THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:35

Bình Thuận: Chú trọng đào tạo nghề cho người lao động

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh triển khai thực hiện một các đầy đủ, nghiêm túc, tích cực qua  việc  chỉ đạo, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT, điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề, thí điểm các mô hình dạy nghề cho LĐNT gắn với các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập... Nhiều cơ sở dạy nghề đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ, các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh, dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm cao.

Trong năm 2014, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các địa phương, ký hợp đồng với Sở và Phòng LĐ-TB&XH đào tạo cho 10.041 người, đạt 100,41% so với KH năm. 

Các ngành nghề được chọn để dạy và học được khảo sát kỹ theo nhu cầu của người học nghề, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng vùng. Trong đó, dạy nghề nông nghiệp là 4.439 người, chiếm tỷ lệ 44,21% trong tổng số LĐNT được học nghề.

Dạy nghề phi nông nghiệp 5.602 người, đạt 112,26% KH năm và chiếm tỷ lệ 55,79% trong tổng số LĐNT được học nghề, trong đó tập trung một số nghề như: May công nghiệp, Dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, Tiếng Anh chuyên ngành nghiệp vụ lễ tân, Lái xe ô tô hạng B2, Lắp ráp, sửa chữa máy vi tính, Thuyền trưởng hạng 5...

Một số địa phương, đơn vị thực hiện đạt kết quả cao so với kế hoạch là: Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Tánh Linh, Hàm Tân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận, vẫn còn một số địa phương, cơ sở dạy nghề tổ chức triển khai thực hiện công tác dạy nghề chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Nguyên nhân là do phần lớn trên địa bàn các huyện, thị xã chưa có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên một số nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp không thu hút được người lao động tham gia học nghề như nghề: Cắt gọt kim loại, Tiện, Điện cơ, điện dân dụng, Sửa chữa thiết bị lạnh, Sửa chữa ôtô, xe máy...

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn các huyện thì tự tuyển lao động phổ thông rồi đào tạo việc làm tại chỗ, còn ngại phối hợp với các Trung tâm dạy nghề để dạy nghề cho lao động.

Mặt khác, do người LĐNT, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách còn ỷ lại những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề nên công tác vận động, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.

Phần đông đều làm nông nghiệp nên khi vào mùa vụ, họ chủ yếu đi làm để kiếm sống nên thường xuyên vắng mặt trong những buổi học. Trình độ học vấn thấp và không đồng đều nên việc đào tạo phải sâu kỹ, cầm tay chỉ việc cho từng người đòi hỏi nhiều thời gian hơn các học viên khác.

Một phần LĐNT chỉ biết cái lợi ích trước mắt, không thấy được cái lợi ích lâu dài trong việc học nghề, tạo việc làm và có thu nhập ổn định lâu dài.

Để khắc phục những hạn chế đó, thực hiện đạt được chỉ tiêu năm 2015 tổ chức đào tạo nghề cho 10.000 người các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng và đào tạo nghề cho 7.000 người LĐNT, theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận, giải pháp chủ yếu là tích cực phổ biến, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức trên báo, đài, hệ thống truyền thanh của các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể; phát tờ rơi, tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền cho cán bộ cấp xã, thôn...

Tập trung dạy nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức, mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phát triển hình thức ký hợp đồng đào tạo nghề giữa cơ sở dạy nghề với UBND cấp xã, nhằm đảm bảo cho người học nghề sau khi học xong có việc làm ngay.

Xây dựng chương trình đào tạo các nghề mới theo nhu cầu của doanh nghiệp, phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo.

Thực hiện công tác quản lý, giám sát giáo viên giảng dạy, nhất là giáo viên thỉnh giảng khi lên lớp phải có giáo án, bài giảng và thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch giảng dạy.

Ngọc Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh