Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú và những trăn trở với nền điện ảnh thời công nghệ 4.0
- Văn hóa - Giải trí
- 12:47 - 05/05/2023
Sinh năm 1957 và lớn lên tại Hà Nội, Hùng Tú đã sớm thể hiện năng khiếu nghệ thuật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông - đặc biệt là môn vẽ và văn học. Trong một gia đình có truyền thống làm ngành y từ ông nội, cô, bác và cả bố và mẹ… nhưng ba chị em ruột của ông lại được theo đuổi con đường nghệ thuật.
Năm 1971, Đỗ Lệnh Hùng Tú chính thức thi đỗ và vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, năm 1976 ông về làm việc tại Phân xưởng thiết kế mỹ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam.
Thời ấy khi hoạt động sản xuất điện ảnh còn bao cấp, với lòng say mê nghề nghiệp, cùng tâm huyết của tuổi trẻ, Hùng Tú cùng các đồng nghiệp trong hãng phim đã vượt qua khó khăn hoàn thành công việc trang trí bối cảnh cho nhiều bộ phim như: Thanh gươm cô Đô đốc, Phía Bắc Thủ đô, Bình minh xôn xao, Chom và Sa, Chị Nhàn, Cô gái và anh lái xe, Bức tường không xây…và tham gia dàn dựng, trang trí bối cảnh sân khấu cho các vở kịch nói do Đoàn kịch điện ảnh dàn dựng như Trung phong chết trước lúc rạng đông, Cách mạng…
Ngay từ những ngày đó, Hùng Tú đã có các tác phẩm hội họa tham gia nhiều Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội các năm 1977, 1978,1979. Từ năm 1979 đến năm 1985, Đỗ Lệnh Hùng Tú trúng tuyển theo học chuyên ngành Họa sĩ thiết kế mỹ thuật Điện ảnh - Truyền hình tại Trường Đại học Quốc gia điện ảnh toàn Liêng bang Xô Viết.
Tốt nghiệp về nước ông trở thành giảng viên trường Điện ảnh Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, rồi tốt nghiệp cao học Mỹ thuật năm 2008 với đề tài Vai trò người họa sĩ trong thiết kế hình ảnh phim truyện; được chuyển tiếp chương trình Nghiên cứu sinh và được cấp bằng Tiến sĩ Nghệ thuật học chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật vào năm 2015 cho đề tài Phương thức biểu đạt nghệ thuật tạo hình trong tác phẩm điện ảnh. Với những cố gắng không mệt mỏi trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận, thực hành và giảng dạy, ông đã được phong hàm Phó Giáo sư vào năm 2019.
Đã dấn thân với nhiều vai trò khác nhau, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú không chỉ viết sách, vẽ tranh nghệ thuật và tham gia thiết kế mỹ thuật phim truyện với vai trò họa sĩ chính cho các bộ phim như Hải đường trắng, Trái tim không ngủ yên, Giận hờn, Cô người mẫu của tôi, Lời tạ từ trong mưa, Nụ hôn đầu đời, rặng Trâm Bầu, Kiều @”…, mà còn là tác giả kịch bản của khá nhiều kịch bản phim như Trái tim không ngủ yên, Những ngôi sao biển, Mặt trận không tiếng súng… ; nhiều phim truyện truyền hình và truyền hình nhiều tập như Tình yêu mong manh.
Bộ phim truyền hình Đảo ngọt 90 phút của ông đã được giải thưởng trong Liên hoan phim truyền hình năm 2013. Ngoài ra, ông còn là tác giả kịch bản các phim hoạt hình như Ai là đồ ngốc, Ngọn gió bất trị…; là biên kịch và đạo diễn các bộ phim tài liệu như: Tấm lòng nhân ái (3 tập - về những hoàn cảnh, số phận bất hạnh và những tấm lòng vàng từ những nhà hảo tâm đồng hành cùng Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh; Ký ức hào hùng (về các chiến sĩ chiếu bóng điện ảnh Y 4); Rừng thiêng Kiến An (về vùng Tam Giác sắt bình Dương), Cảo thơm lần giở trước đèn (về NSND, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy)…
Tiếp sau sự thành công của 2 cuốn sách chuyên khảo Tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện (Nxb Văn hóa thông tin) đoạt giải Cánh Diều Bạc năm 2009 và Nghệ thuật tạo hình trong sáng tác Điện ảnh (Nxb Mỹ thuật) đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2015 mà ông là tác giả, sau nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và với bề dày kinh nghiệm viết kịch bản phim, PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đã hoàn thành cuốn sách Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình (Nxb Hội nhà văn năm 2022).
Ông tâm sự: “Công trình nghiên cứu là tập hợp những ghi chép về trải nghiệm của tác giả sau quãng thời gian dài gắn bó với lĩnh vực điện ảnh. Tôi cũng không rõ nhờ cơ duyên hay sự say mê thôi thúc nào gắn bó đã khiến tôi khó dứt ra được nghiệp truyền nghề trong lĩnh vực này”.
Cuốn sách ra đời đã nhận được những tình cảm đặc biệt của đông đảo bạn đọc - nhất là những ai quan tâm đến phim ảnh nói chung, nghệ thuật viết kịch bản nói riêng. “Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình” thực sự là cuốn cẩm nang, rất có ích đối với những người quan tâm, yêu thích; có ích cho công tác đào tạo và cho cả những người được đào tạo hoặc độc giả tự đào tạo theo nghề viết kịch bản phim truyện truyền hình. Nhiều chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực viết kịch bản phim có chung nhận định.
Tác giả đã chứng minh khá thuyết phục về đặc trưng bản chất nhất của ngôn ngữ điện ảnh và truyền hình. Cuốn sách chuyên khảo này hấp dẫn người đọc bởi tác giả của nó vốn xuất thân là một họa sĩ điện ảnh nên ông đã đưa vào công trình nghiên cứu nghệ thuật của mình một hệ thống minh họa bằng tranh ảnh khá phong phú và ấn tượng.
Các tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh đã góp phần tôn vinh thêm nội dung các phần kiến văn, dẫn giải, minh chứng bằng các ví dụ sinh động, tạo ra nhiều lực hấp thu sự hiếu kỳ của độc giả.
Được ấp ủ và thực hiện trong 6 năm, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của tác giả ở nhiều lĩnh vực mỹ thuật, truyền hình, điện ảnh cùng nhiều nguồn khác đã giúp cho những ai yêu thích các lĩnh vực nói trên có được những tri thức, những kiến văn tin cậy, những thủ pháp nghề nghiệp khai phóng, kiến tạo năng động, tránh được các lối đi đường vòng.
Trong lĩnh vực giảng dạy, Đỗ Lệnh Hùng Tú là người thày của rất nhiều thế hệ học trò. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Điện ảnh - Truyền hình; là Trưởng văn phòng Đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin báo điện tử Tổ Quốc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và hiện vẫn là Trưởng khoa Design của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU).
Trước khi nhận trọng trách là Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Đỗ Lệnh Hùng Tú đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Là người đã nhiều năm gắn bó với sự thăng trầm của điện ảnh nước nhà, ông hằng mong muốn hoạt động điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cả nước nói chung ngày càng khởi sắc hơn.
Phim Việt Nam không chỉ là món ăn tinh thần của người yêu phim trong nước mà cần vươn ra thế giới. Ông chia sẻ, hiện nay, điện ảnh Việt Nam đang rất cần bổ trợ đội ngũ làm phim trẻ sung sức, đầy sáng tạo. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao càng cần thiết. Chúng ta có hai trung tâm đào tạo lớn là trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, ngoài ra có một số trường có khoa nghệ thuật điện ảnh truyền hình. Nhưng, thực tế nguồn nhân lực vẫn rất thiếu.
Cá nhân có học hàm học vị càng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu đào tạo chuyên nghiệp. Những người được đào tạo bài bản từ các trường học đang còn rất thiếu so với đòi hỏi thực tế. Nhân lực tay nghề cao cũng thiếu trầm trọng. Nhiều lĩnh vực chuyên môn trong nhiều đoàn làm phim… phần lớn là truyền nghề, tự học nghề.
Hội Điện ảnh Việt Nam từng kết nối đón mời chuyên gia nước ngoài sang gặp gỡ, trao đổi chuyên đề với các nghệ sĩ trong nước, nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chương trình ngắn hạn, chưa đủ chuyên nghiệp và kéo dài để có thể tạo ra nền tảng kiến thức cơ bản, dài hạn.
Một trong nhiều những khởi sắc đổi mới rất đáng ghi nhận, cùng với sự đồng tâm ủng hộ của Ban thường vụ các thành viên Ban Chấp hành, Hội Điện ảnh Việt Nam và tâm sức cố gắng của người đứng đầu, Lễ trao Giải thưởng Cánh diều Vàng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ 19 đã được tổ chức thành công tại Nha Trang (Khánh Hòa) tạo đà cho các lần trao Giải thưởng trong những năm tiếp theo cũng sẽ được tổ chức tại đây.
Là họa sĩ, nhà giáo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, giờ đây thêm cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhưng ông luôn khiêm tốn, chân thành, thân thiện, cởi mở và rất gần gũi với mọi người - nhất là các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Ông sẵn sàng giúp đỡ, động viên những hoàn cảnh khó khăn. Cũng bởi thế ông đã và đang nhận được những tình cảm quý trọng từ bạn bè, đồng nghiệp, học trò và những ai từng quen biết.