Chủ trại hòm thao túng nhà xác ở Sài Gòn
- Pháp luật
- 23:39 - 30/09/2016
Lợi dụng tâm lý người nhà hoảng loạn, đau buồn sau cái chết của người thân, nhiều người tại nhà xác, nhà tang lễ bệnh viện tìm đủ mọi chiêu trò bắt ép phải dùng các dịch vụ trọn gói từ thủ tục công an, pháp y, quan tài, khâm liệm và xe vận chuyển với giá cao gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường.
Sau một thời gian tìm hiểu, PV Báo Thanh Niên đã ghi lại những câu chuyện đau lòng của người nhà nạn nhân chung quanh thực trạng nhức nhối này.
Chết cũng không được yên !
Ngày 26/9, anh H. vì buồn chuyện gia đình nên đã nhảy từ trên cao xuống đất dẫn đến tử vong tại phường 13, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Sau khi các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, thi thể anh H. được chở về Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5).
Trong lúc tang gia bối rối, người thân anh H. ra chùa Vĩnh Nghiêm hợp đồng với một dịch vụ mai táng và đặt cọc 2 triệu đồng để đưa thi thể về đây lo hậu sự. Theo quy định khi nhận xác về, phải có mặt đại diện cơ quan công an để ký giấy xác nhận sự việc nên gia đình anh H. được một điều tra viên tên D., công tác tại Công an quận Bình Thạnh hẹn 7 giờ 30 ngày 27/9, tới nhà tang lễ hoàn tất thủ tục giao nhận thi thể.
Đúng hẹn, anh trai của anh H. có mặt và gọi điện cho D., nhưng được trả lời: “Vào bên trong nhà tang lễ, có người giải quyết”.
PV Thanh Niên đã theo chân anh N. - anh trai của nạn nhân, vào bên trong nhà tang lễ gặp người đàn ông dáng người mập, cao, tên Nam (gọi là Nam “trại hòm”, chủ trại hòm Công Thọ) đang ngồi đợi sẵn. Vừa gặp người nhà anh H., Nam “trại hòm” nói ngay: “Mấy anh phải thuê dịch vụ mai táng của tụi tôi, giá trọn gói khoảng 35 triệu đồng (trong khi giá bình thường chỉ khoảng 15 triệu đồng - PV)”.
Anh N. thất thần đáp: “Nói thật, bây giờ gia đình tôi đang rất bối rối, cả đêm qua tôi chưa ngủ. Cả gia đình, họ hàng tôi đang đợi ở nhà nên mấy anh làm ơn để gia đình đưa thi thể em tôi về sớm”.
Nghe vậy, Nam “trại hòm” tiếp lời: “Thì đó, một đời người có một lần nên anh phải chọn chỗ nào làm nhanh lẹ cho em mình. Tụi tôi là người của Sở Y tế, có chỉ huy quận họ chấp nhận, thỏa thuận hết rồi. Tôi bao cho gia đình anh từ A đến Z luôn”.
Tuy nhiên, vì gia đình anh N. đã đặt tiền cọc thuê dịch vụ bên ngoài nên từ chối dịch vụ mà Nam “trại hòm” đưa ra. Đến 9 giờ cùng ngày, anh N. gọi điện cho điều tra viên tên D., nhưng người này vẫn không đến như đã hẹn để làm thủ tục. 10 giờ, anh N. nóng ruột vì người nhà liên tục hối thúc nên vào bên trong nhà tang lễ nói với Nam “trại hòm”: “Giờ mấy ông không giải quyết thì 10 phút nữa người bên chùa Vĩnh Nghiêm đến chở em tôi qua trung tâm giám định pháp y làm thủ tục rồi chở về chùa”.
Nghe vậy Nam “trại hòm” lớn tiếng: “Cái gì, tôi chấp luôn! Đảm bảo không ai đưa thi thể đi được hết, phải có giấy của công an. Nếu làm chỗ tôi, thì 10 phút sau công an sẽ có mặt để giải quyết cho anh. Còn dịch vụ ngoài vô đây thì tôi nói thiệt, không đưa được thi thể ra ngoài đâu”.
Đến 10 giờ 30 vẫn không thấy công an đến giải quyết, anh N. chấp nhận ký hợp đồng dịch vụ mai táng của Nam “trại hòm” với giá 35 triệu đồng. Đúng như lời của Nam “trại hòm”, khoảng 10 phút sau khi hợp đồng được ký thì một cán bộ công an khác và một cán bộ giám định pháp y có mặt để làm thủ tục.
Mắt ngấn lệ, anh N. than thở: “Người chết rồi cũng không được yên! Tôi không thể ngờ đi nhận thi thể em trai mình mà cũng bị hành, o ép đến mức này”.
Nam đang ngồi thuyết phục gia đình nạn nhân phải ký hợp đồng dịch vụ mai táng của mình (ẢNH: TRÁC RIN)
Đường dây hoạt động khép kín
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Nam “trại hòm” hoạt động trong Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi nhiều năm nay. Hằng ngày Nam đi móc nối với các đầu mối tại các quận như Bình Thạnh, 5, 4, 7... khi có tai nạn, sự cố chết người thì đến chở thi thể về lưu giữ tại Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Khi người thân đến làm thủ tục nhận xác về nhà an táng thì bị ép phải ký hợp đồng dịch vụ trọn gói mai táng. Nếu người thân không ký hợp đồng thì sẽ kéo dài thời gian, gây khó khăn.
Hiện nay tại TP.Hồ Chí Minh có nhiều nhóm (chủ yếu là các chủ trại hòm) đứng ra kết nối để thiết lập đường dây khép kín, bắt chẹt người thân của nạn nhân xấu số. Trong số các đường dây này phải nói đến ông H., và G., tại nhà xác Bệnh viện An Bình (Q.5). Đây được xem là những đường dây hoạt động khép kín và có thế lực, rộng khắp trên địa bàn TP.
Ông T., một người hoạt động trong lĩnh vực mai táng, cho biết: Nếu có trường hợp tai nạn giao thông chết người trên địa bàn TP, sau khi CSGT đo vẽ hiện trường, cơ quan điều tra, Viện KSND có mặt để tiến hành các bước điều tra ban đầu. Sau đó, có người “tay trong” sẽ gọi điện cho H. điều xe tới chở thi thể về Nhà tang lễ Bệnh viện An Bình.
Tại đây, H. là người trực tiếp làm việc, ra giá với người nhà hoặc tổ chức liên quan đến tai nạn để lo thủ tục pháp lý và vận chuyển thi thể. Nếu người nhà, tổ chức đó không đồng ý mức giá thì sẽ bị “các bước thủ tục” rất khó khăn và kéo dài.
Nam lớn tiếng với người nhà nạn nhân
Bệnh viện không biết ?
Trả lời Thanh Niên, bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, khẳng định: Nhà tang lễ của bệnh viện không có chủ trương cho thuê để đưa thi thể tử vong từ bên ngoài vào. “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin vì trước giờ không nghe phản ánh về thực trạng này”, ông Tiến nói.
Theo một cán bộ Viện KSND TP.Hồ Chí Minh, thông thường thi thể trong các vụ tai nạn, tự tử sau khi khám nghiệm hiện trường sẽ được đưa về Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để tiến hành các bước giám định pháp y trước khi trao trả cho gia đình lo hậu sự. Những trường hợp tử vong bên ngoài thì các bệnh viện sẽ không bao giờ nhận. Việc thi thể nạn nhân trong các vụ tai nạn, tự tử đưa về các nhà tang lễ như Bệnh viện Nguyễn Trãi, An Bình... là đều "có vấn đề".
Liên quan đến điều tra viên tên D., ngày 29/9, Phó đội điều tra tổng hợp (Công an quận Bình Thạnh) xác nhận đã nhận thông tin phản ánh và đang cho xác minh làm rõ.
Trước đó, đầu tháng 5/2016, anh H. (ngụ quận Bình Thạnh) có người thân qua đời vì đột tử tại nhà riêng ở quận 3. Khi việc khám nghiệm hiện trường kết thúc thì thi thể cũng được đưa về Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi. Tại đây, sau khi xong các thủ tục pháp lý, người nhà xin xe từ thiện vào vận chuyển thi thể về Quảng Ngãi lo hậu sự thì bị gây khó dễ và ra giá 50 triệu đồng để làm dịch vụ trọn gói. Khi người nhà từ chối thì người trong nhà tang lễ lộ nguyên bản chất giang hồ để đe dọa mọi kiểu, ép gia đình anh H. phải thuê dịch vụ.
Sau khi người nhà làm lớn chuyện, gọi điện cầu cứu khắp nơi thì những người này mới để gia đình anh H. lấy thi thể đem về quê. Anh H. bức xúc: “Nhà tôi nghèo lấy đâu ra 50 triệu thuê dịch vụ nên đi xin xe từ thiện bên ngoài. Tôi quỳ lạy, van xin mấy người đó mà họ nhất quyết không chịu”.
|
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
5 tháng trước
Tin nên đọc