THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:36

Ngày Xuân kể chuyện tài ngoại giao của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu Liên Xô và nước ngoài dự Đại hội 22 Đảng Cộng sản Liên Xô. Ảnh: TTXVN


Nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam đã viết: “...Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.

1. Cứ mỗi lần chiêu đãi khách, khi tan tiệc Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói theo phong tục người Việt, ăn cỗ phải mang phần về cho người ở nhà nên ai cũng được nhận quà của Người. Ngày 1/1/1960, các đoàn ngoại giao và khách quốc tế tại Hà Nội đến Phủ Chủ tịch chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối bữa tiệc, Người cầm một quả táo to và túi kẹo đi đến chỗ ông đại sứ Ấn Độ và hỏi: “Ngài đại sứ có đưa phu nhân sang đây không?”.

Vị tướng ngoại giao cảm động, lúng túng trả lời chỉ đưa theo cháu trai 9 tuổi. Người nói: “Thế thì tôi gửi ông mang về cho cháu quả táo này và gửi cháu những cái hôn” rồi Người nói với quan khách: “Tết ở nhà các vị chẳng thiếu thứ gì. Nhưng xin các vị hãy cầm lấy chút hoa quả trên bàn và mang về gọi là quà của Bác Hồ tặng các cháu ở nhà”.  Mọi người ồ lên vui vẻ nhưng xúc động và cảm phục sự quan tâm của Người.

2. Nhờ vốn sống phong phú, sự am hiểu tình hình thế giới, đặc biệt nhanh chóng nhận biết được ý định của người đối thoại mà Bác Hồ có thể lựa chọn cách ứng xử hợp lý nhất. Người dùng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu song đầy sức thuyết phục để khơi dậy tình cảm nhân văn của người đối thoại, thuyết phục họ chấp nhận lẽ phải. Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp năm 1946 có phóng viên đã hỏi Người: “Thưa Chủ tịch, Ngài có phải là cộng sản không?”. Điềm tĩnh đi tới lẵng hoa trên bàn, Bác rút ra những bông hoa đẹp nhất, đem tặng những người có mặt và nói: “Tôi là người cộng sản thế này!”.

3. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hoà Pháp. Trong chuyến thăm đó, nhận lời mời của ông Raymond Aubrac, cựu Ủy viên Cộng hoà ở Marseille, nghị sĩ Quốc hội Pháp, Bác Hồ chuyển về ở trong căn nhà và khu vườn của gia đình ông từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9/1946. Ngày 15/8/1946, Bác Hồ đã đến nhà hộ sinh Port - Royal ở Paris thăm bà Lucie Aubrac và nhận con gái mới sinh Elizabeth của ông bà là con đỡ đầu. Bác Hồ đặt tên thân mật cho con gái nuôi là Babette.

Giữa bộn bề công việc của một nhà lãnh đạo, Bác Hồ vẫn thường gửi thư và quà tới ông bà Raymond Aubrac. Vào mỗi dịp sinh nhật của Elizabeth, Bác Hồ thường gửi những món quà tặng Việt Nam xinh xắn: Có khi là quả cầu nhỏ hay một con trâu bằng ngà, có khi là một bức ảnh chân dung của Người hay một đồng tiền vàng có mang hình Người với những lời chúc rất tình cảm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc. Một món quà đặc biệt Người dành cho Elizabeth khi trưởng thành chính là tấm lụa vàng để may áo cưới.

4. Nữ nhà văn, nhà báo, nhà thơ Pháp Madeleine Riffaud đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và có những kỷ niệm sâu sắc với Người. Nhà báo Pháp Madeleine Riffaud nhớ như in lần đầu gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946: “Tôi được gặp Bác Hồ lần đầu tiên tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp năm 1946. Tôi thực sự ấn tượng bởi cách ăn mặc giản dị của Hồ Chủ tịch. Ấn tượng hơn là những câu hỏi, vấn đề mà Người đưa ra thì hết sức thông minh và thuyết phục. Người trả lời câu hỏi của các nhà báo quốc tế với thái độ bình tĩnh, khẳng khái, dứt khoát và kiên quyết”.

Bác Hồ động viên Madeleine: “Bây giờ con hãy làm việc, học tập. Khi nào trở thành nhà báo, con hãy sang Việt Nam. Bác sẵn sàng đón con bất cứ lúc nào như con gái của Bác”. Năm 25 tuổi, bà Madeleine Riffaud được đến Hà Nội nhân dịp chứng kiến việc thực thi Hiệp định Genève vào năm 1955 - 1956. Đó là lần thứ 2 bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào một buổi sáng năm 1955, bà được ăn sáng cùng Bác Hồ và được tiếp chuyện Bác gần 1 tiếng đồng hồ. Người đã tặng Madeleine hai tấm lụa để may hai chiếc áo mặc mỗi khi sang Việt Nam.

QUÝ ĐỨC (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh