THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:14

Nghệ sĩ... "yếu đuối" lắm, ai cũng bị bệnh, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Mua hàng, người tiêu dùng như “thượng đế”, sau mua thành… “nô lệ”

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Góp ý về dự án Luật, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Đình), hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán.

Đại biểu đoàn Bình Định cho biết với người bán hàng giả khi bị phát hiện hiện đã có luật để xử lý. Tuy nhiên còn với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không? Theo nữ đại biểu, dự Luật lần này chưa nêu trường hợp nói trên.

"Thực tế có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua", bà Hạnh nhấn mạnh

Đại biểu đoàn Bình Định cho rằng nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.

Nêu ý kiến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) nói, trong quan hệ mua bán thì người tiêu dùng (NTD) được xem như thượng đế, nhưng sau khi mua hàng lại thành “nô lệ”.

Theo đại biểu Quốc hội, cần bổ sung hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Nhà nước xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép đến kiểm tra, giám sát, xử lý để bảo vệ NTD. Vì vậy, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục được những vấn đề bất cập mà quy định trong luật hiện hành chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thảo luận tại tổ TP.HCM

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thảo luận tại tổ TP.HCM

"Đơn cử như trường hợp NTD mua phải hàng lỗi hay có vấn đề về chất lượng, nhưng lại ngại hoặc không khiếu nại. Nếu điều này cứ tiếp diễn sẽ gây hại cho xã hội một cách nghiêm trọng”, ông Sơn nói và lý giải, có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi NTD quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi. Dẫn tới NTD có tâm lý công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Thêm nữa, chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên NTD cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại.

“Chính nhận thức, cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa tốt, nên chỉ làm hại cho NTD. Như trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi NTD, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi của NTD, nên cần phải chấn chỉnh. Và cũng cần lưu ý thêm là các quy định của dự thảo luật cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi NTD trong môi trường số, kinh tế số”, đại biểu Sơn nói.

Quy định chung chung, khó có thể bảo vệ quyền lợi NTD

Từ kinh nghiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. HCM) nói, vấn đề hóc búa nhất liên quan đến bán hàng online. “Kiểm soát các cửa hàng “ảo” trên mạng vô cùng khó khăn, nhất là với thực phẩm”, đại biểu Lan nói, dự thảo luật này chưa đưa ra những giải pháp và chế tài đủ mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên họp

Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Kim Yến (TP. HCM) nhắc lại vụ việc vi phạm của nhãn hàng pate Minh Chay. Theo bà, VSATTP vẫn là vấn đề rất bức xúc. “Cần quy định dùng mọi giải pháp để thu hồi nhanh nhất những sản phẩm bị lỗi, có tác động rất lớn đến sức khoẻ cộng đồng. Đừng để xảy ra tình trạng đi thẳng từ bàn ăn đến bệnh viện”, bà Yên nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. HCM) lưu ý, dự thảo luật không đề cập đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại với những NTD yếu thế. Từ đó, bà Lệ đề nghị dự thảo bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để NTD yếu thế thực sự được bảo vệ tốt hơn.

Nhấn mạnh có những loại hàng hóa khó đánh giá chất lượng như thuốc, hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất cần phải có chuyên môn và máy móc hiện đại mới phát hiện được, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) thấy, quy định đang đẩy trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD sang chính NTD.

Đơn cử như thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án về bảo vệ quyền lợi NTD, dự luật đưa ra hướng xử lý trên cơ sở thực hiện theo Bộ Luật Tố tụng dân sự. Nhưng theo quy định của bộ luật này, đương sự (là NTD) phải có chứng cứ đầy đủ để chứng minh.

“Quy định pháp luật phải lường trước và giải quyết khó khăn vướng mắc để làm thế nào bảo vệ tốt nhất NTD. Quy định còn chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó áp dụng và thống nhất, như thời gian hợp lý, hình thức phù hợp… nên tôi băn khoăn dự thảo luật này sẽ chưa thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi NTD”, đại biểu Hà nêu ý kiến.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh