CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:05

"Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc”

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao đổi với báo chí tại hội nghị “ Đối thoại với doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động” năm 2018 

 

* Với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” của Tháng hành động năm 2018, xin Thứ trưởng cho biết thực trạng công tác phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm trong lao động, sản xuất ở nước ta thời gian qua?

 - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Đảm bảo  an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được  Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, coi trọng. Tại Điều 35, Hiến pháp năm 2013 của nước ta có qui định: Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi Luật An toàn, vệ sinh lao động lần đầu tiên đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII với 7 chương, 93 Điều gồm nhiều nội dung, chính sách mới đó là: Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động; mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao đông làm việc không theo hợp đồng lao động; đặc biệt là chính sách phòng ngừa về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được qui định rất cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp xác định, đánh giá, quản lý rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Qua các báo cáo tổng hợp, thống kê tai nạn lao động những năm gần đây cho thấy, trung bình hàng năm cả nước xảy ra 7.000 - 8.000 vụ tai nạn lao động. Năm 2017, trên toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động làm 9.173 người bị nạn; 928 người chết và hơn 1900 người bị thương nặng. Nguyên nhân chính để xảy ra tai nạn lao động và Bệnh nghề nghiệp vẫn là lỗi chủ quan do người sử dụng lao động và người lao động mà trong đó yếu tố về nhận thức, ý thức và kỹ năng nhận diện, đánh giá, phân tích các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động hiện nay trong các doanh nghiệp và người lao động còn nhiều hạn chế; các chủ thể khi tham gia quan hệ lao động cũng chưa hiểu và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Chúng ta đều biết, tại nơi làm việc luôn tồn tại các yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe và tính mạng của người lao động như các vật văng bắn, các bộ phận truyền, chuyển động của máy, thiết bị, điện giật, bị bỏng, các yếu tố vi khí hậu xấu, tiếng ồn, rung, hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại… Các yếu tố này có thể tác động gây bệnh hoặc gây ra thương tích, tử vong cho người lao động nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả. Chính vì vậy mà việc trang bị cho người sử dụng lao động và người lao động các kiến thức, kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là hết sức quan trọng, chủ động giúp họ phòng ngừa và hạn chế được các sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Với ý nghĩa đó, Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương đã thống nhất phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2018 với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.

 * Những hoạt động tầm cấp quốc gia sẽ được triển khai trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm nay là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Ở cấp Trung ương, các hoạt động chính sẽ được triển khai trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 tập trung vào các 4 nhóm hoạt động, cụ thể như sau:

- Nhóm hoạt động phát động, hưởng ứng, bao gồm: Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động sẽ chính thức được tổ chức lúc 9 giờ 30 ngày 06 tháng 5 năm 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, phát sóng truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp sóng ở các Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương; các buổi lễ hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ được tổ chức ngay sau Lễ phát động quốc gia. Ví dụ Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức Lễ phát động hưởng ứng trong toàn quân vào ngày 7/5/2018 tại Lữ đoàn 125, Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh…

- Nhóm hoạt động cổ động, truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động gồm: Tổ chức triển lãm ảnh về an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sẽ diễn ra từ ngày 6/5 đến ngày 13/5/2018 tại Tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; họp báo thông tin về các hoạt động, sự kiện trong tháng hành động và phối hợp với hơn 30 cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương đưa tin, bài, phóng sự chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng các chương trình, chuyên mục về an toàn, vệ sinh lao động trên các báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng cường phối hợp tuyên truyền với các ngành, nghề đặc thù có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như ngành xây dựng, khai thác khoáng sản, xây lắp và truyền tải điện; phát các Thông điệp về chủ đề và sự kiện tổ chức Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2018 trên kênh VTV1, VTV2, VOV2, Truyền hình Quốc hội, VTC1 và một số kênh truyền hình khác. Tổ chức treo, dán các khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động; phát hành các tài liệu, hướng dẫn tuyên truyền tới doanh nghiệp, người lao động; xây dựng các tài liệu, ấn phẩm, video, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, webiste… 

- Nhóm hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động: Được tăng cường triển khai ngày từ tháng 4 năm 2018. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang tổ chức các đoàn thanh tra tại 97 doanh nghiệp trên cả nước (Đoàn Cục An toàn lao động thanh tra 16 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương; Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra 81 doanh nghiệp trên cả nước). Các bộ, ngành như Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo tự kiểm tra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Sở, ban ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khoảng 100 doanh nghiệp và hoạt động của Ban chỉ đạo An toàn, vệ sinh lao động của các quận huyện trên địa bàn.

- Nhóm các hoạt động chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động: Trong dịp Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động sẽ diễn ra một số hội nghị, diễn đàn chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động của các bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo cụ thể như: Ngày 11/4/2018 Hội đồng quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động tổ chức “ đối thoại với doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động”; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức 02 hội nghị tập huấn triển khai chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại 02 khu vực miền Bắc và miền Nam; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức diễn đàn “ An toàn và sức khỏe nghề nghiệp đối với lao động trẻ”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức 2 Hội thảo, 1 cuộc thi chung kết An toàn, vệ sinh viên giỏi cấp thành phố hưởng ứng Tháng hành động, tổ chức thăm gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động. Bộ Y tế tổ chức 03 hội nghị tập huấn triển khai mô hình an toàn, vệ sinh lao động cho 30 bệnh viện. Các Bộ, ngành như Y tế,  Công Thương, Hội Nông dân Việt Nam đều tổ chức lớp tập huấn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, người lao động; Ban chỉ đạo Trung ương tổ chức các đoàn thăm doanh nghiệp và thăm các gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, gồm: Thăm Khu công trình khu dự án Đại Quang Minh hiện có gần 10.000 lao động đang thi công xây dựng và Công ty TNHH Pouyuen có 90.000 lao động; tổ chức gặp mặt công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ thương tật từ 51% trở lên và công nhân là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn.

 

Lĩnh vực xây dựng để xảy ra nhiều TNLĐ trong thời gian gần đây

 

*Để thực hiện tốt chủ đề của Tháng hành động ATVSLĐ năm nay, hạn chế các TNLĐ, BNN xảy ra, các cấp, các ngành, địa phương và cơ sở cần triển khai các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm gì?

- Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Năm nay là năm thứ 2 triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12 tháng 1 năm 2016 về việc tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao hàng năm. Để các hoạt động trong Tháng hành động được triển khai hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực với doanh nghiệp, người lao động, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Thứ nhất: Tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên các qui định, nhiệm vụ về an toàn, vệ sinh lao động theo yêu cầu tại Chỉ thị 29-CT/TW của Ban bí thư, Luật An toàn, vệ sinh lao động và văn bản hướng dẫn thi hành; đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là huấn luyện các kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cần coi đây là bước đột phá để nâng cao nhận thức, ý thức cho doanh nghiệp, người lao động nhằm tạo chuyển biến rõ rệt, thay đổi từ ý thức, nhận thức thành các hành động cụ thể, thiết thực; tăng cường sử dụng công cụ số, điện thoại di động, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ hai: Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thúc đẩy và chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và thường xuyên chỉ đạo, bám sát và đôn đốc quá trình triển khai thực hiện, trong đó yêu cầu các hoạt động phải cụ thể, tránh hình thức, lãng phí và có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động; tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động; cần chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới các cấp quận, huyện, xã, phường, cả trong khu vực không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu tại địa phương, trong nông nghiệp và các làng nghề tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Thứ ba: Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường cải cách, đẩy mạnh nâng hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ tư: Đối với các doanh nghiệp, cơ sở cần tăng cường rà soát, bổ sung các nội qui, qui trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đối với các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp. Đối với người lao động cần tuân thủ đúng các nội qui, qui trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội.

 Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh