Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Hội cựu giáo chức Việt Nam
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:31 - 16/11/2022
Tại buổi gặp gỡ, GS.TSKH.Nhà giáo nhân dân Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam thay mặt Hội Giáo chức báo cáo với Chủ tịch nước về hoạt động của Hội từ khi thành lập.
Trong đó, bao gồm công tác phát triển Hội, công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho hội viên, vận động nhà giáo về hưu đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, tham gia các hoạt động xã hội…
Được thành lập năm 2002, Hội Cựu giáo chức Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người trước đây đã là nhà giáo, cán bộ, công nhân, nhân viên trong các trường học, các cơ sở và cơ quan giáo dục, đào tạo. Hội được thành lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phát huy năng lực trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, tiếp tục góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo.
Kể từ khi thành lập đến nay, với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, với số lượng đông và có uy tín xã hội ở các cộng đồng dân cư, với những hoạt động đa dạng và phù hợp, vai trò của Hội Cựu giáo chức ngày càng được thừa nhận ở mức cao hơn, được cấp uỷ và chính quyền địa phương hoan nghênh và coi như một chỗ dựa tin cậy trong quản lý xã hội, hoạt động xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Nhiều cựu giáo chức tham gia công tác Đảng, nhiều đồng chí là cấp uỷ viên, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ Đảng, Trưởng ban công tác mặt trận…. Hội Cựu giáo chức là lực lượng chủ yếu và nòng cốt của Hội khuyến học. Hầu hết các cán bộ chủ chốt các Hội khuyến học là cựu giáo chức.
Tại cuộc gặp mặt, nhiều ý kiến tâm huyết và đề xuất, kiến nghị về chế độ, chính sách đã được Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam và một số hội viên chia sẻ với Chủ tịch nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn, tri ân các cựu giá chức vì những đóng góp lâu dài, có hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà. Chủ tịch nước cũng mong muốn các cựu nhà giáo tiếp tục truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau, góp phần vào sự phát triển của ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung.
Đánh giá cao hoạt động của Hội Cựu Giáo chức Việt Nam thời gian qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh tới việc thực hiện 4 cùng rất có ý nghĩa của Hội Cựu giáo chức với ngành Giáo dục, đó là: Cùng tham gia đánh giá phát hiện tình hình; cùng tham gia góp ý, xây dựng chương trình hoạt động của ngành; cùng tham gia triển khai một số công việc có chọn lọc; cùng phối hợp chăm sóc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu...
Một số chính sách đã được ban hành trên cơ sở kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt Nam được Chủ tịch nước cho biết, như: Khôi phục phụ cấp thâm niên; trợ cấp một lần cho nhà giáo về hưu sau năm 1994 và trước tháng 5/2019 chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, từ đó, Nhà nước đã trợ cấp cho gần 200.000 nhà giáo về hưu với số tiền hơn 2.200 tỷ đồng…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, các nhà giáo càng thêm yêu nghề dạy học, tiếp tục giữ vững phẩm chất và năng lực để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà ngày càng phát triển tốt đẹp, đưa đất nước đến đài vinh quang.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hoạt động của Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, để Hội tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và nhiệt huyết của các thành viên đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà. Đối với những đề xuất, kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt nam, Chủ tịch nước giao cho Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu để có đề xuất chính sách cụ thể.