Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đối thoại với nông dân
- Huyệt vị
- 12:13 - 08/12/2023
Buổi đối thoại có 200 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 60.400 hội viên nông dân của Đắk Nông, với chủ đề “Phát huy lợi thế, chủ động liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao giá trị nông sản Đắk Nông”.
Các đại biểu tập trung ý kiến về chính sách phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp sinh thái, mã vùng trồng, tiêu thụ nông sản bền vững nói riêng. Các vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, thông tin thị trường nông sản, khoa học công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số, kỹ năng nghề, môi trường, quản lý đất đai, tín dụng… được nông dân mạnh dạn nêu những khó khăn, vướng mắc.
Ông Phan Văn Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Nam Đà, xã Nam Đà huyện Krông Nô gửi đến hội nghị câu hỏi: Nhà nước đã có các chính sách như thế nào để hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời vấn đề này, để khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ về chính sách có liên quan hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang Dự thảo Nghị định Quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Để hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong đó, nghị quyết hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại các vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Chị Hoàng Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk D'rông huyện Cư Jút nêu vấn đề, hiện nay, việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích khá lớn để xây dựng nhà xưởng, kho bãi, chế biến nhưng rất khó khăn. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có giải pháp giúp cho các HTX có đất để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Sở TN-MT trả lời: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng rất hạn chế mà chủ yếu là đất đã giao cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Do đó, để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, đề nghị các HTX chủ động liên hệ với UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa để lựa chọn các quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai theo quy định trước khi triển khai thực hiện.
Đối với việc ưu đãi về đất đai cho các HTX, hiện nay trên địa bàn, tỉnh chưa có chính sách riêng. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030 đang được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng do các HTX đề xuất phù hợp với quy hoạch tỉnh thì đề nghị UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa lập thủ tục điều chỉnh, cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo điều kiện cho các HTX triển khai thực hiện.
Buổi đối thoại đã có 17 câu hỏi và trả lời. Các ý kiến tại hội nghị góp phần xây dựng các cơ chế, chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện tầm nhìn, chiến lược phát triển nông nghiệp của Đắk Nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười kết luận: “Nông nghiệp, nông thôn là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền của Đắk Nông luôn đồng hành, sát cánh cùng nông dân. Thông qua hội nghị này, tôi mong muốn những nông dân tiêu biểu, đại diện các HTX, doanh nghiệp về địa phương lan tỏa tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động để đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển xanh, nâng cao giá trị sản phẩm”.