CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:32

Chống “phù phép” thu phí BOT

 

Trực tuyến để giám sát

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, đến ngày 1/8, cả nước có 48 trạm thu phí hoàn vốn cho 43 dự án BOT, do Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đang trong giai đoạn kinh doanh, khai thác.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Bộ đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phần mềm kết nối hệ thống thu phí tại các trạm BOT, hoạt động tương tự hệ thống giám sát hành trình. Cụ thể, gắn chip tại các trạm thu phí, truyền dữ liệu về hệ thống trung tâm của Tổng cục, gồm cả lưu lượng xe, chủng loại xe, tiền thu phí. “Các trạm thu phí đang hoạt động như thế nào đều sẽ giám sát được để minh bạch mức phí, doanh thu thu phí” - ông Trường giải thích.

Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phần mềm giám sát trực tuyến này thực chất là việc truyền dữ liệu thu phí về tổng cục mà không qua đơn vị trung gian nhằm hạn chế thấp nhất việc “phù phép” số liệu thu phí.

Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, phần mềm này sẽ giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay trong công tác thu phí như: Thời gian lưu trữ dữ liệu dài, dung lượng lớn và vấn đề bảo mật dữ liệu. Trên cơ sở dữ liệu đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan thuế có thể đối chiếu với doanh thu thu phí do nhà đầu tư báo cáo hằng tháng, quý, năm. Bên cạnh đó, phần mềm còn giúp tổng hợp các báo cáo thống kê phục vụ mục đích hỗ trợ ra quyết định đối với cơ quan quản lý như: Báo cáo lưu lượng xe qua trạm thu phí theo thời gian, báo cáo doanh thu thu phí.

Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế, (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), để thực hiện đề án này, tổng cục đã đưa ra 3 phương án. Thứ nhất, đặt máy chủ tại các trạm thu phí, từ đó truyền dữ liệu thu phí về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đánh giá tổng thể, cách làm này không khả thi, vì phải bố trí nhân viên để duy trì hệ thống.

Trạm thu phí Rạch Chiếc - xa lộ Hà Nội (TP HCM)Ảnh: Tấn Thạnh

Thứ hai, cài thêm phần mềm vào hệ thống dữ liệu của các trạm thu phí, sau đó cưỡng bức truyền dữ liệu và công khai các số liệu thu phí, thời gian thu phí. Thế nhưng, mỗi trạm thu phí sử dụng các hệ điều hành khác nhau nên dễ gây ra sự cố, hư hỏng và khó thực hiện.

Thứ ba, yêu cầu các trạm thu phí tự truyền dữ liệu trực tuyến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thông tin sẽ được kiểm chứng thông qua việc kiểm tra, giám sát đột xuất. Giải pháp này sẽ có sự kiểm soát dữ liệu đột xuất, nếu thấy có sự can thiệp hệ thống, cơ quan chức năng sẽ thực hiện những chế tài xử phạt nặng.

“Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo nội dung hợp đồng và quy định liên quan. Hầu hết các hợp đồng BOT hiện nay, nếu phát hiện doanh thu sai thì mức phạt có thể lên tới 180 lần số chênh lệch hụt thu so với thực tế” - ông Toàn thông tin.

Triển khai ngay

Ông Tô Nam Toàn cho biết, quan trọng nhất của giải pháp này là tính bảo mật hệ thống. Cụ thể, nếu trước đây các trạm thu phí một dừng thuộc quyền quản lý của nhà nước thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam nắm quyền bảo mật ở cấp cao nhất và toàn bộ dữ liệu nằm tại trạm thô không bị can thiệp. Tuy nhiên, từ khi có các dự án BOT, vấn đề này chưa được thực hiện. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu giao lại quyền bảo mật đó để bảo đảm thông tin không bị can thiệp, sửa đổi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi Bộ GTVT đồng ý chủ trương, Tổng cục đã có quyết định giao Ban Quản lý Dự án 4 tổ chức lập đề án. Ngoài ra, Tổng cục cũng đang tính đến kết nối hệ thống dữ liệu trực tuyến này với Bộ Tài chính, cơ quan thuế để đối chiếu doanh thu và các quy định về tổng hợp thông tin phục vụ mục tiêu công khai minh bạch thông tin thu phí.

“Sau khi đề án trình Bộ GTVT, nếu được phê duyệt trong năm 2016, sẽ triển khai thí điểm, sau đó sẽ mở rộng triển khai trạm thu phí đang vận hành còn lại” - ông Thắng nói.

Ông Thắng cho biết, phần mềm sẽ sử dụng công nghệ trực tuyến, truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, không có sự can thiệp của các trạm, số liệu truyền về online và chính xác có lưu trữ hình ảnh cũng như video để khi trích xuất ra sẽ bảo đảm tính pháp lý cao nhất.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng các quy định liên quan đến vấn đề thể chế và giải pháp quản lý, để bảo đảm các cơ sở thực hiện việc giám sát, minh bạch thông tin cũng như chia sẻ dữ liệu với các cơ quan liên quan” - ông Thắng cho hay.

Lắp đặt 28 trạm thu phí không dừng

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về các biện pháp kiểm soát, giám sát thu phí, chống thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí BOT. Theo đó, nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng (Công ty cổ phần VETC) đã triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu công nghệ thông tin, lắp đặt thiết bị.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, đã lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại 5 trạm: Quảng Đông (Quảng Bình), Toàn Mỹ (Đắk Nông), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Đắk Đoa (Gia Lai), Chư Pưh (Gia Lai); 2 trạm Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam) đã hoàn thành lắp đặt thiết bị và 4 trạm chưa khảo sát thiết kế do chưa có mặt bằng. Còn lại 17 trạm đang chờ chấp thuận của các nhà đầu tư BOT để tiếp nhận bàn giao mặt bằng, chậm nhất đến tháng 10/2016, sẽ hoàn thành việc lắp đặt.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh