THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

“Chống tham nhũng, gánh nặng nhiệm kỳ Chính phủ mới”

ĐBQH Nguyễn Thái Học.

* Tham nhũng, lãng phí đang nhức nhối trong xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có “người đứng đầu” nào bị xử lý khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

- Cũng không hẳn vậy. Khi đủ cơ sở, rõ “địa chỉ” tham nhũng mà người đứng đầu làm ngơ, không xử lý thì đó mới thuộc trách nhiệm của người đứng đầu.Trước vấn nạn tham nhũng hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải thực sự quyết liệt, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và khách quan công bằng trong xem xét, xử lý.

Cử tri nói, công dân vi phạm pháp luật thì xử rất nghiêm. Cán bộ, đảng viên vi phạm thường xử nhẹ hoặc không xử. Và cán bộ có chức vụ thì quá trình xử lý càng khó. Đâu đó ở các địa phương tôi cho là có thực tế này. Cho nên, đòi hỏi sự nghiêm minh và công bằng. Mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật dù ở cương vị nào. Làm được như vậy dân mới tin. Trong đấu tranh, xử lý tham nhũng mà dân cảm nhận thấy có sự phân biệt đối xử thì dân không tin, và lúc đó công tác phòng chống tham nhũng còn khó khăn.

* Theo ông, để thể hiện được trách nhiệm trước nhân dân, hành động tới đây của người đứng đầu Chính phủ mới sẽ phải như thế nào trước nạn tham nhũng?

- Tôi tin, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ nhận thức rõ được tình hình tham nhũng khi nhận nhiệm vụ. Với yêu cầu đòi hỏi đặt ra, chống tham nhũng như chống giặc “nội xâm”, Thủ tướng mới sẽ có hành động quyết liệt, ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn này.Tuy nhiên, để làm được điều này cũng rất khó khăn. Khó khăn bởi một mình bản thân Thủ tướng không thể làm được, mà đòi hỏi một sự đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới vai trò của người đứng đầu Chính phủ, phải làm sao với vai trò trách nhiệm của mình tân Thủ tướng phải đưa hệ thống chính trị vào cuộc và phải tạo ra sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Thực tế hiện nay không phải cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu nào chính quyền địa phương nào cũng quan tâm tới công tác phòng chống tham nhũng. Người ta vẫn thấy nguy hại đó, nguy hiểm đó, nhưng thiếu sự quan tâm  nên tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra, nhưng không được phát hiện, tới khi có đơn thư tố cáo thì mới truy tìm đối tượng, điều tra sự việc tham nhũng....

* Có ý kiến rằng, “vạch mặt” tham nhũng, chẳng khác nào lấy đá “ghè” chân mình. Ông có đồng tình với quan điểm này?

- Điều này xuất phát từ trách nhiệm. Một khi trách nhiệm chưa được quy định rõ ràng cụ thể, thì người đứng đầu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng ở địa phương, đơn vị mình không phải chịu trách nhiệm gì. Để khắc phục tình trạng này Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng chống tham nhũng. Trong chỉ thị này nêu rõ, nếu người đứng đầu địa phương, đơn vị nào để xảy ra tham nhũng lãng phí, tiêu cực thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm.

Nghĩa là, từng bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh chống tham nhũng, không trông chờ tới khi thanh, kiểm tra mới vội vàng vào cuộc.

* Người đứng đầu trong trường hợp này là người đứng đầu cấp uỷ hay cấp chính quyền, thưa ông?

- Người đứng đầu khi xem xét phải tính toán trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ tham nhũng xảy ra tại 1 cơ quan Đảng thì người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm. Còn xảy ra trong bộ máy Nhà nước thì người đứng đầu chính quyền phải chịu. Người đứng đầu, trách nhiệm người đứng đầu được xem xét trong từng hoàn cảnh cụ thể.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh