CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:07

Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh: Đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Chăm lo công tác truyền thông

Xác định vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề ở Hà Tĩnh không ngừng đổi mới trong công tác tuyển sinh, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo; tích cực trong công tác phối hợp, tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp địa phương  chú trọng đào tạo gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 phải sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn với sản phẩm chủ lực, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Học sinh PTTH được tư vấn học nghề

Để thực hiện công tác đào tạo nghề hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Đài PTTH, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án về việc làm - dạy nghề; tuyên truyền nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, góp phần làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân về học nghề, việc làm. Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề đổi mới công tác quản lý, tuyển sinh, chương trình giáo trình, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên;  rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đặc biệt là nhu cầu học nghề của người dân vùng tái định cư Khu kinh tế Vũng Áng.

Hướng dẫn các địa phương, các trường  học xây dựng kế hoạch phân luồng tổ chức cho học sinh  đăng ký học nghề.  Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, người lao động. Cụ thể đã đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho 133 giáo viên dạy nghề; đào tạo kỹ năng mềm cho 51 giáo viên, 300 cán bộ thuộc các sở ngành địa phương và 256 lao động; đào tạo tiếng Trung cho 200 lao động có nhu cầu làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Quy hoạch mạng lưới dạy nghề

Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề cương Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề; phối hợp Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề và các đơn vị nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch; phối hơp tham mưu sáp nhập Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN vào Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, giải thể Trung tâm Dạy nghề Tiểu thủ công nghiệp thuộc Liên minh HTX, Trung tâm Dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật miền Trung; đề nghị chuyển chức năng dạy nghề của Trung tâm Dạy nghề - Dịch vụ việc làm Thanh niên về Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng thuộc Tỉnh đoàn; đôn đốc UBND Thành phố chỉ đạo giải thể Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen; chỉ đạo sáp nhập Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê và huyện Thạch Hà.

Trường Cao đẳng công nghệ Hà Tĩnh thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng cho Khu kinh tế Vũng Áng

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình đào tạo, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề; xây dựng bổ sung 25 chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng; xây dựng kế hoạch đào tạo và đề xuất phương án đầu tư, điều chuyển thiết bị theo hướng phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; đã có 16 đơn vị thực hiện rà soát, đang tiếp tục chỉ đạo và tham mưu phương án điều chuyển thiết bị dạy nghề. 

Dẫu gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng năm 2014 Hà Tĩnh đã tuyển mới 15.620 học sinh học nghề. Trong đó, tuyển mới trình độ cao đẳng và trung cấp nghề 4.180 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 11.440 người. Có được kết quả đó là nhờ vào sự tập trung quyết liệt của tập thể lãnh đạo ngành, sự đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, và sự nỗ lực phấn đấu của từng cán bộ, nhân viên trong toàn ngành.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh