CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:56

Quyền lợi người lao động cần được đặt lên hàng đầu

 

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của người lao động gồm 4 chương và 16 điều. Hiện dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp trước khi gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Một trong những quy định đáng chú ý của dự thảo của Nghị định này là: Đối với các trường hợp đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí đảm bảo khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại khoản 3, điều 122 của Luật BHXH.

Chủ Cty TNHH may mặc Vina Kangaroo (Tiền Hải, Thái Bình) bỏ trốn để lại khoản nợ gần 30 tỉ đồng, trong đó nợ lương và BHXH của 900 người lao động trên 15 tỉ đồng.

Khoản 3, điều 122 của Luật BHXH quy định: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN), phương án đưa ra trong dự thảo này có ưu điểm là chỉ cần sửa đổi một số quy định của pháp luật có liên quan, nhất là Luật Phá sản. Phương án này đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng của Luật BHXH, đồng thời ngân sách nhà nước không phải bố trí. Hơn nữa, phương án này chỉ cần Chính phủ ra quyết định, không cần phải qua Quốc hội. Tuy nhiên, theo ông Quảng, khả năng tiền lãi thu được có nhiều không? Nếu tiền lãi thu không đủ chi trả thì sẽ xử lý như thế nào?

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, để giải quyết “hậu quả”, các địa phương cũng cần phải trích nguồn từ ngân sách địa phương để cùng chia sẻ trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động. Ông Liệu cho rằng, địa phương phải có trách nhiệm khi không quản lý, giám sát tốt, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn xảy ra mà không nắm bắt sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa hệ lụy... Đồng thời, việc tăng cường chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các ngành: Kế hoạch Đầu tư - Thuế - BHXH và thực hiện hiệu quả công tác quản lý thu nợ BHXH cũng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng chủ sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, xâm phạm quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động.

Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, nguồn tiền này nên lấy từ ngân sách. Đồng thời, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Tính đến hết năm 2015, có 220,5 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của một số doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn; trong đó: Có 1.676 doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, rút giấy phép kinh doanh với 7.800 lao động, nợ số tiền BHXH, BHYT, BHTN là 79,5 tỷ đồng. 1.931 doanh nghiệp trong nước không còn hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa điểm đăng ký với 1.400 lao động, nợ số tiền BHXH, BHYT, BHTN là 89,5 tỷ đồng; 106 doanh nghiệp chủ nước ngoài bỏ trốn với 4.000 lao động, nợ số tiền BHXH, BHYT, BHTN là 51,5 tỷ đồng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh