THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:26

Quảng Trị: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động vùng cao

Lớp đào tạo nghề làm chổi đót cho lao động nông thôn ở huyện Hướng Hóa

Lớp học nghề đan chổi đót được mở ngay tại địa bàn bản Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, với hơn 40 học viên là người dân tộc Vân Kiều tham gia. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, các giảng viên đã tận tình chỉ dẫn, học viên dễ dàng tiếp thu và thực hành khá nhanh chóng, thành thạo. Những lớp học nghề như thế này đang được huyện Hướng Hóa triển khai thường xuyên tại tất cả các thôn, bản trong toàn huyện, trở thành nơi đào tạo nghề cơ bản vô cùng hữu ích cho lao động nông thôn, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số. Anh Hồ Pau, bản Lệt phấn khởi cho biết: “Tôi rất thích học nghề đan chổi đót vì nghề này dễ làm và rất gần gũi với người Vân Kiều chúng tôi. Tôi sẽ cố gắng học thật tốt để có thể kiếm thêm thu nhập khi nông nhàn”. 

A Pau chia sẻ thêm, ngoài công việc làm nương rẫy, thời gian nhàn rỗi trước đây anh cùng nhiều người trong bản vào rừng hái mây, chổi đót, đào măng rừng… nhưng thu nhập khá bấp bênh. Nhiều lúc rảnh anh em thanh niên lại còn tụ tập uống rượu nên cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng khá nhiều. “Mình quyết tâm theo học được một cái nghề để sau này có thể kiếm thêm thu nhập phụ vợ nuôi con ăn học. Học xong nghề mình sẽ vào rừng hái đót, tự làm ra những chiếc chổi để bán kiếm tiền”, anh Pau nói thêm. Ngoài anh Pau, đã có hàng chục người dân tộc Vân Kiều trong xã Tân Thành và những xã lân cận được tiếp cận với những nghề dễ học như đan chổi đót, đan lát, làm men rượu… Từ những lớp học nghề như thế, nhiều người đã tạo được việc làm và thu nhập ổn định ngay tại bản, làng mình. 

Ông Trương Lự, nghệ nhân đứng lớp dạy làm chổi đót cho biết: “Học những nghề dễ dàng, phù hợp như đan chổi đót sẽ giúp người dân phát huy được khả năng của bản thân, đồng thời tự tìm kiếm được nguồn nguyên liệu để làm chổi. Phần lớn các học viên trải qua lớp học đều làm thành thạo, có thể tạo được thu nhập từ nghề”. Từ việc khảo sát về tiềm năng lợi thế cũng như nhu cầu đào tạo nghề của từng vùng miền, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách địa phương, năm 2018, huyện Hướng Hóa đã triển khai trên 20 lớp học nghề với gần 500 học viên tham gia. Các lớp đào tạo tập trung ở hai nhóm chính là nông nghiệp và phi nông nghiệp với các ngành nghề rất đa dạng như kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng: Cao su, cà phê, lạc, ngô, lúa nước; kỹ thuật chăn nuôi bò, dê, gà; nghề đan lát, may mặc, làm men rượu… Qua đó đã nâng cao đáng kể tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm ổn định và có trình độ tay nghề vững. 

Ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa, cho biết: “Nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có trình độ tay nghề và việc làm, thu nhập ổn định, thời gian qua đơn vị đã chú trọng triển khai các lớp học, thu hút đông đảo học viên tham gia. Trong số các đối tượng tham gia học, chúng tôi dành sự ưu tiên đối với những người thuộc gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số”. 

Những chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã kịp thời hỗ trợ cho các địa phương trên địa bàn huyện Hướng Hóa giải quyết được nhu cầu về việc làm cho lao động. Đồng thời khai thác tốt tiềm năng của từng vùng miền để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của toàn huyện ngày càng phát triển bền vững.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh