều khách hàng quen thuộc với hình ảnh các hãng hàng không thường xuyên có những chương trình khuyến mại, giá phù hợp, từ đó, sản lượng hành khách tăng mạnh trong những năm qua.

Việc quy định khung giá như trên nhằm mục đích Nhà nước thực hiện điều tiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời tạo điều kiện cho các hãng hàng không tổ chức kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không với nhiều dải giá linh hoạt phù hợp với thực tiễn biến động của thị trường cũng như các bộ phận khách hàng có nhu cầu và khả năng thanh toán khác nhau.

T.NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh