Chủ tịch Đường sắt: Giảm giá vé tàu, cạnh tranh với máy bay
- Huyệt vị
- 18:40 - 18/04/2017
Thưa ông, vận tải hành khách đường sắt đang khó khăn do việc đi lại bằng đường hàng không thuận tiện hơn. Ngành đường sắt sẽ làm gì để kéo khách trở lại?
- Hiện nay đường sắt đang bất lợi so với hàng không về mặt thời gian nhưng lại có lợi thế an toàn. Hơn nữa các ga đường sắt nằm ở khu trung tâm với thủ tục đi lại thuận lợi, tính đúng giờ cao nên khách không có cảm giác phải chờ. Ngoài ra người đi tàu được đem theo hành lý khối lượng lớn với mức phí thấp.
Từ thực tế trên chúng tôi đã thống nhất mục tiêu lớn nhất của ngành là khai thác an toàn, tối đa hạ tầng, tối đa đoàn tàu hiện có.
Ông Vũ Anh Minh
Chúng tôi sẽ cung ứng những gì xã hội cần. Đóng tàu vì mục tiêu có bao nhiêu khách lên tàu chứ không phải tàu có bao nhiêu ghế.
Ông có thể nói rõ việc tập trung vận tải hành khách ở chặng ngắn sẽ thực hiện như thế nào?
- Chúng tôi sẽ lựa chọn phân khúc khách hàng để phục vụ. Cụ thể sẽ chọn những tuyến có cự ly lợi thế cạnh tranh về thời gian (từ 5-7h) với tàu đẹp, giờ đẹp. Trước mắt sẽ tập trung vào 2 tuyến Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.
Hai tuyến này hành khách đi lại rất thuận lợi. Như tuyến TP.HCM - Nha Trang, chập tối khách có thể lên tàu ngủ một giấc là về tới điểm đến.
Hay như tuyến Hà Nội - TP Vinh, khách cần đến lúc gần trưa để nhận phòng khách sạn tại Cửa Lò nên khi tàu đến Vinh đường sắt sẽ bố trí xe đưa khách về tận khách sạn, không để khách phải chờ đợi.
Sẽ giảm giá vé
Hành khách kêu giá vé tàu Hà Nội - Sài Gòn hơn 2 triệu đồng/vé/lượt là cao hơn so với hàng không. Vậy đường sắt có tính tới việc giảm giá vé không thưa ông?
- Đúng là giá vé đối với tuyến dài của đường sắt đang vấp phải sự cạnh tranh nên chắc chắn chúng tôi sẽ giảm giá vé bằng nhiều biện pháp.
Cụ thể, đường sắt sẽ mở nhiều phân khúc để khách hàng có sự lựa chọn. Với các tuyến đường dài sẽ có những toa có chất lượng cao hơn hẳn, ngoài ra cũng sẽ có toa bình dân giường 2 tầng, 3 tầng…
Thực tế hiện nay, điều khách kêu nhất là chất lượng dịch vụ.
Tuyến ngắn như Nha Trang - TP.HCM hiện nay giá từ 400-500 ngàn đồng/vé với tàu đẹp, phục vụ theo tiêu chuẩn 5 sao thì không có ai kêu về giá cả.
Vậy ngành đường sắt sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ như thế nào?
- Chúng tôi sẽ cung cấp những gì xã hội cần chứ không cung cấp những gì mình có. Do vậy Tổng công ty đã yêu cầu công ty vận tải Hà Nội và Sài Gòn phải chấn chỉnh ngay chất lượng vệ sinh, niêm yết quy trình vệ sinh ngay tại các toa tàu.
Tàu chở khách 5 sao tuyến TP.HCM - Nha Trang là tuyến vận tải hành khách khai thác hiệu quả nhất hiện nay
Tại đầu bến của các ga chính Hà Nội và Sài Gòn cần thuê tổ chức phục vụ chuyên nghiệp cả về nội thất và ngoại thất, trước khi tàu xuất phát phải dọn vệ sinh bên ngoài và cả bên trong tàu.
Trong công tác bán vé, tới đây sẽ bán vé linh hoạt, thậm chí bán trước 6 tháng và xây dựng các chương trình khuyến mãi có vé đổi được và có vé không đổi để kích thích được hành khách.
Hành khách bỏ đường sắt đi và để họ quay lại phải có thời gian. Chúng tôi sẽ cố gắng chấn chỉnh nhược điểm để chất lượng dịch vụ tăng lên và giá cả hợp lý hơn.
Kêu gọi đầu tư bên ngoài
Vận tải hàng hóa tới đây sẽ có thay đổi gì, thưa ông?
- Đối với hàng hóa, chúng tôi phải tập trung vào các tuyến dài, có khối lượng hàng hóa ổn định lớn.
Tuy nhiên để làm được thì đường sắt cũng cần phải đầu tư kết cấu hạ tầng. Hiện nay tàu hàng Hà Nội - Đà Nẵng tải trọng đạt 4,2 tấn/m còn Đà Nẵng vào TP.HCM chỉ có 3,6 tấn/m. Do tải trọng không đồng đều nên không phát huy được năng lực toàn tuyến, tàu không thể chạy từ Hà Nội đến Đà Nẵng rồi phải dừng để hạ tải được.
Do vậy việc đầu tư kết cấu hạ tầng, xử lý các cầu hầm yếu để nâng tải trọng toàn tuyến đạt 4,2 tấn/m là rất cần thiết để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa.
Ngoài ra cần phải nghiên cứu lập thêm ga mới để có thể kéo được 25 toa/ đoàn tàu và mỗi ngày có thể chạy được 25 đôi tàu/ ngày đêm.
Mục tiêu cụ thể là gì?
- Điều chúng tôi muốn thực hiện nhất là kêu gọi đầu tư bên ngoài. Chúng tôi vừa hợp tác cùng với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xây 2 cảng cạn (ICD) tại Sóng Thần (Bình Dương) và Đông Anh (Hà Nội).
Đây là doanh nghiệp quân đội, chiếm tới 50% thị phần container của cả nước, chiếm 90% thị phần container Sài Gòn, hy vọng mang lại đột phá về vận tải hàng hoá của đường sắt.