CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Trung Quốc dần nới lỏng lệnh phong tỏa, khách bắt đầu xuất hiện tại các trung tâm thương mại để "mua sắm bù"

Lượng khách đến các cửa hàng ở Trung Quốc đang tăng lên dù chậm chạp sau khi giảm tới 80% tại thời điểm dịch bệnh bùng nổ cách đây hơn 1 tháng và khiến các thương hiệu từ Burberry đến Kering bị ảnh hưởng nặng nề. Theo những người trong ngành, đà hồi phục có thể tăng tốc trong những tuần sắp tới, nhờ hiện tượng gọi là "chi tiêu bù".

"Chi tiêu bù" là cụm từ xuất hiện từ những năm 1980, dùng để miêu tả nhu cầu mua sắm đã bùng nổ trong thời gian đó sau thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Amrita Banta, giám đốc điều hành của Agility Research, đã sử dụng cụm từ này để nói về làn sóng của mua sắm của những khách hàng Trung Quốc đang dồi dào tiền mặt sau vài tuần phải ở im trong nhà và hủy bỏ tất cả các kế hoạch.

"Có vẻ như Trung Quốc đã đạt được bước ngoặt và những thành phố lớn đang thể hiện sự lạc quan một cách thận trọng. Chúng tôi nhìn thấy sự phục hồi dù chậm nhưng rất rõ ràng", bà nói.

Các khách hàng Trung Quốc đóng góp hơn 1/3 doanh thu của ngành công nghiệp xa xỉ và khoảng 2/3 tăng trưởng trong những năm gần đây. Khi Bắc Kinh áp đặt lệnh phong tỏa vào cuối tháng 1 để ngăn chặn virus corona lây lan, doanh thu của ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Được dự báo là sẽ có quý I thảm họa nhưng giờ đây ngành này có vẻ sẽ chỉ trải qua 1 quý khó khăn, khi mà những trung tâm khác như Italy giờ cũng trở thành ổ dịch và virus lây lan sang cả những thị trường lớn như Mỹ.

Trong khi virus đang lan ra toàn cầu, có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang dần được kiểm soát ở Trung Quốc. Hôm qua số ca nhiễm mới đã lần đầu tiên xuống mức 1 con số, so với mức hàng trăm hoặc hàng nghìn ca cách đây vài tuần. Và những thương hiệu như Hermes đang mở cửa hàng trở lại.

"Hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đang cải thiện chậm chạp. Và tâm trạng của người tiêu dùng Trung Quốc cũng rất quan trọng. Sau 1 tháng rưỡi bí bách, họ đã sẵn sàng quay trở lại với cuộc sống bình thường", CEO Micaela Le Divelec Lemmi của Salvatore Ferragamo nói.

Andy Li, người làm trong ngành fintech, cũng đồng tình với quan điểm này. Chàng trai 29 tuổi đã tới trung tâm mua sắm Maoye ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây 3 lần kể từ khi lệnh phong tỏa được nới lỏng cách đây 2 tuần. Khách vào trung tâm mua sắm này, nơi có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Gucci và Bottega Veneta, thực hiện kiểm tra thân nhiệt của khách trước khi cho phép họ bước vào. Khách cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Khi có lệnh phong tỏa, anh đã cố gắng mua hàng trực tuyến nhiều hơn nhưng những sản phẩm mà anh đặt hàng bị mắc kẹt ở hải quan và hoạt động giao hàng cũng rất chậm trễ.

Hermes cho biết đã mở cửa gần như tất cả các cửa hàng ở đại lục sau khi đóng cửa 11 địa điểm cách đây vài tuần. Chow Tai Fook, hãng trang sức có doanh thu lớn nhất thế giới, cho biết 85% trong số hơn 3.600 cửa hàng ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại.

Ở thời điểm hiện tại, các chuyến bay bị hủy và lệnh hạn chế bán tour du lịch trọn gói khiến những du khách Trung Quốc khó có thể đi ra nước ngoài. Trước khi có dịch thì ở Trung Quốc cũng đã xuất hiện xu hướng mua hàng xa xỉ trong nước vì mức thuế nhập khẩu thấp.

Tuy nhiên hoạt động chi tiêu bù khó có thể bù đắp hoàn toàn những mất mát. Theo khảo sát của Boston Consulting và Sanford C. Bernstein, dịch bệnh có thể khiến doanh thu của ngành này giảm tới 45 tỷ USD trong năm nay.

Và không phải ai cũng hào hứng đến trung tâm mua sắm sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Nhiều khách hàng làm trong khu vực dịch vụ hoặc điều hành các công ty nhỏ đã bị thiệt hại nặng vì dịch bệnh và giờ sẽ phải cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết.

Trung Quốc cũng đứng trước nguy cơ số ca nhiễm gia tăng trở lại khi mọi người quay lại với cuộc sống bình thường. Các du khách có thể khiến dịch bệnh tái bùng phát bằng cách mang virus quay trở lại Trung Quốc sau những chuyến đi nước ngoài.

Sau khi dự kiến doanh thu quý I giảm 25% - 33% trên toàn cầu, Ferragamo vẫn hi vọng doanh thu ở thị trường Trung Quốc tăng trưởng trong năm nay, nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu những tác động của dịch bệnh tiếp tục giảm đi. Vì rất khó để dự báo, công ty có trụ sở ở Italy cho biết đang cắt giảm sản lượng và ngừng tất cả các khoản đầu tư không được coi là "cơ bản". "Giống như các đối thủ cạnh tranh, chúng tôi chỉ đang dựa vào những tính toán cho 24 giờ sắp tới mà thôi", Le Divelec Lemmi nói.

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh