THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:05

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngày Quốc tế Lao động

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương lao động của giai cấp vô sản quốc tế. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Tham gia kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động

Điểm qua lịch sử ngày Ngày Quốc tế Lao động: Năm 1884, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ họp tại thành phố Chicago đã thông qua Nghị quyết nêu rõ: “Từ ngày 1-5-1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Ngày 1-5-1886, do yêu cầu không được đáp ứng, giai cấp công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên đường phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Hơn một năm sau ngày đấu tranh 1-5-1886, sáng 11-11-1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh ở thành phố Chicago bị chính quyền Mỹ treo cổ. Tuy phong trào bị trấn áp, nhưng chính quyền buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ (chỉ giới hạn dành cho 1-2 vạn công nhân). Vậy là dù có mất mát hy sinh nhưng nhân dân lao động Mỹ đã bước đầu chiến thắng giới tư bản độc quyền. Ngày 14-7-1889, ba năm sau cuộc đấu tranh tại thành phố Chicago, Quốc tế II được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Phriđrich Ăngghen (1820-1895), Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế II đã quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1-5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động. Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô thế giới.

Tại Pháp cũng đã tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Nguyễn Ái Quốc đã hòa vào nhân dân lao động để kỷ niệm mặc dù tại Pháp mật thám và bộ máy cầm quyền rất e ngại điều này. Do đó, Ngày Quốc tế Lao động (1-5) năm 1920, báo cáo của mật thám ghi nhận Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động cùng Nhóm đảng viên Xã hội Pháp.

Ngày Quốc tế Lao động (1-5) năm 1924, theo lời mời của Thành uỷ Moscow và Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia và phát biểu trong cuộc mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 tại Hồng trường. Trước đó, vào năm 1920, dưới sự phê chuẩn của V.I.Lênin, Liên Xô là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động (1-5). Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới thực hiện. Liên Xô cũng đã quy định số giờ làm việc là 8 tiếng mỗi ngày cũng như nhiều phúc lợi xã hội khác cho nhân dân lao động.

Phong trào đấu tranh ngày 1-5-1930 do Đảng lãnh đạo đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Tranh minh họa từ internet.

Ngày Quốc tế Lao động (1-5) năm 1925, cùng với những nhà cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông tiến tới thành lập Hội Nông dân. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Trung Quốc trên cương vị đại diện cho Quốc tế Cộng sản và đã tham gia thành lập “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức” vào năm 1925 tại Trung Quốc.

Đóng góp quý báu cho nhân dân lao động

Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến đời sống nhân dân lao động ở thuộc địa, đặc biệt là ở Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Đại hội thành lập Đảng (3-2-1930) tổ chức họp ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã nêu rõ: “Nhiệm vụ của cuộc cách mạng ấy, về phương diện xã hội thì làm sao cho dân chúng được tự do, nam nữ bình quyền và phổ thông giáo dục theo công nông hóa; về phương diện chính trị: đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tổ chức ra chính phủ công nông binh và quân đội công nông; về phương diện kinh tế thì phải thủ tiêu hết các thứ quốc trái, thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc Pháp giao cho Chính phủ công nông binh quản lý, thu hết ruộng đất chia cho dân nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày mở mang công nghiệp và nông nghiệp, thi hành luật ngày làm tám giờ”.

Nhân sự kiện lịch sử thành lập Đảng, vào ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam viết Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột. Người kêu gọi: “Đảng Cộng sản An Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng” để: Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng; Làm cho nước An Nam được độc lập; Thành lập Chính phủ công nông binh; Tịch thu tất cả các nhà băng và cơ sở sản xuất của đế quốc trao cho Chính phủ công nông binh; Quốc hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng An Nam chia cho nông dân nghèo; Thực hiện ngày làm 8 giờ; Hủy bỏ mọi thứ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân nghèo; Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân; Thực hiện giáo dục toàn dân; Thực hiện nam nữ bình quyền”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giai cấp công nhân và người lao động. Ảnh tư liệu lịch sử.

Vừa mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc biểu tình Ngày Quốc tế Lao động (1-5) năm 1930 của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân thuộc 5 xã ven thành phố Vinh (Nghệ An) tạo nên cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Từ đó, đến ngày 1-5, hay trước sau ngày đó, những truyền đơn cờ đỏ vẽ hình búa liềm hiện ra ở các xí nghiệp, đồn điền, đường phố… cùng với những sách báo bí mật nói chuyện lịch sử ngày Ngày Quốc tế Lao động (1-5). Đặc biệt tại những nhà tù thực dân giam cầm các nhà cách mạng, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5) vẫn được biểu hiện một cách tài tình trước mắt quân thù, hòa hợp với những cuộc đấu tranh rầm rộ ngoài đường phố.

Đặc biệt, đến ngày 1-5-1938, trong phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp đang sôi nổi, công nhân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã công nhiên kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5) với cuộc mít tinh của hai vạn rưỡi người tại trường Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... và năm nghìn người tại rạp hát Thành Xương (Sài Gòn).

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Ngày Quốc tế Lao động (1-5) năm 1946 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi. Bài kêu gọi hướng về đồng bào toàn quốc, đặc biệt là nhân dân lao động: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18-2-1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1-5 là một trong những ngày Lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, Ngày Quốc tế Lao động (1-5) được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.

Nguyễn Văn Toàn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh