THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:51

Chồng nhậu say, xô vợ dập lá lách

 

 

Sáng 9/8, Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Ban chỉ đạo công tác gia đình, Hội Luật gia quận 3, TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định để tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.

Đây là phiên tòa giả định đầu tiên của Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM về chủ đề này.

Nạn bạo lực trong gia đình là một vấn đề mà xã hội quan tâm vì giữa người có hành vi bạo lực và nạn nhân là người trong gia đình. Chính vì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình mà nạn nhân dễ dàng tha thứ cho người đã có hành vi bạo lực với mình. Sự tha thứ đó còn để che đậy sự xấu hổ với xã hội, không muốn cho lối xóm, đoàn thể hay chính quyền địa phương biết. Chính vì lẽ đó mà người gây ra bạo lực càng ngày càng lấn tới nên dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.

Nghĩ mình nuôi vợ nên được quyền đánh

Nội dung của vụ án được sử dụng để tuyên truyền xoay quanh câu chuyện của một gia đình ngụ quận 3. Người chồng là lao động chính, nuôi vợ và hai con. Do nghĩ rằng mình quan trọng vì là người kiếm ra tiền nên người chồng thường có hành vi bạo hành vợ. 

Cụ thể, tối 2/1/2018, Ngô Huy Sanh (kỹ sư cầu đường) đi nhậu về, bị vợ càm ràm vì về trễ mà không báo khiến ba mẹ con phải đợi cơm.
Sanh la mắng rồi đẩy mạnh khiến vợ ngã và va chạm vào cầu thang khiến dập lá lách, thương tật 35%.
Tại phiên tòa, người vợ cho biết thường xuyên bị Sanh bạo hành, la mắng nhưng nghĩ phận phụ nữ, muốn giữ hạnh phúc gia đình êm ấm để lo cho các con nên chị đành cam chịu.

"Trong gia đình tôi là người đi làm kiếm tiền về nuôi gia đình, vợ tôi chỉ ở nhà nuôi con, nội trợ. Những lúc tôi đi làm về mệt mỏi, tôi thấy điều gì không hài lòng như dọn cơm cho tôi ăn trễ, nhà cửa không gọn gàng, sạch sẽ, quần áo tôi mặc ủi không ngay ngắn, xe tôi đi làm về không rửa sạch sẽ cho tôi… là tôi chửi vợ tôi. Thường thì tôi chỉ đánh bằng tay chân, có lần thì tôi tát vợ tôi, có lần thì tôi đá hoặc khi tôi bực tức thì tôi dùng cái điều khiển tivi, cái chén, cái ly ném vợ tôi. Bị cáo nghĩ là chuyện bình thường" - Sanh trình bày.

Trách nhiệm ngăn ngừa bạo hành gia đình là của toàn xã hội

Sau khi nghe bị cáo, bị hại trình bày, HĐXX đã giải thích rằng việc bạo lực gia đình, nhất là bạo lực với phụ nữ thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Chính vì tâm lý của người vợ thường cam chịu, muốn giữ hạnh phúc gia đình nên mới dung túng, làm cho người chồng có cơ hội để thực hiện hành vi bạo lực.
 
Bà Vũ Thị Mỹ Ngọc (áo xanh), Phó Chủ tịch UBND quận 3, cùng nhiều đại biểu tham dự phiên tòa giả định.
 

Theo HĐXX, phần lớn những người vợ và người mẹ Việt Nam luôn có đức tính hy sinh và chịu đựng. Vợ của bị cáo là một trong số đó. Đức tính đó là một đức tính cao quý của phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt những người chồng, tự cho mình là người trụ cột trong gia đình, là người làm ra nhiều tiền nên buộc các thành viên khác phải phục tùng mình, kể cả người vợ.

Bạo hành trong gia đình có hai dạng, một dạng về tinh thần và một dạng bạo hành về thể xác, trong bạo hành về thể xác có cả bạo hành về tinh thần. Cụ thể là gia đình của bị cáo. Không chỉ vợ mà con cái cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi phải sống trong môi trường như vậy.

Khi phát hiện có hành vi bạo lực, cần phải báo cho các cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp, xử lý, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Người phát hiện bạo lực gia đình phải có trách nhiệm kịp thời báo tin cho cơ quan công an hoặc UBND phường nơi gần nhất để kịp thời xử lý, ngăn ngừa được chuyện đáng tiếc người bị thương, người bị tù.

 

Hàng trăm chị em phụ nữ trên địa bàn quận theo dõi phiên tòa.

 

Nạn nhân của việc bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ cho mình.

HĐXX cũng nhấn mạnh "chính vì sự chịu đựng của bà mà làm cho bị cáo tiếp tục thực hiện vi phạm pháp luật, dẫn đến xảy ra vụ án hôm nay. Hậu quả là chồng bà bị đưa ra xét xử, còn bà thì bị thương tích nặng như hôm nay. Nếu như từ đầu, ngay từ lúc chồng bà có hành vi chửi mắng, đánh bà. Bà biết phản kháng lại bằng cách là chọn lựa những phương pháp hữu hiệu để khuyên răn chồng. Nếu hai vợ chồng không tự giải quyết được thì nhờ người lớn tuổi hoặc chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn những hành động bạo hành của bị cáo. Kế bên nhà có tổ trưởng tổ dân phố, người cũng có sự quan tâm mà bà không chia sẻ, điều đó đã gây hại cho gia đình của bà".

Sau cùng, HĐXX đã tuyên phạt Sanh hai năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách bốn năm.

Phán quyết đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng, đồng tình của những chị em phụ nữ tham dự phiên tòa giả định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh