CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:45

Việt Nam tham dự Hội nghị chống tham nhũng của LHQ

Tại Kỳ họp thứ 6 của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (CoSP 6), ngày 3 - 4/11, Việt Nam tuyên bố đồng bảo trợ tuyên bố về thúc đẩy quan hệ đối tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong phòng ngừa và chống tham nhũng và nghị quyết chống tham nhũng bằng việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công có hiệu quả…

“Chúng tôi coi việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu với sự tham gia của các thành phần khác nhau trong xã hội. Kết quả đánh giá thực thi Công ước trong Chu trình đầu tiên cho thấy Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng về phòng, chống tham nhũng”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy nhấn mạnh.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy: "Chúng tôi coi việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu

Một trong những nội dung được đặc biệt nhấn mạnh trong phát biểu của các đoàn đại biểu tại phiên toàn thể là vai trò và tầm quan trọng của các biện pháp để giảm thiểu và từng bước hạn chế những tác động tiêu cực của tham nhũng đối với quá trình phát triển nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, đặc biệt là Mục tiêu 16 trong Chương trình nghị sự về phát triển sau 2015 đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.

Qua quá trình nghiên cứu, thảo luận và tham vấn, Việt Nam đã tuyên bố đồng bảo trợ 2 dự thảo, bao gồm: Tuyên bố Xanh Pê-téc-bua về thúc đẩy quan hệ đối tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong phòng ngừa và chống tham nhũng do nước chủ nhà Liên bang Nga đề xuất. Tuyên bố kêu gọi các quốc gia nâng cao nhận thức trong doanh nghiệp về phòng, chống tham nhũng, áp dụng các biện pháp nâng cao minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài sản và tài chính công, mua sắm công.

Nghị quyết về chống tham nhũng bằng việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công có hiệu quả thông qua việc áp dụng các thực tiễn tốt nhất và cải tiến công nghệ do A-déc-bai-dan đề xuất. Dự thảo Nghị quyết này nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào việc xây dựng chính sách công, khuyến khích sử dụng dịch vụ công điện tử để góp phần nâng cao tính minh bạch, hạn chế tham nhũng.

Việc Việt Nam bảo trợ các dự thảo này thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong thực thi Công ước và góp phần thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, được các bạn ghi nhận và đánh giá cao.

Đồng thời trong hai ngày 3- 4/11, đại diện Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự Cuộc họp bổ sung của Nhóm đánh giá thực thi Công ước, Cuộc họp của Nhóm chuyên gia liên chính phủ mở rộng về Hợp tác quốc tế và các phiên tham vấn không chính thức để thảo luận về các khuyến nghị về hợp tác quốc tế và các dự thảo Nghị quyết về đánh giá thực thi Công ước do Thụy Sỹ đề xuất, dự thảo Nghị quyết về tăng cường sử dụng tố tụng dân sự và hành chính về phòng, chống tham nhũng trong khuôn khổ UNCAC do Bra-xin đề xuất. Các dự thảo Nghị quyết này sau đó sẽ được trình lên Hội nghị để thông qua vào ngày 6/11/2015.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh