THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:59

Chủ tịch nước: APEC sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác và phát triển

Đánh giá cao những thành tựu và sự phát triển toàn diện của APEC, Chủ tịch nước khẳng định: Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực với sự tham gia của các nhà lãnh đạo APEC, các tổ chức quốc tế và hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu. "Sự tham gia đông đảo và tích cực của các bạn ngày hôm nay thể hiện trách nhiệm và tâm huyết của Quý vị cùng chung tay xây dựng châu Á-Thái Bình Dương ngày càng thịnh vượng hơn. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và chương trình nghị sự phong phú, thiết thực, tôi tin tưởng Hội nghị sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác và phát triển", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh với các nhà tài trợ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh. Ảnh: Giang Sơn

 

APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo. Ngày nay, APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai. Các thành tựu đó của APEC có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhờ những đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động, là trung tâm đầu tư, khoa học-công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp APEC còn đóng vai trò tiên phong trong phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các hình thức hợp tác kinh doanh, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại của cải, vật chất dồi dào hơn, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.

Các Đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh. Ảnh: Giang Sơn.

 

Trong bối cảnh chung của tình hình thế giới và khu vực, Chủ tịch nước nhận định: Chúng ta đang sống trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng với những chuyển biến mang tính bước ngoặt. Hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo, song chúng ta cũng đứng trước những khó khăn, thách thức gay gắt. Gần 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, sự phục hồi kinh tế đến nay vững chắc hơn, song vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong trung hạn và dài hạn. Trong tiến trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi ích của tăng trưởng và phát triển công nghệ chưa lan tỏa đồng đều. Khu vực của chúng ta vẫn còn hàng trăm triệu người sống trong đói nghèo, chịu những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, thiên tai.

Trong bức tranh tổng quan đó, với nguồn lực và tiềm năng to lớn về kinh tế, văn hóa, lịch sử, tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên con người, khu vực chúng ta đang đứng trước triển vọng tươi sáng. Đây cũng là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050. Với quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nền kinh tế thành viên, APEC có thể vươn cao hơn và đi xa hơn nữa, đem lại sự phồn vinh lớn hơn cho người dân trong khu vực, khẳng định thế kỷ 21 là “Thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương” như dự báo.

Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, Chủ tịch nước mong muốn: "Cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách sau đây:

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác công-tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.  

Thứ ba, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, Quý vị cũng như hàng triệu doanh nghiệp khác ở khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai".

Cũng trong ngày 8/11, Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 đã khai mạc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công thương trần Tuấn Anh.

 Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế.

 

Phát biểu mở đầu, Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm bình Minh, Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 nhấn mạnh, từ sau Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC tại Liman năm ngoái, APEC đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Phục hồi kinh tế ngày càng vững chắc nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn mức trung bình trước khủng hoảng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra kỳ vọng mới về tăng năng suất lao động, đi cùng với đó là lo ngại về tác động chuyển đổi. Xu thế hợp tác và liên kết quốc tế tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, căng thẳng khu vực, chủ nghĩa khủng bố, bất bình đẳng, thảm họa thiên tai và an ninh mạng đang đặt ra những thách thức gay gắt hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung vào ba mục tiêu: Thứ nhất, rà soát kết quả tiến trình hợp tác APEC trong năm nay; Thứ hai, hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra trong hai ngày tới; Thứ ba, quyết định hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chào hỏi các Đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Giang Sơn

 

Phát biểu về các vấn đề hợp tác và liên kết kinh tế và thương mại, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 1994, các nhà Lãnh đạo Kinh Tế APEC đã đề ra tầm nhìn về một khu vực ổn định và thịnh vượng thông qua thúc đẩy các mục tiêu  Bô-go về thương mại và đầu tư tự do và mở. Triển khai chỉ đạo của các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC, trong hơn hai thập kỷ qua APEC đã đạt được những thành tựu đáng kể và diễn đàn đã khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ Hội Nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 tại Hà Nội, tháng 5/2017, APEC đã có những tiến triển đáng kể và cụ thể trong việc đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ trưởng cùng trao đổi để đề ra các biện pháp đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, truyển tải thông điệp và quyết tâm của APEC theo đuổi thương mại và đầu tư tự do và mở.

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh